Tóm tắt nội dung
Cô ngó tôi, cười cười:
– Hỏi thiệt nhé, có thích em không?
– Đừng hỏi tầm phào.
– Cái mặt làm bộ sầu đời, cách nói chuyện cà tững của anh, nhiều em gái ngây thơ chịu lắm. Tụi mình kết duyên thành chồng vợ được đấy.
– Để ôm nhau chết đói hả?
– Em tình nguyện đi làm nuôi anh.
– Đi khách đem tiền về nuôi anh?
– Không. Em chán cái nghề này lắm rồi.
Chúng tôi ngồi dưới chái hiên quán Bảy Súp. Chị Bảy chủ quán mang nước đến, rồi bỏ đi ngay như muốn tránh mặt.
Cô Mỹ nhìn theo sau lưng chị Bảy, kề tai tôi, nói nhỏ:
– Em còn lạ gì con đĩ ngựa này. Nó đỏng đảnh với mấy thằng xe be ngoài chợ, ai chẳng biết.
– Thôi, chuyện người ta. Mắc mớ gì đến em.
– Hứ! Cái thứ rượn đực, còn làm ra vẻ khinh người. Khó ưa.
Cô nguýt dài. Đuôi mắt đã có dấu hiệu xếp nếp thời gian.
Cao Thạch chỉ có một quán tạp hoá duy nhất của Bảy Súp, nằm kế Bến Gỗ. Bên hông quán, che thêm cái chái dùng làm nơi bán thịt rừng, và nước đá giải khát buổi trưa cho những đám thợ thuyền sinh hoạt nơi Bến Gỗ này.
Bảy Súp thường giao quán cho vợ con trông coi. Còn anh lo chạy vòng ngoài. Vào rừng mua lại thịt tươi từ các tay săn bẫy thú, hoặc theo xe be ra chợ bổ sung thêm hàng hóa về cho vợ buôn bán. Nhiều khi công việc bề bộn, vợ anh phải thay thế ra chợ bổ hàng. Việc này cũng mất khá nhiều thời gian, phải ở lại qua đêm, hôm sau mới có chuyến xe vào lại Cao Thạch. Vì phải ở lại qua đêm, nên chị Bảy mang nhiều tai tiếng lăng nhăng với dân xe be và lái gỗ.