Tà Áo Nơi Biên Cương - Chương 5: Đường lên bản (5)
Từ bến xe, sau khi lót dạ qua loa mấy ống cơm lam chấm muối vừng bày bán ở cổng bến xe. Khoa hỏi một cán bộ bến xe đi về trung tâm huyện Sìn Hồ. Cũng may có xe luôn, chỉ phải đợi khoảng 20 phút là xe lăn bánh. Không giống như chuyến xe vừa rồi, chiếc xe này cũ hơn, nhỏ hơn. Trên xe lại đa phần là người dân tộc, nhìn quần áo họ mặc trên người Khoa cũng phần nào đoán được họ thuộc dân tộc nào, đa phần là người Mông, người Thái, còn lại có một số ít người Tày, Dao, Lự, Khơ Mú, Lào, Giáy, Kháng, Nùng và một số dân tộc ít người khác. Nhưng có một điểm chung, hầu như người nào cũng có một cái gùi trên lưng, ngồi trên xe họ để cái gùi bên cạnh, hoặc ôm vào trong lòng. Có lẽ họ mang những sản vật nhà mình trồng được, hoặc mình hái lượm, săn bắn được về thành phố bán cho được giá.
Khoảng cách từ bến xe Lai Châu đến trung tâm huyện Sìn Hồ chỉ khoảng 50 km nhưng để đi được quãng đường này cũng ngót ghét 4 tiếng đồng hồ. Chiếc xe ì ạch leo từng con dốc cao chót vót tưởng như vượt qua cả tầng mây, rồi đôi khi còn lội nước ì ạch qua một đoạn đường bị nước rừng băng ngang. Hầu như chẳng khi nào xe vượt quá được tốc độ 20km/giờ.
Cuối cùng chiếc xe cũng ì ạch tới được trung tâm huyện Sìn Hồ, nói là trung tâm huyện nhưng cũng chỉ lác đác vài ngôi nhà tầng, là nhà do người miền xuôi lên đây xây dựng để làm các quán ăn, cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhà trọ cho khách du lịch Ta và Tây. Còn lại phần nhiều vẫn là nhà sàn, nhà gỗ của người dân tộc bản địa. Mỗi dân tộc lại có một kiểu nhà đặc trưng riêng, làm cho cả cái huyện lị nhỏ bé núp bên hai dẫy núi cao này nhiều mầu sắc đặc trưng của vùng Tây Bắc.
Quả thực, trước khi cất bước chân lên đường, Khoa không thể hình dung được quãng đường lên với bản cao, lên tìm mẹ lại xa xôi, hiểm trở và khó khăn đến thế. Chưa kể thời gian di chuyển nhiều, xe lăn bánh tại Hà Nội lúc 4 giờ sáng, giờ đã chập tối rồi mà mới đến được trung tâm của huyện. Mà theo như tìm hiểu của Khoa từ các diễn đàn phượt thì từ trung tâm huyện tới được các bản xa xôi mới thực sự là quãng đường đi thử thách lòng người. Chưa kể Khoa còn không cả biết đường đi, hoàn toàn dựa vào bản đồ Google và hỏi người dân địa phương. Đứng trước cái bến xe nhỏ như một bến cóc ở thủ đô, Khoa còn chưa biết mình phải về Điểm trường của mẹ bằng phương án gì nữa vì người và xe quá thưa thớt, lác đác lắm mới có một vài người dân tộc đeo gùi, đi bộ ngang qua đây.
May thay, đúng lúc đó, Khoa nhìn thấy một anh chàng dân tộc, mặc một bộ quần áo vải mầu đen, đầu đội mũ lồi, đoán ra là dân tộc H’Mông vừa đỗ chiếc xe Win mầu đen bên kia đường, chàng ta dựng chân chống chính lên rồi đang buộc lại cái bu gà đằng sau xe.
Chẳng biết trông vào đâu, Khoa mạnh dạn bước sang đường, balo quần áo đeo sau lưng còn ba lô máy ảnh đeo lủng lẳng đằng trước. Đến gần bên anh chàng dân tộc rồi nhưng anh ta hình như không quan tâm lắm, vẫn quấn quấn buộc buộc lại cái bu gà như chàng trai người Kinh là người vô hình vậy:
– Anh gì ơi, cho em hỏi cái này.
Nghe thấy tiếng hỏi, anh chàng dân tộc mới hơi dừng tay, ngó xung quanh thì không thấy ai, chỉ thấy mình và anh người Kinh, đoán là người đó hỏi mình. Anh chàng dân tộc nói giọng lơ lớ tiếng Kinh:
– Ơ cái người Kinh! Mày hỏi tao à?
Khoa xuýt chút nữa thì bật cười vì lối đối đáp không bình thường của anh chàng dân tộc, cũng may là đã từng xem trên phim về người dân tộc rồi, chứ không lại tưởng anh ta bị làm sao:
– Vâng, em hỏi nhờ anh cái này.
Buông hẳn cái dây thun buộc bu ga ra làm nó bật tung ra, phí công chằng từ nẫy đến giờ, giờ muốn buộc lại phải làm từ đầu:
– Mày hỏi nhanh lên, cái mặt trời sắp xuống núi rồi, con gà rừng cũng sắp đi ngủ rồi. Tao phải về bản không mế tao mong.
Giọng nói thì có vẻ gấp gáp lắm nhưng thái độ của anh chàng dân tộc thì ngược lại, rất tửng tưng. Khoa bình tĩnh, nói thật chậm để anh chàng dân tộc hiểu rõ:
– Em muốn hỏi đường về bản Pu Sam Dề, điểm trường tiểu học Pa Thăm.
Nghe địa danh mà Khoa vừa mới nói, anh dân tộc có vẻ quan tâm lắm, đôi mắt sáng hẳn lên, một tay nhấc cái mũ lồi đen ra rồi gãi gãi vào mớ tóc bùng nhùng khô quắt của mình rồi lại đội lại mũ:
– Nhà tao ở Pu Sam Dề, thế mày lên nhà tao làm gì? Nhà tao không có nhiều thóc cho mày ăn đâu, chỉ có cái măng rừng tao hong trên bếp lửa là còn nhiều thôi.
Sau này, khi tiếp xúc nhiều với người dân tộc, Khoa mới học được tính kiên nhẫn khi nói chuyện với họ. Bởi, trong suy nghĩ của người dân tộc, mọi thứ đều thơ ngây, trong sáng và thánh thiện đến không thể ngờ, người ta không hiểu được ẩn ý, ẩn dụ như cách người Kinh hay nói:
– Không, em không đến nhà anh. Em lên bản tìm mẹ em. Mẹ em đang là giáo viên của điểm trường Pa Thăm.
– Mày đừng gọi tao là Anh, tên tao không phải là Anh. Mày phải gọi tao là A Dếnh, đó là tên cha mế tao đặt cho tao lúc tao mới sinh ra. Tao không cho mày đổi tên tao đâu. Sau này tao lấy vợ, cha mế vợ tao mới được đổi tên cho tao. Mày không phải cha mế vợ tao, mày không được đổi tên của tao. Nếu không tao bị con ma rừng nó bắt đi đấy.
Tên là một điều cực kỳ thiêng liêng với đối với người dân tộc H’Mông, dân tộc của anh chàng đang nói chuyện với Khoa. Tục đặt tên của người Mông cũng phức tạp, lúc đứa trẻ sinh ra độ 1 tháng thì gia đình phải làm một cái lễ đặt tên, chủ lễ gọi là ông Lùng, có thể là người họ hàng hoặc phải là ông nội của đứa trẻ, lễ được diễn ra từ sáng sớm bắt đầu bằng việc cúng trình báo các ma nhà (ông bà tổ tiên – theo cách hiểu của người Kinh), ông chủ lễ lấy gà sống và quả trứng gà sống đặt lên trên bát rồi đốt 2 nén hương đặt trước cửa nhà chính. Tay ông Lùng cầm 2 mảnh sừng trâu, vừa khấn vừa nhìn ra cửa. Trong bài cúng, ông trình báo cho các ma nhà về sự ra đời của một đứa trẻ, cầu các ma cho nó được khỏe mạnh, khôn lớn, biết đi rừng, săn bắt, trồng trọt. Sau bài cúng ma nhà là đến các bài cúng ma rừng, các thần linh thiêng trong tôn giáo của người Mông. Cuối buổi lễ là phần mời họ hàng, bà con làng xóm liên hoan, thông thường, một lễ đặt tên cho đứa trẻ thường mổ một con lợn tạ, hoặc một con ngựa con mới đủ. Đứa trẻ mới đặt tên thì tên thường gồm 3 phần chính, đó là họ, cái này không đổi trong suốt cuộc đời, sau đó là tên đệm, thường có chữ “A”, và cuối cùng là tên. Như anh chàng dân tộc đang nói chuyện với Khoa tên đầy đủ là Giàng A Dếnh.
Thế chưa phải là hết. Đến tuổi trưởng thành, sau khi lấy vợ, thanh niên người Mông được cha mế vợ đổi tên đệm “A” thành một cái tên nào đó khác, đó là một cách ngầm thông báo tới dân bản rằng chàng thanh niên này đã hoàn toàn là một người trưởng thành, chín chắn. Việc đổi tên đệm của cha mế vợ hoàn toàn tùy ý nguyện của cha mế vợ, nếu con rể ngoan, con rể tốt, đối xử với con gái mình tốt thì cha mế vợ mới làm lễ cho. Còn nếu hư, ốm yếu thì cha mế chẳng bao giờ đổi tên. Nên có thanh niên Mông đến khi già vẫn phải mang tên đệm là “A”. Phong tục đặt tên của Mông là vậy.
Trở lại với câu chuyện bên lề đường đối diện bến xe nhỏ ở trung tâm huyện, thị trấn Sìn Hồ.
Khoa nói:
– A Dếnh, vậy em gọi là A Dếnh. A Dếnh cho em hỏiđường về bản của A Dếnh được không? Em lên gặp mẹ em.
A Dếnh nghe thấy người Kinh gọi tên mình theo đúng phong tục thì mừng lắm, cười nhe cả hàm răng đen vì nhựa rau rừng:
– Thế mẹ người Kinh là ai?
– Là cô giáo Thương.
A Dếnh kêu lên một tiếng như thân quen lắm, có lẽ cô giáo Thương là cái gì đó hết sức thân thuộc:
– A, cô giáo Thương, tao biết cô giáo Thương, cô giáo Thương còn dạy tao cái chữ, dạy tao biết cái tiếng Kinh của người miền xuôi, dậy tao biết cộng con bò con dê để không bị thiếu lúc dắt về. Cả bản tao ai cũng quý cô giáo Thương. Thế mày là thế nào với cô giáo Thương?
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời Khoa cảm thấy thấy tự hào về mẹ, về nghề nghiệp của mẹ, tất nhiên nho nhỏ thôi nhưng Khoa cảm thấy ấm áp lắm, ở giữa nơi xa lạ này, được nghe người khác kể về mẹ với một niềm hào hứng, một niềm vui, âu cũng là điều đáng nhớ.
– Em là con của cô giáo Thương. Thế A Dếnh cho em về bản cùng với A Dếnh có được không?
A Dếnh vô tư tự tay cầm cái balo đeo sau lưng và ba lô máy ảnh trước ngực của Khoa rồi bỏ tọt vào trong bu gà, thoăn thoắt như thạo việc lắm, vừa làm vừa nói:
– Được chứ, mày là con cô giáo Thương mà. Nếu mày là con cô giáo Thương thì mày cũng sống được 22 mùa rẫy giống tao rồi đấy.
Khoa luận một lúc mới hiểu, 22 mùa rẫy, ồ, là 22 tuổi giống mình, A Dếnh bằng tuổi mình mà sao nhìn già quá vậy, có lẽ người dân tộc vất vả lam lũ hơn nên trông già hơn chăng.
– Sao A Dếnh biết tôi được 22 mùa rẫy?
– Lên xe đi, nhanh không cái mặt trời nó lặn sau cái núi đằng kia là tao với mày không về bản được đâu.
A Dếnh vỗ đồm độp lên phần yên xe trống phía sau lưng mình, xe Win nên yên rất dài, vậy là Khoa ngồi giữa, phía trước là A Dếnh, phía sau là cái bu gà trống có 2 cái balo của mình.
A Dếnh rỉn ga cho xe chạy, phóng rất nhanh có lẽ là để đuổi theo ông mặt trời, vừa đi A Dếnh vừa ngoảnh lại phía sau làm Khoa lo lắng:
– Vì cô giáo Thương vẫn kể cho dân bản tao nghe là cô giáo có một đứa con trai bằng mùa rẫy với tao, cô giáo không nuôi được con vì còn bận dậy cho dân bản tao cái chữ.
Nước mắt ở đâu ra ấy nhỉ? Vì gió vù vù khi chiếc xe Win vun vút leo đèo lội suối, hay từ trong khóe mắt của Khoa chảy ra, gió làm nước mắt chia thành nhiều giọt nhỏ hơn bay vèo ra phía sau, hòa với khói xe để tan biến vào thiên nhiên bạt ngàn.