Tình Già - Chương 97
Vậy là Thủy lật giở những trang mà cô đã đánh dấu từ trước, hành động này có thể chứng minh chuyện cô sẽ lôi quyển nhật ký này ra được chuẩn bị từ trước. Đoạn đầu tiên như thế này:
– “23h15, ngày 22/8/1988,
Ngày đầu tiên bố viết nhật ký này vừa là ngày buồn cũng là ngày vui.
Ngày vui vì bố có thêm một đứa con trai, giờ này con đang ở trong bệnh viện được các bác sĩ là bạn của bố chăm sóc, con mới sinh ra từ buổi sáng.
Ngày buồn vì ở ngoài kia, trong chiếc quan tài lạnh giá mẹ của các con vẫn nằm đó. Mẹ đã mất lúc vừa sinh.
Phong đang ngủ bên cạnh bố, 5 tuổi chắc Phong không cảm nhất được nỗi mất mát này đâu, con còn ngây thơ lắm.
Mẹ ghét bố con mình nên đã bỏ ba bố con lại trên cõi đời mà đi mất rồi.
Nhưng chúng ta yêu mẹ nhiều lắm, sẽ nhớ mẹ nhiều lắm phải không hai con của bố.
Bố sẽ làm tất cả những gì mình có để nuôi các con thành người, bố sẽ làm thay phần việc của mẹ luôn.
Các con yên tâm”
Lật thêm một đoạn nữa cô đọc tiếp:
– “2 giờ sáng ngày 24/12/1988,
Thật là thương cho những người phụ nữ, nhất là phụ nữ nuôi con, vất vả thật đấy. Nhưng còn đáng thương hơn nữa là những người đàn ông phải một mình nuôi con, các cụ gọi là gà trống nuôi con. Lưu được 4 tháng tuổi rồi đấy. Hôm nay bố thấy mình như một kẻ đáng thương nhất trên thế giới này khi phải cầm cái bình sữa trống không trên tay đến khoa sản. Bố đi xin sữa của những người mẹ thừa sữa về cho Lưu uống. Các bà mẹ nhìn bố với nhiều ánh mắt khác nhau. Có người cảm thông thì vui vẻ, có người thì nhìn bố với ánh mắt thương hại, còn có người thẳng thừng từ chối mặc dù con họ uống không hết sữa phải đổ đi. Cũng may bố mặc trên người bộ quần áo bác sĩ, không có lẽ họ sẽ chửi vào thẳng mặt bố mất. Ơn giờ thương, cũng may được đầy một bình, đủ cho Lưu uống được 1 ngày. Ngày mai bố lại đi xin tiếp.
Còn Phong thì nghịch quá con ạ, không phụ bố trông em thì thôi còn phá và giành ăn bột với em. Con năm tuổi hơn rồi, chỉ sang năm là con học lớp 1 thôi, cần phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành biết chưa con. Chỉ có học mới là con đường sáng nhất dẫn con vào tương lai. Bố nguyện hy sinh cả cuộc đời này để thay mẹ chăm sóc các con. Thôi bố ngủ đây, mệt quá rồi. Sáng mai còn phải dậy sớm cho Phong đi lớp, rồi bế Lưu đến bệnh viện làm việc cùng bố. Ngủ đi các con”.
Một vài tiếng sụt xịt vang lên, Thủy đọc tiếp một trang cách cách trang vừa đọc độ vài chục tờ:
– “11h55 ngày 1/6/1994
Hôm nay là ngày quốc tế thiếu nhi, thấm thoát vậy mà Lưu đã được 6 tuổi rồi, còn Phong thì vừa học hết cấp I xong, tháng 9 này là thằng em vào lớp 1, thằng anh vào cấp II rồi. Bố con đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn rồi phải không. Hôm nay bố cho con các con đi chơi bờ hồ. Ba bố con chạy nhảy mệt đứt cả hơi. Nhưng vui các con nhỉ, lâu lắm rồi bố mới vui như ngày hôm nay.
Nhưng giờ là đêm, bố lại buồn, lại thấy cô đơn. Bố đang nhớ mẹ của các con. Tuổi Lưu bao nhiêu thì cũng đúng bằng thời gian mà mẹ rời xa ba bố con mình. Mẹ hiền lành, dịu dàng, xinh đẹp. Bố tin chắc rằng mẹ sẽ được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, mẹ ở trên trời nhìn bố con ta chắc mẹ sẽ vui thôi, vì các con đều khỏe mạnh, lại ngoan ngoãn nữa. Chỉ mỗi Phong là hay nghịch ngợm chút xíu thôi.
À, mà bố kể cho các con nghe một chuyện như thế này. Thời gian vừa qua, ở bệnh viện nơi bố làm, một cô đồng nghiệp thích bố. Cô ấy chưa lập gia đình lần nào, cũng rất xinh đẹp, tính tình cũng tốt nữa. Cô ấy biết rõ hoàn cảnh của bố nhưng sẵn sàng chấp nhận tất cả. Hôm rồi cô ấy thẳng thắn nói chuyện với bố. Nói về bố thì thực sự bố cũng có cảm tình với cô ấy, là đàn ông mà, sau này các con lớn lên sẽ hiểu, những lúc bận bịu công việc, con cái thì không sao, nhưng lúc rảnh rỗi đêm khuya thế này cũng cần có một hơi ấm đàn bà.
Nhưng thích thì thích vậy thôi, bố đã từ chối rồi. Bố không muốn cô ta phải hy sinh, phải chịu đựng một điều gì cả, cô ta còn trẻ, tương lại còn rộng mở phía trước. Với lại bố cũng không thể biết được rồi cô ấy sẽ đối xử với các con như thế nào, phụ nữ có bao dung đi thế nào đi chăng nữa nhưng vẫn có sự nhỏ nhen, ích kỷ. Bố không muốn chứng kiến cảnh mẹ ghẻ con con chồng bất hòa. Thôi đành nhịn vậy, biết làm sao bây giờ”.
– “22h ngày 15/9/2001
Phong vào đại học rồi nhé, một trang mới cuộc đời con mở ra. Bố chúc con luôn luôn mạnh khỏe, học hành thật tốt để sau này nuôi được bản thân và gia đình, cống hiến cho xã hội. Nhưng bố nên mừng thực sự hay không đây? Nhiều lúc bố chỉ ước rằng con mãi mãi là một thằng bé nghịch ngợm như ngày nào. Lạ quá hả, con biết tại sao không? Vì giờ đây con đã một người lớn rồi, con biết nghĩ rồi, biết có chính kiến riêng và thỉnh thoảng biết cãi cả bố rồi, không giống như hồi bé chạy đến ôm chân bố khóc hu hu hu lúc vấp ngã nữa. Con có để ý không, con càng lớn thì càng ít nói chuyện với bố, có phải bố là con ngáo ộp mà con vẫn sợ lúc còn bé không? Bố con ta ít tâm sự thành ra khoảng cách ngày càng nới rộng. Có phải hai người đàn ông khó nói chuyện với nhau? Bố cảm thấy cô đơn, thực sự cô đơn ngay chính tại ngôi nhà của mình, bên cạnh chính hai đứa con của mình”
– “23 ngày 11/12/2014
Hôm nay là ngày Lưu, đứa út bé bỏng của bố lập gia đình. Mà nói là bé bỏng chắc không đúng. Con đã lớn rồi, lại còn nghiên cứu về văn hóa nữa nên con như một ông cụ non trong nhà, nhiều khi bố nghĩ con còn già hơn bố nữa. Bố mừng cho Lưu, cũng mừng cho Phong, vậy là cả hai đứa đã hoàn toàn trưởng thành rồi. Các con đã có gia đình của riêng mình, có vợ và có con. Bố chúc các con luôn luôn hạnh phúc, trong gia đình luôn tràn ngập tiếng cười. Gia đình có vợ, có chồng, có con mới thực sự là gia đình hoàn hảo phải không nào. Bố biết các con đều có suy nghĩ riêng của mình, bố không còn điều gì phải nhắc nữa vì các con đã trưởng thành rồi. Bố chỉ nói một điều cuối cùng thôi, là đàn ông, hãy lấy gia đình là nền tảng, là đích đến, là điểm về ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nghe chưa các con.
Rồi xong. Bố đã làm trọn vẹn lời hứa với mẹ con rồi. Gánh nặng trên vai bố cũng đã được trút xuống rồi, các con đã trưởng thành. Cảm ơn ông bà tổ tiên, cảm ơn Trời Phật đã cho con sức mạnh để nuôi nấng các con thành người.
Nhưng sao bố lại buồn vào giây phút này đến vậy nhỉ? Chẳng biết tại sao nữa. Năm nay bố đã 55 tuổi rồi, chỉ còn vài năm nữa là về hưu, hết nghĩa vụ với xã hội. Các con xong rồi, xã hội cũng sắp xong. Vậy còn lại gì nhỉ? Chẳng còn lại gì. Chỉ còn lại những đêm buồn thui thủi một mình, nói chuyện một mình, than vấn một mình. Mấy chục năm nay vẫn vậy mà, đó không phải là quen đâu, mà là chịu đựng đấy.
Có một bài hát về bố như thế này: “Bố là tầu lửa, bố là xe hơi, bố là con ngựa, bố là thuyền nan .v.v. Bố là tất cả bố ơi bố ơi. Nhưng lúc bố mệt, bố là bố thôi”. Đúng, bố chỉ là bố thôi, bố cũng là con người, bố cũng là một người đàn ông như các con. Bố cũng cần một cái mềm nhũn của người đàn bà, bố cũng cần một người đàn bà nấu cho mình bữa cơm, bố cũng cần một hơi ấm đàn bà, bố cũng cần được che chở cho một ai đó. Bố thực sự cần, nhất là những lúc như thế này”.
Thủy đọc đến đây cũng là lúc cô không kìm nén được nữa, mặc dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần không sót một chữ nào trong quyển nhật ký này, nhưng cảm xúc vẫn không thể ngăn lại, nước mắt cô rơi xuống trang giấy làm một vài chữ bị nhòe đi.
Và những người bên cạnh cô cũng không kém gì, như không thể nghe thêm được nữa, Phong huơ tay về phía Thủy:
– Thủy! Đừng đọc nữa.