Yêu em yêu cả tông ti họ hàng
Hỏi: Từ lần đầu
tiên về ra mắt nhà nàng, tôi đã phát khiếp khi đi hết hai ngày mới chào
hỏi hết ông bà cô bác, nhưng tôi nghĩ ấy là lúc tôi còn xa lạ, là
khách, họ làm thế để hai bên đều biết nhau, và “lấy le” với tôi về độ
“hoành tráng” của gia tộc mình thôi.
Nhưng cưới nhau rồi, tôi mới ngã ngửa
rằng đấy là “nếp” nhà nàng. Cả họ nhà nàng chỉ có mỗi nàng là được học
hành đàng hoàng nhất thôi, được ra thành phố, được lấy chồng thủ đô…
thế nên, mỗi lần cùng nàng về quê, tôi cũng phải cùng nàng làm mâm lễ
vào thắp hương nhà thờ họ, rồi lỉnh kỉnh túi quà to quà nhỏ đi thăm hỏi
hết bà trên ông dưới. Quên ai thì bị nhắc đến tận lần về sau mới thôi.
Thú thực, lâu lâu mới có hai ngày
nghỉ, những mong đưa vợ về quê được nghỉ ngơi hít thở không khí trong
lành, nhưng chỉ nội chuyện thăm hỏi cũng hết cả mấy ngày về, lắm khi bố
mẹ con cái còn chưa ngồi trò chuyện được với nhau cuộc nào, tôi rất
chán. Tôi có ý mong bố mẹ xuề xòa cho cái chuyện ấy thì bố mẹ vợ tôi tự
ái ra mặt, nên tôi lại đành im re. Đấy là chưa nói, mỗi lần về quê vợ
chồng tôi mất luôn một cục lương vì quà với cáp.
Chưa hết, bên nhà vợ tôi có cái thói
thật đúng với câu “yêu em yêu cả tông ti họ hàng”. Họ nhà em ở quê thì
cành ngang cành dọc có khi đến cả nghìn hộ, mà nhà nào có việc lên thành
phố, đi khám bệnh, ốm đau, con cái đi thi cử, học hành… không việc gì
không ới đến chúng tôi. Nhà tôi chật chội nhưng không khác gì nhà trọ
từ thiện; vợ chồng cũng chẳng bao giờ có đồng dư dả vì cơm khách thường
xuyên. Đã đôi lần tôi khó chịu, bỏ mặc vợ ở nhà một mình với mấy người
họ hàng xa bắn đại bác không tới, qua nhà bố mẹ tôi ở, thì khi về nhà,
vợ tôi thế nào cũng khóc sưng mắt, bỏ ăn bỏ ngủ đến phát ốm làm tôi lại
thấy áy náy.
Tôi không dám nói chuyện này với bố mẹ
vợ vì ông bà rất hay tự ái. Nhưng cứ sống mãi thế này chắc tôi không
chịu được. Vợ tôi thì sắp sinh con nữa, sau này có con nhỏ mà cuộc sống
cứ thế này mãi thì lộn xộn, mệt mỏi lắm.
Nhưng tôi không biết điều chỉnh chuyện
này thế nào, vì tôi vốn không hiểu lắm nếp sống của những người ở làng
quê. Xin hãy tư vấn giúp tôi!
Vũ Hoàng Nam (Đội Cấn, Hà Nội)
Ảnh minh họa
Đáp: Tôi rất hiểu và
chia sẻ với cảm giác mệt mỏi, không thoải mái mà anh đang phải đối diện
khi phải “yêu” cả anh em, họ hàng nhà vợ. Nhưng rõ ràng, nếu không đồng ý
và bỏ mặc vợ anh với người thân cận lẫn họ hàng xa của cô ấy, anh cũng
chẳng cảm thấy thoải mái tự do hơn khi vợ anh khóc lóc, dằn vặt vì cảm
thấy không làm tròn phận sự.
Một mặt, anh hãy nhìn vào khía cạnh
tích cực của việc gắn bó quan tâm lẫn nhau của gia đình nhà vợ với anh
em, họ hàng. Những tình cảm, câu nói hay hành động quan tâm nào của họ
hàng bên vợ khiến anh và gia đình nhỏ cảm thấy yêu thương, ấm áp? Hãy
hình dung trường hợp ngược lại: anh có cảm thấy thoải mái khi những
người thân bên vợ không có tình cảm, không đoái hoài gì đến gia đình
anh?
Sự gắn bó thường đi liền với trách
nhiệm, vấn đề là làm sao mình cân bằng được trách nhiệm với người khác
và cuộc sống cá nhân, cảm giác thoải mái tự do của mình. Hãy trao đổi
với vợ anh về việc ưu tiên cho một số người thân thiết, và đôi khi phải
nói lời từ chối với những họ hàng quá xa hay với những người mà sự ở
nhờ, giúp đỡ không quá mức cần thiết. Cách này vừa khiến anh có thể quan
tâm tới gia đình vợ một cách hết lòng và tự nguyện, đồng thời có không
gian cá nhân cho cuộc sống của riêng mình.
Tất cả những chuyện này anh chỉ nên
chia sẻ với vợ, cùng cô ấy tìm cách giải quyết, tránh than thở với bố mẹ
vợ. Dù sao, bố mẹ vợ cũng không có nhiều cơ hội tiếp xúc, hiểu rõ con
rể nên có thể hiểu nhầm, cho rằng anh không muốn quan tâm gì đến gia
đình vợ. Chúc anh thành công.
Ths tâm lý Phạm Văn Hùng