Tình Già - Chương 95
Nói xong Thủy quay trở về ghế ngồi của mình ở cạnh Lưu. Cô nhìn thấy ánh mắt đỏ hoe của bố chồng, của chồng và anh chị Phong Vân.
Lưu nắm tay vợ một cái thật chặt rồi đứng dậy tiến lên bục bào chữa, anh mang theo một chiếc balo.
– Thưa hội đồng xét xử, tôi là Đặng Trung Lưu, là bố của cháu Đặng Gia Bảo. Tôi không biết phải bào chữa thế nào, những gì vợ tôi vừa nói cũng là những lời mà tôi muốn nói trước tòa và trước gia đình của anh Huy. Tôi chỉ có một số đồ vật muốn cho tòa và mọi người xem:
Nói xong Lưu kéo khóa chiếc ba lô, ở bên trong lổn nhổn rất nhiều thứ đồ, anh lấy ra một quyển album ảnh rồi lật giở từng trang:
– Đây là những hình ảnh tôi đón cháu từ tay bác sĩ, lúc đó mẹ cháu vẫn còn nằm ở trong phòng đẻ. Tôi nhìn cháu và cháu nhìn lại tôi, hai bố con nhìn nhau. Các vị có biết không? Khi tôi đưa một ngón tay của mình vào tay cháu thì ngay lập tức bàn tay bé nhỏ đỏ hỏn của cháu nắm chặt lấy ngón tay tôi. Thế đó.
– Đây là một lọn tóc sữa của cháu, tóc chưa có màu đen mà chỉ là mầu nhàn nhạt. Tôi tự tay mình cắt tóc sữa cho cháu và giữ đến bây giờ. Còn đây là bộ móng tay và móng chân đầu tiên của cháu. Tôi cắt và dán vào quyển album này.
Lật giở từng trang lưu lại những khoảnh khắc thôi nôi của Gia Bảo:
– Gia Bảo cứng cáp lắm, đúng theo quy trình các cụ nhà ta thường bảo, 3 tháng biết nãy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò bước đi. Ơn giời, khi sinh nhật 1 tuổi Gia Bảo không bị ốm nặng lần nào, chỉ có vài lần sốt nhẹ, tôi cho cháu uống nước lá và đắp trán là khỏi.
– Nhưng khi cháu được một tuổi rưỡi, lúc đó tôi còn nhớ cả Hà Nội có dịch sốt xuất huyết. Và Gia Bảo cũng bị sốt xuất huyết, một thể rất nặng. Lúc đầu vợ chồng tôi cho cháu vào điều trị ở bệnh viện y học cổ truyền gần nhà, nhưng cháu không đỡ mà liên tục sốt cao 41 – 42 độ. Rồi đến khi cháu lịm dần đi, mặt mày tím tái thì các bác sĩ ở đó mới cho cháu chuyển lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Lúc đó là 2 giờ sáng, tôi ôm cháu trên xe cấp cứu, bố tôi cũng đi cùng. Còn mẹ cháu không đi được vì lúc đó đã bị ngất đi.
Tôi không thể miêu tả lại cho mọi người nghe cảm giác của tôi lúc đó, tôi chỉ biết là lúc đó tôi rất sợ, tôi chưa bao giờ sợ như thế. Tôi chỉ sợ cháu sẽ rời bỏ vợ chồng tôi mà đi. Lúc ôm cháu vào người trên xe cấp cứu, tôi có cảm giác mình đang ôm một cục than nóng, lại còn giật giật nữa. Rồi cháu được cấp cứu khẩn cấp tại khoa A9 bệnh viện Bạch Mai, nằm cạnh cháu đều là những bệnh nhân đang ở trong tình trạng thập tử nhất sinh. Cháu ngay lập tức được truyền 3 đường máu và các thủ thuật cận lâm sàng. Nhờ trời phật phù hộ độ trì. Cháu đã qua khỏi cơn nguy kịch và trở lại bình thường. Gia đình tôi mừng như chết đi sống lại. Lần nằm viện đó, máu của tôi đã được truyền vào người cháu, trong người cháu có dòng máu của tôi.
– Còn đây, đây nữa, là rất nhiều hình ảnh kỉ niệm của hai bố con tôi, chúng tôi đi chơi, chúng tôi đi ăn, chúng tôi đùa nghịch cùng nhau. Tất cả những điều đó đã làm cho Gia Bảo thực sự là con trai tôi. Tôi xin thề trước vong linh người mẹ quá cố của tôi rằng trong lòng tôi chưa bao giờ tôi phân biệt chuyện con đẻ, con dượng đối với Gia Bảo. Đối với tôi, dù tôi có thêm một hoặc nhiều đứa con nữa thì tình cảm mà tôi dành cho cháu vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi xin khẳng định, trên đời này, không có người đàn ông nào yêu Gia Bảo hơn tôi. Tôi xin hết.
Lưu cất lại quyển album, các tấm ảnh vào lại balo, anh bình thản, tĩnh tại, thong dong đi lại về ghế ngồi của mình, ở đó có vòng tay chờ sẵn Thủy. Cô ôm anh một cái thật chặt, chặt như không thể chặt hơn nữa. Anh thực sự là một người chồng, một người đàn ông chân chính, vị tha, bao dung, độ lượng. Anh xứng đáng là chỗ dựa của cuộc đời cô.
Rồi đến lượt ông Tình đi lên bục bào chữa, ông cũng cầm theo một quyển tập mầu xanh:
– Thưa hội đồng xét xử, những gì cần nói thì con dâu tôi và con trai tôi đã nói hết rồi, tôi không cần phải nói nhiều để chứng minh tình cảm mà gia đình tôi dành cho Gia Bảo. Tôi chỉ đưa cho quý tòa xem một vật để chứng minh thêm điều đó. Đây là quyển gia phả dòng họ Đặng, được ghi chép từ cách đây hơn 300 năm. Ở mục gần nhất có thêm tên cháu Đặng Gia Bảo, con trai của Đặng Trung Lưu, cháu nội của ông Đặng Trung Tình, là tôi đây. Dòng tộc nhiều đời họ Đặng nhà tôi đã công nhận cháu Gia Bảo là cháu trai của dòng họ. Tôi xin hết.
Rồi sau đó phiên tòa còn tiếp tục diễn ra với phần hỏi đáp giữa đại diện Viện Kiểm Sát, Hội đồng xét xử với bên nguyên đơn và bị đơn. Không có phần rất căng thẳng khi bên thì nặng về lý, bên thì nặng về tình. Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa rất phân vân không biết quyết định như thế nào, cuối phiên xử, bà tuyên bố:
– Tòa đã làm việc xong, tòa cần thời gian hội ý để công bố kết luận cuối cùng.
Đang định gõ búa để tạm dừng phiên tòa thì ở phía ngoài có giọng nói vang vào:
– Thưa tòa! Tôi xin có ý kiến.
Mọi người cùng nhin ra thì nhận thấy có 3 người bước vào, đi đầu là 2 mẹ con Hằng và Minh Trí, người đi đằng sau cùng là bà Oanh.
Tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Ông Tình ngạc nhiên vì sự xuất hiện của bà Oanh bất ngờ ở phiên tòa. Còn Huy và gia đình của ông ta thì cắt không còn giọt máu.
Hằng dẫn Minh Trí vào trong, cậu đang ngơ ngơ ngác ngác dáo dác nhìn mọi người xung quanh, Minh Trí có gặp ánh mắt của bố nhưng cậu ta coi như không. Hằng hướng dẫn con ngồi xuống ghế trông ở hàng ghế bên phía nhà ông Tình, như vậy có thể khẳng định cô đứng ở phía nào.
Bà Oanh ngồi cạnh ông Tình, ông cầm lấy tay bà:
– Sao em lại ở đây, còn 2 người này là ai?
– Là vợ và con của thằng Huy đấy. Còn chuyện cụ thể thế nào tối về em kể cho nghe.
Kể lại một chút chuyện tối hôm qua, khi nghe ông Tình nói về việc bố đẻ của Gia Bảo có con trai bị thiểu năng, rồi biết được tên là Huy. Sáng sớm ngày hôm sau, lúc ông Tình đi ra khỏi nhà đến tòa thì bà Oanh đã điện thoại cho Hằng. Sau khi khẳng định bố đẻ của Gia Bảo chính là chồng của Hằng, bố của Minh Trí thì bà Oanh đã kể lại toàn bộ sự việc cho Hằng nghe. Và cuối cùng Hằng quyết định sẽ đến tham dự phiên tòa.
Trở lại với diễn biến tại phiên tòa. Hằng đi lên bục phát biểu:
– Thưa tòa, tôi là Trần Thị Hằng, tôi là vợ của anh Nguyễn Tuấn Huy, đứa trẻ ở dưới kia là con trai của tôi và anh Huy. Cháu năm nay 17 tuổi, cháu bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Cháu không được bình thường, suy nghĩ của cháu từ nhỏ tới giờ vẫn chỉ như một đứa bé một hai tuổi mà thôi. Tôi xin phép được trình bày ý kiến của mình qua sự việc anh Huy muốn nhận lại con.
Chủ tọa nói:
– Xin mời chị Hằng.
– Thưa tòa, anh Huy là một người cha vô trách nhiệm. Anh ta hoàn toàn không quan tâm, không chăm sóc và gần như phủi mọi trách nhiệm người cha đối với Minh Trí. Tại sao ư? Vì con tôi là một đứa trẻ tật nguyền. Mặc dù có gia đình, có vợ con nhưng anh ta hầu như không ở nhà, một năm có khi chỉ về nhà một đến 2 lần, mặc kệ mẹ con tôi ra làm sao. Tôi mong tòa xem xét đến hoàn cảnh của mẹ con tôi mà có kết luận đối với việc nhận lại con của anh Huy. Tôi không thể nhắm mắt làm ngơ để một đứa trẻ khác lại khổ như con của tôi. Tôi xin hết.
Nói xong Hằng lại trở về ngồi bên cạnh Minh Trí trong ánh mắt cảm ơn của toàn bộ gia đình ông Tình.
Vừa nãy mọi chuyện còn ở thế cân bằng, nhưng nhờ có sự xuất hiện của mẹ con Hằng, có lẽ tòa đã có quyết định của mình.
Sau khi nghỉ giải lao, chủ tọa phiên tòa đứng dậy công bố kết luận cuối cùng, lược bỏ những phần thủ tục, tôi xin được chép lại đoạn chính của kết luận như sau:
– Tòa tuyên bố. Chị Bành Thu Thủy tiếp tục được quyền nuôi dưỡng và chăm sóc cháu Đặng Gia Bảo. Còn đối với anh Nguyễn Tuấn Huy, anh được quyền thăm cháu nhưng phải được sự đồng ý của gia đình chị Thủy, ngoài ra anh còn phải có trách nhiệm chu cấp nuôi cháu tối thiểu 2 triệu đồng/tháng cho đến khi cháu được tròn 18 tuổi.
Khi tòa đọc xong tuyên bố, cả nhà Thủy nhẩy cẫng lên vui mừng. Cuối cùng họ đã chiến thắng, lẽ phải và tình người đã chiến thắng.
Chỉ có ông bà Tình Oanh là không nhẩy cẫng lên thôi, họ lùi ra một góc mà nhìn nhau đắm đuối:
– Cảm ơn em, nhờ có em mà mới có chiến thắng này đấy.
– “Hi hi hi, anh nói quá lên, chỉ là vô tình em quen được hai mẹ con Hằng thôi, giờ xong việc rồi, mình về đi anh. Em muốn anh đi cùng em đến một nơi”, bà Oanh thẹn thùng.
– Nơi nào?
– Cửa hàng áo cưới. Hihihihihi!!!!!!
Vậy là ông bà bí mật rời khỏi phòng xử án. Lúc vợ chồng Lưu – Thủy, Phong – Vân hết đoạn ăn mừng thì mới nhớ người mình cần cảm ơn nhất là bà Oanh, nhưng họ ngó lên thì thấy cả bố mình cũng biến mất từ khi nào. Thủy và Vân thì bình thường thôi, họ trước giờ vẫn không có ác cảm gì với cô Oanh cả, không cảm ơn trước thì cảm ơn sau cũng được. Chỉ có Lưu và Phong, hai người đàn ông cảm thấy bản thân mình thật là nhỏ mọn, họ dần dần nhận ra được chân lý thực sự của cuộc sống.