Vợ bỏ bê nhà chồng
Anh Hòa cho biết, bố anh mất đã được gần chục năm, cô em gái lấy
chồng và định cư ở nước ngoài nên trong nhà chỉ còn hai mẹ con. Tính
chất công việc của anh hay phải đi xa nhiều nên khi cưới vợ, anh thấy
yên tâm vì ở nhà đã có người trò chuyện, chăm sóc mẹ già. Tuy nhiên,
Thơm (vợ anh Hòa) hay tranh thủ khi chồng đi vắng, đưa con về ở hẳn với
bố mẹ đẻ, có khi cả tháng không ghé thăm mẹ chồng lần nào.
“Vợ
tôi làm việc ở gần nhà ngoại, con nhỏ lại được bà ngoại trông cho nên
hai mẹ con hai đòi về ngoại. Mẹ vợ tôi rất chiều con gái. Vợ tôi muốn
ăn, chơi, ngủ lúc nào cũng được. Chắc thế nên cô ấy đâm ỷ lại, chỉ biết
nghĩ cho mỗi bản thân mình” – anh Hòa tâm sự.
Thơm – vợ anh Hòa viện cớ bà nội không
trông được cháu, cháu quấy làm bà ốm thêm, làm việc gần nhà ngoại thì
trưa tranh thủ về ăn cơm và cho con bú… để ở hẳn bên ngoại một thời gian
dài. Ngay cả những lúc chồng ở nhà, Thơm cũng đưa con sang bà ngoại có
khi 3 ngày, có khi 5 ngày mới chịu trở về.
“Bây giờ cô ấy bầu bí
lần hai mệt mỏi nên muốn chuyển về ở với bà ngoại. Sau này sinh rồi
trông con, đã có bà ngoại. Tôi không đồng ý thì cô ấy tức giận đùng
đùng, gói đồ đạc và dắt con đi luôn” – anh Hòa tâm sự.
Khi anh
Hòa sang nhà ngoại, đón vợ con về thì mẹ vợ tỏ ý khó chịu. Nhà ngoại
nghĩ bị con rể ghét, không muốn cho vợ con về chơi. “Lúc đó bực quá tôi
có hét lên ‘Một là về, hai là bỏ’ thì vợ tôi đáp ‘Thích thì bỏ’. Tôi
đùng đùng bỏ về. Suốt một tuần nay, vợ chồng không liên lạc gì” – anh
Hòa kể.
Anh Hòa đang không biết phải ứng xử ra sao cho phải. Anh
không thể theo vợ con về ngoại ở rể, còn bỏ mặc mẹ mình. Thuyết phục để
vợ biết quan tâm tới nhà chồng hơn thì dường như vợ anh không nghe, lại
nghĩ anh ích kỷ.
Khi vợ chỉ biết tới nhà mình
Tâm
lý muốn về ngoại của phụ nữ là vì ở bên những người ruột thịt, họ thấy
thoải mái, không bị áp lực làm dâu. Chuyện về chơi với ông bà ngoại
không có gì là quá đáng nhưng người vợ phải tự biết cân bằng để không
ảnh hưởng tới cuộc sống sau kết hôn của mình. Người chồng cũng nên chia
sẻ, đưa – đón vợ con về bên ngoại. Có như thế, người vợ mới thấy yên tâm
vì biết chồng yêu nhà mình.
Có một số trường hợp, người vợ “lạm
dụng” về bên ngoại (như anh Hòa kể trên). Người vợ, để tiện cho mình
hoặc những lý do nào đó (bà ngoại chăm con cho, chỗ làm gần nhà ngoại,
nhà ngoại ở phố, còn bên nội ở quê…) nên, có tư tưởng muốn về hẳn nhà
ngoại. Nhiều chị em còn muốn con mình sau này sẽ theo hộ khẩu của mẹ để
đi học ở bên ngoại, thay vì theo khẩu của bố. Cũng có chị em muốn chồng ở
rể cho tiện…
Ở vào hoàn cảnh này, vợ chồng phải thông cảm và
biết lắng nghe nhau. Nên đặt mình vào hoàn cảnh người bạn đời để hiểu
cho anh ấy. Tìm hiểu xem vì sao chồng mình lại phản đối và chuyện mình
muốn về ngoại lâu thế có hợp lý không… Nếu thấy phù hợp thì nên thuyết
phục chồng. Còn nếu không hợp lý thì bản thân cần tự sửa đổi, dựa trên
sự góp ý cũng như trao đổi với chồng.
Có thể những lý do người
vợ đưa ra là hợp lý nhưng quan niệm “lấy chồng phải theo chồng” vẫn còn
ăn sâu nên người chồng vẫn muốn vợ, con phải theo mình. Một khi đã lấy
chồng thì người vợ nên chấp nhận hoàn cảnh, cũng như tôn trọng nhà
chồng. Tránh bỏ bê chồng hay nhà chồng vì sẽ khiến người chồng bất mãn,
gây xung đột nghiêm trọng, thậm chí là muốn ly hôn. Bản thân người vợ
cần tự biết dung hòa giữa trách nhiệm làm dâu và trách nhiệm với nhà
ngoại. Chuyện về bên ngoại khi nào, ở bao lâu, học hành cho con ở đâu…
cần được vợ chồng bàn bạc kỹ lưỡng để làm sao thật tiện lợi mà lại khiến
hai vợ chồng thoải mái.
Người chồng nếu không vừa ý khi vợ
thường về ngoại thì chia sẻ thẳng thắn, nhẹ nhàng. Nhưng không chì chiết
hay chê trách khiến người vợ nghĩ sai hoặc thấy tủi thân, ấm ức.