Vợ để chồng “đói chuyện ấy”
Bà xã tôi vốn là người
vui vẻ, xởi lởi, yêu chồng thương con. Chúng tôi cưới nhau được 18 năm
khi cô ấy 21 tuổi; tuy năm nay đã 39 tuổi nhưng trông vẫn còn rất trẻ
đẹp.
Thế nhưng không hiểu sao khoảng 1 năm trở lại đây,
bà xã tôi bỗng dưng đổi tính: Hay lo nghĩ xa xôi chuyện trên trời dưới
đất (chẳng hạn như tận thế), hay than vãn những chuyện rất nhỏ nhặt như
đau lưng, nhức mỏi tay chân. Đặc biệt, từ một người rất lành tính, bà xã
tôi bỗng như người khác: nóng nảy, dễ bị kích động, thích gây gổ…
Nhưng một điều cũng không kém phần gay go là tự
dưng cô ấy… dọn ra ngủ riêng, bỏ chồng “đói meo”, có khi cả tháng trời
mới cho ăn một lần. Tôi mà xớ rớ lại gần là… ăn chửi liền; có khi còn
mắng tôi trước mặt con cái làm tôi bị quê độ. Tôi nản quá, không lẽ phải
chịu đựng tình cảnh này đến khi… xuống lổ hay sao? Mà từ đây đến đó nếu
không có biến cố bất thường thì cũng phải mấy chục năm nữa…
Các huynh đệ gần xa, ai có kế gì chữa bệnh cho bà xã tôi trở lại như xưa, xin mách bảo dùm, tôi sẽ hậu tạ. Lý Nguyễn (Bình Phước)
Ông bạn thân mến,
Đọc là biết ngay “bịnh tình” của chị nhà. Từ chuyên
môn gọi đó là hội chứng “tờ mờ cờ”. Căn cứ vào tuổi tác và những biểu
hiện mà ông bạn đã mô tả thì gần như chắc chắn là “chị xã” ở nhà đang
bước vào thời kỳ khó ở của tuổi tiền mãn kinh.
Có tình trạng này là vì tạo hóa ban cho mỗi người
phụ nữ khoảng trên dưới “quả trứng thần kỳ” để duy trì nòi giống cũng
như điều tiết các hoạt động liên quan đến giới tính, tình dục. Nếu cứ
tính bắt đầu từ tuổi dậy thì, mỗi tháng chị em xài một quả, thì tùy theo
tuổi dậy thì sớm hay muộn mà cái ngày “hết vốn” đối với chị em đến sớm
hay trễ. Trường hợp chị xã của bạn năm nay mới 39 tuổi mà đã “khó ở” từ
hơn 1 năm qua thì có lẽ là… hơi sớm.
Cần nói thêm để bạn và các đấng nam nhi hiểu rõ, đối
với phụ nữ, sau khi mãn kinh, lượng nội tiết tố nữ trong cơ thể giảm,
kéo theo nhiều hệ lụy như bề mặt âm đạo mỏng và khô hơn, độ dính và đàn
hồi cũng kém dần, âm đạo hẹp, ngắn, chất nhờn giảm… Điều này cộng với
sự thay đổi môi trường sinh học bên ngoài cơ quan sinh dục nữ làm cho
chị em bị đau, rát khi gần gũi nên họ giảm hứng thú, thậm chí còn rất sợ
mõi khi đêm về. Nhiều người lẩn tránh bằng cách… dọn ra ngủ riêng như
trường hợp bà xã của bạn.
Tuy nhiên, không phải là không có cách để làm “giảm
bớt thiệt hại” của quá trình này. Nếu có sự chuẩn bị tốt về tâm lý và
sức khỏe, chị em sẽ bước vào tuổi mãn kinh hết sức nhẹ nhàng và thoải
mái. Hãy nghĩ rằng, đó là chuyện tất nhiên, ai cũng phải trãi qua nên
chẳng có gì lo lắng, phiền hà.
Điều đáng mừng là hiện nay, khoa học kỹ thuật phát
triển, nhiều tiến bộ của y học có thể giúp chị em làm chậm hoặc giảm bớt
“tác dụng phụ” của thời kỳ khó khăn này. Liệu pháp hormon thay thế hiện
nay thường được các thầy thuốc áp dụng để điều trị cho chị em. Tuy
nhiên, liệu pháp này cũng có nhiều tác dụng phụ nếu dùng lâu dài nên
nhất thiết phải có ý kiến của thầy thuốc mới được dùng.
Một biện pháp được xem là có nhiều ưu điểm khác là
chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, đầy đủ các dưỡng chất. Chị em tuổi
mãn kinh nên chọn chế độ ăn uống ít chất béo, ít cholesterol, giàu
canxi (sữa, tôm cua, trứng), phosphat… Nên ăn nhiều cá, đậu nành vì
các chất này có tác dụng tương tự như estrogen (nội tiết tố nữ). Nên hạn
chế gia vị cay nóng để giảm sự bốc hỏa của cơ thể. Đặc biệt, chị em
đừng quên tập thể dục hằng ngày như đi bộ, bơi lội, tập aerobics… Điều
này không chỉ tốt cho sức khỏe, làm tăng độ cứng chắc của xương mà còn
giúp tinh thần sảng khoái hơn.
Tóm lại, để không bị “mắng mỏ”, anh bạn nên thấu
hiểu những điều này, thông cảm và dành nhiều thời gian chăm sóc bà xã
hơn. Hãy biến chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có chuyện gì
bởi những biến đổi thất thường của bà xã chỉ diễn ra trong một thời gian
rồi hết chứ không phải kéo dài đến ngày… xuống lổ! Đừng vì sự “bức xúc”
của riêng mình mà “manh động”, mất kiểm soát vì chỉ một vài năm nữa thì
anh bạn cũng sẽ… xuống cấp tương tự như chị nhà thôi mà!
Chuyên gia tư vấn Vũ Kim Khôi