Tà Áo Nơi Biên Cương - Chương 24: Như Hoa (3)
Khoa được mẹ cho tham dự để hiểu thêm về các công việc của cô giáo, cậu ngồi hàng dưới cùng, thỉnh thoảng đi đi lại lại nhí nhoáy chụp vài kiểu ảnh. Trong thẻ nhớ của Khoa, giờ đã có cả nghìn bức ảnh, rất đa dạng về chủ đề, từ phong cảnh núi non trùng điệp Tây Bắc, cuộc sống sinh hoạt thường nhật của đồng bào dân tộc, các em học sinh, trường lớp vùng cao, các cô giáo Pa Thăm .v.v. nhiều lắm. Thấm thoắt thế mà cũng ở trên đây được chục ngày rồi, biết bao sự kiện xảy ra. Mà gần nhất là việc chú A Páo, bố của A Dếnh bị viêm ruột thừa phải cấp cứu trên viện huyện Sìn Hồ.
Trường Pa Thăm không có phòng hội đồng giống như các trường dưới miền xuôi. Các cô giáo thường lấy luôn một phòng học là nơi họp hành, ngồi trên một chiếc ghế đẩu ở bục giảng, cô Thương đóng vai trò chủ tọa, còn phía dưới, vị trí của các em học sinh là các cô giáo. Sau khi hết phần chuyên môn, cô Thương nói đến một vấn đề khác:
– Vừa rồi, tôi có làm việc với Ủy ban nhân dân xã Pu Sam Dề về việc xây cầu qua suối Nậm Cha trước mùa mưa năm nay nhưng xem ra không kịp. Các anh ở Ủy ban nói, kế hoạch đã được phê duyệt, thiết kế cầu cũng đã có nhưng vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí. Xã đang nhờ huyện kêu gọi lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. Khả năng lớn là phải qua mùa mưa mới làm xong. Mà giờ có kinh phí chắc cũng chẳng làm kịp bởi vì mùa mưa sắp đến rồi. Các đồng chí, chúng ta cũng phải chuẩn bị tinh thần và các phương án đón các em học sinh, phương án dạy học trong mùa mưa tới. Bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện thời tiết nào, chúng ta cũng không thể gián đoạn của việc học của các em. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch giảng dậy đúng tiến độ của Phòng giáo dục.
Chuyện trước mùa mưa năm nào cũng thế, đối với các cô giáo khác thì chẳng lấy gì làm lạ, nhưng đối với Quỳnh Anh và Khoa thì mù tịt chẳng biết thế nào. Từ lúc lên đây, cũng liên tục nghe các cô nói về mua mưa với một tâm trạng sợ hãi lắm, mùa mưa mà, có gì lạ đâu, mưa càng mát, năm nào chẳng thế, vùng nào chả có. Đấy là suy nghĩ của Khoa và Quỳnh Anh. Nhưng có lẽ, hai bạn trẻ này chưa hiểu được, mưa vùng cao nó như thế nào.
Cô giáo Thương tiếp lời:
– Giống như mọi năm, bộ đội biên phòng sẽ cùng với Ủy ban làm một dây đu nối hai bờ suối, tất nhiên việc này là rất nguy hiểm cho các em nhưng chúng ta cũng không còn cách nào khác khả dĩ hơn. Các cô giáo cũng sẵn sàng chuẩn bị cho phương án lập các lớp học dã chiến tại các thôn bản nếu mưa kéo dài kèm theo lũ quét, lũ ống chặn đường đến trường của các em.
Lớp học dã chiến, nghe như đang trong thời kỳ chiến tranh ấy nhỉ, nhưng thực sự là như vậy đó. Trong trường hợp mưa lớn kéo dài, đường đến trường của các em học sinh ở các bản sâu và xa quá khó khăn, các cô giáo sẽ lập các lớp học dã chiến tại chính các thôn bản đó. Thông thường, mỗi cô phụ trách một lớp học như vậy, tỏa đi các thôn bản, như năm ngoái, lớp học dã chiến kéo dài tới gần 1 tháng trời. Các cô giáo mượn một nhà sàn nào đó, thông thường là của trưởng bản để dạy học tại chỗ cho các em luôn. Các cô ăn ở tại thôn bản đến khi giải tán lớp học để về điểm trường mới thôi. Hy vọng năm nay không phải vậy.
Quỳnh Anh nghe đến đây thì chân đập tay run, trái tim bồi hồi, nửa vì háo hức muốn xem lớp học mùa mưa sẽ ra làm sao, lớp học dã chiến như thế nào, cũng nửa vì sợ. Thực lòng Quỳnh Anh nghĩ, điều kiện ăn ở và dạy học của các cô tại chính điểm trường này đã vô cùng vất vả rồi và buồn tẻ rồi, giờ phải vào tít tận bản sâu thì không biết sẽ như thế nào. Chưa tính đến những điều kiện về vật chất vô cùng kham khổ, cái làm nản lòng nhất là đối với những người trẻ tuổi như cô đấy chính là sự cô đơn. Ở đây, nếu ban ngày bận rộn trăm công triệu việc với các em học sinh, với lớp học thì khi ông mặt trời lặn, khi con gà bản về chuồng thì cảm giác cô đơn, buồn chán bao trùm khắp cả vùng núi non Tây Bắc. Ánh điện lập lòe, không một tiếng động của âm thanh nhân tạo, đâu đâu cũng chỉ một mầu đen kịt. Khi đêm về, chỉ có tiếng gió, tiếng cây xào xạc, tiếng những con thú hoang từ xa vọng về. Chỉ có vậy thôi.
Phổ biến xong về các vấn đề đó, cô Thương buồn rầu kéo khóa chiếc cặp da giáo viên mầu đen đặt trên bàn lấy ra một tờ giấy A4, trong những năm phụ trách điểm trường, tờ giấy A4 này luôn làm cô não lòng. Cô đã đọc đi đọc lại những chữ viết trên tờ giấy đó, nhưng vẫn lướt qua để hy vọng mình đã đọc sai, cô nhìn xuống các cô giáo. Và hình như các cô giáo cũng biết được một chuyện gì đó không vui từ ánh mắt của chị Thương. Trong mảnh giấy ấy, một niềm vui dành cho một người, nhưng lại là nỗi buồn cho nhiều người.
– Các đồng chí. Trên tay tôi là Quyết định luân chuyển giáo viên của cô giáo ……… Đài Trang.
Tất cả các cô giáo đổ dồn ánh mắt về phía Đài Trang, cô giáo trẻ nhất trong các cô giáo Pa Thăm. Năm nay, Đài Trang mới vừa tròn 25 tuổi, có thâm niên dậy tại Pa Thăm 5 năm. Cô là em út, dáng người nhỏ nhắn xinh xắn, có khuôn mặt thon thon với cái sống mũi dọc dừa, mái tóc óng mượt để ngang vai. Đài Trang được các chị cưng chiều nhất không những là nhỏ tuổi nhất mà còn ngoan nhất. Ngoan trong cả ngoặc đơn và ngoặc kép. Đài Trang quê ở Ninh Bình, vừa ra trường là nhận công tác ở trên đây.
Đài ngồi ở chính giữa, cô cúi gằm mặt xuống bàn, đôi mắt u buồn. Dáng vẻ không bất ngờ khi cô phụ trách điểm trường thông báo. Mặc dù biết, vắng Đài Trang, các cô sẽ phải vất vả hơn bội phần để bù vào công việc của Đài Trang để lại, nhưng ở với nhau lâu ngày, thành các chị em gái cả, chị em gái như trái cau non, các cô giáo còn lại cũng chúc mừng cho các Đài Trang, Bích Thảo lên tiếng trước:
– Chúc mừng em nhé Đài Trang, được về miền xuôi, được gặp người yêu rồi.
Rồi đến Tố Quyên, cô gái cao mét năm hai nhưng có giọng nói vang lanh lảnh khắp núi rừng:
– Em gái phải cười lên mới được chứ, chuyện vui mà. Các chị lại không được nghe em hát rồi.
Hẳn các bạn còn nhớ chứ, Đài Trang chính là cô giáo hát bài “Một rừng cây một đời người” trong đêm văn nghệ giao lưu tình quân dân mà hôm đầu tiên Khoa lên đây gặp ấy.
– “Chị chúc mừng em, nhớ mỗi dịp hè lên đây thăm các chị nhé!”, tiếng cô giáo Khánh Linh.
Chưa đến lượt các cô giáo khác chúc mừng thì Đài Trang đứng phắt dậy, ôm mặt bật khóc tức tưởi:
– Hu hu hu!!!!!! Em không muốn về đâu.
Nói xong, Đài Trang chạy thật nhanh ra khỏi cửa lớp học, cũng là cửa phòng họp, để lại ánh mắt trầm buồn cho các cô giáo còn lại. Không ai đuổi theo, bởi các cô biết, lúc này, Đài Trang cần một không gian yên tĩnh. Ai đã ở trên này đến năm thứ 2 trở đi đều biết, ở đây khổ lắm, buồn lắm, nhưng …… bỏ đi khó lắm.
Cô giáo Thương tiếp tục lên tiếng:
– Đài Trang còn ở lại dạy được 3 tuần nữa. Sau khi Đài Trang đi, Quỳnh Anh tạm thời sẽ dạy thay lớp 3 của Đài Trang. Sang năm học mới rồi tính tiếp vậy.
Như Hoa hỏi với lên chị Thương, nhẹ nhàng:
– Thế trên có phân giáo viên nào về thay Trang không chị?
Không gian yên ắng như tờ, các cô giáo đều nhìn về chị Thương, chờ câu trả lời của chị, nhưng hầu như ai cũng biết kết quả là gì, bởi từ mấy năm nay, mặc dù năm nào điểm trường cũng xin thêm giáo viên, nhưng chẳng có ai. Hồi năm kia đó, cũng có cô nhận lời lên đây dạy, nhưng chỉ ở được 1 học kỳ là xin về xuôi ngay. Năm nào cũng có cô giáo mới, nhưng chỉ dạng lên thực tập giống Quỳnh Anh, hết 3 tháng là về.
Cô Thương lắc đầu.
———
– “Anh A Páo có ở trên cái nhà sàn không?”, Như Hoa đứng dưới chân bậc thang nhà A Páo bắc loa tay gọi với lên. Trời mới sẩm sẩm tối, con gà bản Mông đã xõa cánh ngủ dưới bụi cây ven nhà.
Vừa hết tiếng gọi, đã thấy A Dếnh ló mặt ra ở đầu cầu thang, khuôn mặt tươi rói:
– A cô giáo Hoa, a có cả cái người Kinh A Khoa nữa. Cô giáo và A Khoa lên cái nhà sàn nhà A Dếnh đi. Cha A Dếnh đang ở trong nhà chờ cô giáo. Cái bụng cha đã hết đau rồi. Không bị con ma rừng bắt đi rồi.
Lại nhắc lại, cũng may các cô giáo Pa Thăm kịp thời đưa A Páo đến bệnh viện huyện, gần như ngay lập tức A Páo được cấp cứu mổ ruột thừa. Mổ ruột thừa chỉ là dạng tiểu phẫu, không phải vấn đề lớn, chỉ là có mổ kịp thời hay không thôi. Bác sĩ sau khi mổ xong đã nói cũng may đưa A Páo đến kịp, chỉ chậm khoảng vài tiếng nữa thôi là không cứu được.
A Páo khỏe như một con trâu cầy trên rãy, sau khi mổ, chỉ 3 ngày sau là có thể đi lại bình thường, tất nhiên không được vận động mành. Và chiều hôm nay, A Dếnh đã đón bố từ bệnh viện về, sau đó A Dếnh đến báo tin cho các cô giáo Pa Thăm, Như Hoa nhận nhiệm vụ thay mặt các giáo viên cùng với Khoa đến thăm A Páo, nói là việc chung, nhưng nếu không được phân công, chắc Như Hoa cũng tự mình đến thăm thôi. Cái bụng rắn chắc, phẳng lì, vài sợi lông làm gợn gợn bàn tay vẫn in hằn trong tâm trí cô giáo Như Hoa mấy ngày hôm nay.
Hai chị em Hoa – Khoa theo bậc cầu thang bước lên trên, chưa nhìn được nhà sàn, nhưng mùi khói bếp, tiếng lửa nổ lách tách đã tràn vào mũi, đập vào tai. Trong nhà của người Mông nói riêng và của đa số các đồng bào dân tộc khác nói chung đều luôn luôn có lửa cháy, bếp của họ không bao giờ tắt lửa.
A Páo đang ngồi xếp bằng bên bếp lửa, trông thấy mặt Như Hoa liền luống cuống đứng dậy định ra chào:
– Cô giáo đến chơi đấy à, lại còn có cả A Khoa, bạn của thằng A Dếnh nữa.
Thấy A Páo khó khăn đứng dậy, Như Hoa liền nhanh chân bước, giơ bàn tay búp măng ra đỡ lấy cánh tay rạm nắng rắn chắc của A Páo:
– Anh A Páo vừa mới ở viện về, đừng vận động mạnh như thế.