RA ĐỜI - Chương 6
-VI-
Thằng Quang vân đang ngủ ngon lành khi tôi về đến nhà, tôi mệt mỏi nằm xuống cái đệm bên cạnh nó, nhắn tin cho anh Hiển báo tôi sẽ nghỉ mấy tuần vì có việc ở quê, sau đó nghĩ một lúc nhắn tin cho Hạnh báo địa chỉ mới của tôi, sau đó tôi chìm vào giấc ngủ.
Khi tôi tỉnh dậy đã qua trưa, thằng Quang đã đi đâu đó, tờ giấy nó viết trên kệ tủ lạnh chỉ nhắn nó mua cho tôi một cái bánh mỳ để trên bếp, cũng chẳng nhắn nó đi đâu. Đánh răng, rửa mặt xong, tôi lấy cái bánh mỳ ra ăn, vừa ăn vừa xem điện thoại. Có hai tin nhắn, một của anh Hiển, phàn nàn chút vì việc tôi xin nghỉ mà không báo trước, nhưng cũng hứa sẽ chu toàn quán, tôi có chút lo nghĩ hi vọng không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Tin nhắn thứ hai là của cái Hạnh, nó hẹn tôi đi uống nước. Nghĩ một chút, tôi nhắn nó địa điểm và thời gian, nó trả lời lại rất nhanh.
Ăn xong bánh mỳ, tôi đi vào nhà tắm để tắm lại, giặt bộ quần áo phơi ra cái giàn phơi đóng ở ban công, sau đó mang cái hộp của chị Tú đưa hôm qua. Khẽ hít một hơi để trấn tĩnh, tôi nhìn cái hộp mở ra trước mặt, hít một hơi sau, tôi cẩn thận bọc lại cái hộp và cho vào cái balo trong tủ.
Chạy chiếc xe máy đến quán chú Sảng để đại tu lại, tôi bắt xe ôm đến chỗ hẹn với Hạnh. Nhìn nụ cười tươi lúc nào cũng nở trên môi cái Hạnh, tôi luôn có cảm giác vui vẻ và lạc quan.
– Dạo này em thế nào?
Ngồi xuống chiếc ghế trước mặt Hạnh, tôi hỏi.
– Em khỏe. Anh thế nào?
– Vẫn bình thường em. Em đã xin được việc chưa?
– Em xin được rồi, cùng công ty với Thùy.
– Vậy chúc mừng em. Hai chị em làm cùng cũng vui hơn, tiện giúp đỡ nhau.
Hạnh chợt trùng xuống, ánh mắt có chút lảng tránh ánh mắt tôi.
– Gì vậy? Anh nói không đúng sao?
– Không …. Chỉ là …
– Em cứ nói ra, có gì sao?
Hạnh chần chừ rồi lấy trong cái túi xách nhỏ ra một bức thư đưa cho tôi.
– Thùy … gửi cho anh.
Giọng cô ngập ngừng, ánh mắt lảng tránh ánh mắt tôi. Chẳng hiểu sao, tôi đột nhiên có chút hiểu nội dung bức thư.
– Em đưa lại cho Thùy và nhắn với cô ấy, anh tôn trọng ý kiến của Thùy.
– Anh … thật sự không cần xem?
– Theo em anh có nên xem không?
– Vâng …
Hạnh có chút kinh ngạc nhìn tôi, sau đó lại có chút áy náy hiện lên trong ánh mắt khi tôi hỏi lại.
– Em xin lỗi.
– Em sao phải xin lỗi. Em có lỗi gì đâu.
– Vì … em không giữ lời hứa.
– Em đã làm đủ rồi, em đã chăm sóc Thùy còn hơn một người chị.
– Nhưng ít nhất em cũng phải báo trước cho anh. Không nên dấu anh.
– Anh không trách em, vì thực sự anh cũng cảm nhận được. Chỉ là anh đợi Thùy chủ động nói ra. Có chút thất vọng vì cô ấy chọn cách này. Hi vọng cô ấy sẽ có được cái mà cô ấy mong muốn.
Hạnh không nói gì, nhưng tôi nhận ra sự nhẹ nhõm của cô.
Sự áy náy làm thái độ của Hạnh khá gượng ép, dù tôi cố nói sang chuyện khác để cô vui vẻ. Cuối cùng thì Hạnh cũng về mà không chịu đi ăn tối cùng tôi.
Thằng Quang đã ở nhà khi tôi về, nó đang cắm mặt vào chiếc điện thoại để chat chít. Tôi lúi húi sắp xếp đồ để chuẩn bị mai về quê, lúc này thằng Quang mới rời khỏi cái điện thoại, nhìn tôi dò hỏi.
– Mai tao về quê, nhà có chút chuyện, chắc về khoảng hai tuần gì đó.
– Nhà có chuyện gì à?
– Ừ, có chút chuyện.
– Hai bác à?
– Không, chuyện nhà thôi. Mày biết, tao là con trai trong nhà, giờ chuyện gì cũng phải cáng đáng.
Tôi đánh trống lảng để thằng Quang không tiếp tục dò hỏi.
– Xong rồi, đi nhậu đi.
Bạn tôi không chỉ có mỗi thằng Quang, nhưng sau khi ra trường cũng tứ tán cả, thằng về quê, thằng vào nam, ở Hà Nội chỉ còn có vài thằng cùng lớp. Lâu không gặp, nên tôi gọi luôn một lượt.
Một buổi nhậu có lẽ vui vẻ, không phải là mấy món đồ khô đơn giản khi còn là sinh viên, mà một bữa nhậu ra trò dù tại quán beer bình dân. Sự vui vẻ chỉ có khi bắt đầu, sau đó khi beer đã chảy trong mạch máu, bắt đầu khai thông những u uất mà bọn nó gặp phải. Công việc bất công, bồ đá, cả những lo lắng cho tương lai đang đè nặng lên mỗi thằng khi những kỳ vọng của gia đình và cuộc sống bắt đầu áp lực. Tương lai là cái đang chờ trước mắt, nhưng sự vô định lại đang hiện hữu, những u ám của thực tế đang bắt đầu dập tắt những hi vọng le lói khi cầm tấm bằng trên tay. Tôi thở dài, một năm nữa, chắc vẫn phải dùng chiếc xe bố mẹ cho để đưa u Thuận đi ăn bún ốc. Đột nhiên màu vàng của những miếng nhựa trong cái hộp hiện lên, hình như tương lai cũng chưa chắc đã u tối.
***
Sáng hôm sau, tôi đeo balo lên vai để thằng Quang đưa đi ăn sáng, uống café sau đó nó chở tôi đến quán chú Sảng để lấy xe. Chiếc xe được chú Sảng đại tu trông khác hẳn, trừ màu sơn không kịp thời gian để sơn lại, những gì cần thay chú Sảng đã thay gần hết, tiếng máy chắc nịch hưng phấn như hồi mới lấy xe về. Có chút tiền, đến vật vô tri như chiếc xe máy cũng trở lên hưng phấn hơn.
Thằng Quang cũng để lại xe để chú Sảng tân trang, nó dự định chạy xe ôm công nghệ. Chở nó về nhà, sau đó chuyển cho nó ít tiền để nó trả tiền xe, tôi lượn thêm một vòng để mua mấy bộ quần áo cho bố mẹ, chị gái và con cháu cháu, rồi mới phóng về quê.
Quê tôi cách Hà Nội ba tiếng chạy xe máy, giữa buổi chiều tôi đã về đến đầu làng. Gọi là làng, nhưng những nét quê cũng phai nhạt rất nhiều, những rặng tre quanh làng đã bị chặt trụi để biến thành những dãy nhà ống như trên phố, con đường chính dọc theo làng cũng đầy các cửa hàng, quán ăn, quán café. Dù quang cảnh có thay đổi, nhưng con người vẫn vậy, tôi không biết phải dừng xe bao nhiêu lần để đáp lại lời chào của mọi người, phải tạt vào uống chén nước chè và bắn bi thuốc lào ở nhà thằng lớp trưởng hồi cấp hai của tôi, nó đã có hai đứa con.
Cuối cùng tôi cũng về đến nhà, bố mẹ tôi đang ở nhà chơi với con bé Sóc, con bé lạ người không chịu theo khi tôi đưa tay ra bế, nhưng lại hồ hởi nhận con thú bông mà tôi mua cho, sau đó lại ôm rịt lấy mẹ tôi.
– Sao đột ngột về vậy con?
– Tự nhiên có chút nhớ nhà, cũng mấy tháng con không về rồi.
– Nhà bình thường, mà vẫn gọi điện thường xuyên có gì đâu.
– Vâng, con biết vậy, nhưng nhìn tận mắt vẫn yên tâm hơn. Bố dạo này thế nào? Không nhìn tận mắt, làm sao thấy được bố già đi trông thấy.
– Bố mẹ vẫn khỏe, có gì đâu. Mà con đã xin được việc chưa?
– Con vẫn đang đợi, vẫn làm ở quán bar.
– Kiếm lấy công việc văn phòng cho ổn định, rồi còn tính chuyện vợ con. Con bé Hoa nó lấy chồng rồi đấy. Mấy đứa học cùng con, đứa nào chẳng có con rồi.
– Con vẫn trẻ mà, mới có hai tư tuổi chứ mấy. Bao giờ kiếm đủ tiền, mua nhà rồi sẽ cưới vợ.
– Cứ kiếm được công việc ổn định đã con.
– Công việc gì chẳng là công việc, cốt kiếm được tiền chân chính, đúng không bố?
Cũng như bố mẹ khác, bố mẹ tôi dù không bao giờ đặt ra kỳ vọng cho tôi, nhưng tôi biết trong thâm tâm bố mẹ cũng muốn được khoe con cái có công việc ổn định kiểu “Cháu nó làm ở TCT này nọ” hơn là “cháu nó làm ở quán bar”. Tôi chẳng lạc quan về công việc ổn định, không thân không quen, không chạy tiền giờ chẳng có chỗ trong mấy TCT đó cho tôi. Nhưng có một cách khác để thay thế, “Cháu nó mới mua được cái xe to đẹp lắm, những mấy tỉ đấy!”, cái này tự nhiên tôi nghĩ đến khi trên đường chạy xe về quê.
Ngồi nói chuyện với bố mẹ một lát, tôi mang cái balo vào trong phòng, rồi ra ngoài bể nước tắm sạch bụi bặm trên người. Cảm giác về nhà rất thoải mái, sự quen thuộc làm tâm tình tôi thảnh thơi hơn rất nhiều, những suy nghĩ về tương lai liên tục hiện lên sau bữa nhậu hôm qua với bọn bạn, cũng được tôi quên mất.
Suốt một tuần ở nhà, tôi lại như ngày xưa, giúp bố nấu cơm nếp, rắc men, ủ rượu, canh nồi nấu và thử rượu. Giờ bố tôi đã yếu hơn, đến cái thùng cơm ủ rượu bố tôi cũng không bê được, thường phải chiết bớt sang cái xô để đổ vào nồi, nhưng chất lượng rượu vẫn không thay đổi và đều đã có người đặt hết.
– Hay là con về nhà nấu rượu với bố?
Tôi hỏi bố lúc trông nồi nấu rượu.
– Ừ, bố cũng già rồi, nếu không có người kế thừa thì cũng tiếc. Nhưng cái nghề nấu rượu này, cũng đâu có thể coi là nghề đàng hoàng. Con học đại học mấy năm, có ai lại quay về làm nghề nấu rượu.
– Vâng, nhưng nếu dùng kỹ thuật ủ rượu của bố, kết hợp với dây chuyền nấu rượu công nghiệp, có khi lại thành doanh nghiệp nổi tiếng.
Tôi nói đùa. Nhưng mắt bố tôi có chút sáng lên, quay sang nhìn tôi, sau đó lại quay lại nhìn cái lò lửa.
– Cái đó cần vốn nhiều lắm, mình sao đủ lực.
Tự nhiên, tôi lóe lên ý nghĩ, có khi cũng là một hướng đi không tệ. Có lẽ phải suy nghĩ thật kỹ ý tưởng này.
Mấy ngày ở nhà, con bé Sóc đã quen với tôi, con bé nghịch không khác gì con trai, cả hai bố mẹ tôi mới trông được nó, cứ tôi chuẩn bị đi ra khỏi nhà là con bé bám chặt không rời, thế nên tôi đi đến đâu là có con bé đi kèm, bây giờ câu hỏi của mọi người lại thành bao giờ tôi cưới vợ.
Chị gái tôi có lẽ là thích nhất việc con bé bám lấy tôi, sau khi ăn cơm xong là chị lỉnh đi đâu mất. Tôi có thắc mắc với bố mẹ, nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, bố mẹ tôi lại lo lắng bà chị có một đời chồng không thể gả đi được.
Ở nhà đến ngày thứ sáu, thì tôi nhận được một cuộc gọi từ cơ quan điều tra yêu cầu có mặt hỗ trợ điều tra. Tôi nhanh chóng chào bố mẹ, rồi hộc tốc lên xe chạy lên Hà Nội. Tôi bắt đầu lo lắng từ khi nhận được cuộc gọi, nghĩ đủ kịch bản xảy ra, chỉ có một chút yên tâm là tôi không biết gì việc anh Phú làm. Nhớ đến câu nói quang minh chính đại của bố, tôi cũng tạm yên tâm.
Việc hỗ trợ điều tra cũng không đáng sợ như tôi tưởng tượng, tôi được đón tiếp khá lịch sự nếu không muốn nói là cởi mở, nhưng ở cơ quan công an nghiêm trang, nên áp lực cũng không nhỏ. Tôi thành thật khai báo từ lúc được nhận vào quán, đến những giai đoạn sau này, tất cat những gì tôi trải qua và biết được, lời khai kín bảy tám tờ giấy. Sau khi ký vào lời khai tôi được cho về, với lời dặn không đi khỏi địa phương và luôn để điện thoại mở.
Sau khi rời khỏi cơ quan công an, nghĩ một lát tôi quyết định vòng qua quán, việc này cũng đã công khai. Quán đã bị niêm phong, không có ai ở đó, chỉ có cánh cửa đóng im ỉm và tờ giấy dán chéo trên cánh cửa. Nhìn một lát, tôi quay xe đi, sau đó tạt vào quán chè vỉa hè gọi điện cho anh Hiển, không thấy nhấc máy. Tôi lại gọi cho con bé Mai, nó cũng không biết gì hơn, chỉ biết sáng hôm qua công an đến niêm phong quán khi nó đến quán đã niêm phòng và sáng nay cũng bị gọi lên cơ quan công an để hỗ trwoj điều tra.
Tìm kiếm trên mạng, cũng không có thông tin gì rõ ràng, chỉ là những lời đồn đoán. Rời quán nước tôi về phòng trọ.
Thằng Quang không có nhà, cũng chẳng gọi cho nó, tôi nấu một bát mỳ sau đó vật ra tấm đệm ngủ mất. Sự căng thẳng từ khi rời nhà, sau đó đến cơ quan công an làm tôi mệt mỏi rã rời.
Tôi bị tiếng chuông điện thoại đánh thức, hốt hoảng bấm trả lời, tiếng con gái đầu bên kia rụt rè vang lên mới làm tôi trấn tĩnh một chút.
– Anh Huy à?
– Vâng, đúng rồi. Chị là…?
– Em là mẹ Khả My.
– À … con bé khỏe không?
– Cháu khỏe. Anh có khỏe không?
– Có chuyện gì không chị?
– Em nghe chị Hường nói, quán bar bị niêm phong, nên có chút không yên tâm.
– Không có gì đâu, tôi bình thường. Con bé sau đợt ốm, có gì không ổn không?
– Không ạ. Hay là … em đưa cháu qua cho anh gặp?
Cô ta có chút rụt rè, tôi cũng muốn gặp con bé một chút.
– Được. Hai mẹ con đang ở đâu, tôi sẽ qua?
– Em đang ở nhà trọ. Hay là anh hẹn ở đâu đó, rồi mẹ con em sẽ qua.
– Thôi không cần đâu, chị cứ cho địa chỉ tôi chạy qua là được, nếu tiện.
– Vâng, cũng được. Em nhắn địa chỉ cho anh.
Nhìn địa chỉ trong tin nhắn, tôi biết khu đó cũng là xóm trọ sinh viên, cũng đúng cô ta vẫn đang đi học.
Vùng hẳn dậy, tôi đi vào nhà tắm tắm rửa, sau đó thay bộ quần áo mới, rồi phóng xe đến địa chỉ xóm trọ. Xóm trọ này khá sạch sẽ, rất đông sinh viên nữ thuê trọ ở đây, nên cũng có cảm giác ngăn nắp trật tự hơn. Không khó lắm để tôi tìm đến dãy trọ mẹ con Khả My đang ở, một dãy nhà xây hai tầng, mỗi tầng có khoảng năm sáu phòng trọ riêng biệt, mẹ con Khả My ở căn giữa. Đi qua các phòng, không ít ánh mắt nhìn theo tôi, cũng không ít tiếng cười ré lên, có lẽ tôi cũng là hình ảnh lạ với một túi nylon to toàn bỉm và sữa.
Khả My đang ngồi trong cái cũi nghịch đồ chơi, còn mẹ con bé đang núi húi nấu ăn ở góc phòng. Ngay khi tôi đứng trước cửa, con bé đã ré lên nắc nẻ, sau đó mau chóng bám vào thanh cũi giơ tay vẫy loạn xị.
– Chào hai mẹ con!
Tôi để đôi tông ở ngoài cửa, cũng chẳng đợi mẹ con bé mời vào, bước luôn đến chỗ cũi giơ tay bế con bé lên.
– Khả My nhớ chú à? Chú cũng nhớ Khả My.
Con bé cười ròn rã khi được tôi đưa lên đưa xuống, sau đó nó ôm chặt lấy cổ tôi khi tôi ôm nó vào người.
– Anh đến rồi ạ.
Mẹ con bé rụt rè lên tiếng, khi tôi ôm con bé vào người.
– À … Chào chị.
– Anh ngồi đây uống nước.
Cô ta kéo cái ghế từ cái bàn học ở góc nhà để tôi ngồi xuống, trên bàn bày đầy sách vở, hầu hết là sách tiếng Anh. Có lẽ cô ta học đại học ngoại ngữ.
– Em nấu cơm, lát anh ở lại ăn cơm với mẹ con em.
Tôi có chút bất ngờ, ý định là sẽ đi ra ngoài ăn cơm, tôi cũng có chút ngại dù sao cũng chưa quen biết lắm để ăn cơm.
– Không có gì nhiều đâu, cơm bình thường thôi, anh đừng ngại. Coi như là lời cám ơn của mẹ con em với anh.
Tôi đành gật đầu. Chỉ có con bé vẫn nhảy choi choi trong lòng tôi vẫn giữ nguyên trạng thái phấn khởi, thêm cánh tay tôi đỡ, con bé càng khoái trí nhảy càng mạnh. Nhảy một lúc, tôi hạ con bé xuống sàn nhà, con bé đã khá cứng cáp, có thể bước được vài bước khi tôi bỏ tay, mỗi lần nhào vào người tôi con bé lại cười ròn rã.
Chơi với con bé một lúc, mẹ con bé đã kịp nấu cơm xong và bày ra giữa nhà, hai món mặn và một món canh, khá tươm tất. Có con bé, sự gượng gạo cũng bớt một chút, nó không chịu rời người tôi để ngồi vào cũi, đôi môi nó méo xệch đi khi được bề đến gần cái cũi, cuối cùng là ăn vội vàng để xong bữa sau đó bế con bé cho mẹ nó ăn cơm. Dù vậy, tôi cũng không khỏi tán thưởng vì thức ăn ngon miệng và đủ vị.
Sau bữa ăn, đến lượt con bé ăn bột, chẳng hiểu năng lượng của con bé ở đâu, nó phấn khích từ lúc tôi đến và không ngừng nghỉ hoa chân múa tay cho đến bây giờ, mẹ con bé thổi từng thìa đưa lên miệng, con bé hết vẫy tay, lại ngọ nguậy làm thìa bột lúc thì tung lên, lúc thì quệt ngang, bột vung vãi khắp xuống sàn, số thìa con bé ăn chẳng được mấy.
– Con bé vẫn nghịch thế khi ăn bột à?
Tôi thắc mắc, khi nhận cái thìa và đĩa bột để mẹ con bé lau những vết bột cho nó.
– Không ạ. Hôm nay chắc tại nó hưng phấn quá.
– Chị bế con bé đi, để tôi cho con bé ăn xem nào.
Xúc một thìa bột, đưa đến gần con bé, nó lại quơ tay làm tôi phải rụt thìa bột để tránh nó quệt phải.
– Khả My ngoan nhé. Đừng quơ tay, để chú xúc bột cho bé ăn nhé. Ngoan, ăn hết đĩa bột chú cho đi chơi.
Chẳng biết con bé có hiểu không nhưng sau mấy cái dứ, nó không quơ tay nữa, chủ động há mồm để nhận thìa bột. Đĩa bột với sự hợp tác của con bé, rất nhanh đã hết.
– Cho con bé ra ngoài chơi nhé.
Tôi nói với mẹ con bé sau khi con bé được thay chiếc váy mới.
– Thôi anh ạ. Giờ cũng muộn rồi.
– Vừa dụ khị con bé ăn bột. Không cho đi chơi, lại thành người lớn thất hứa, lừa trẻ con.
– Nó còn bé không hiểu đâu.
– Đừng khinh thường trẻ con, có khi nó hiểu hết đấy. Đúng không Khả My.
– Vậy … cũng được, anh đợi em một lát.
Tấm ri đô chỗ cái tù được cô ta kéo ngang căn phòng, sau đó là tiếng quần áo xột xoạt, một lát tấm ri đô lại được kéo ra. Dù ấn tượng về cô ta không tốt lắm, nhưng tôi không khỏi có chút ngẩn người, chiếc áo cánh dài tay giản dị, chiếc quần âu vừa vặn, cùng với mái tóc dài và khuôn mặt trái xoan làm toát làm cô toát lên vẻ thùy mị, duyên dáng thanh thuần của một thiếu nữ.
– Đi … nào!
Sự thất thần trong chốc lát của tôi, làm cô bối rối, những nét đỏ từ từ lan trên mặt, càng khiến tôi thất thố hơn, phải cực kỳ cố gắng tôi mới nói ra được hai từ và quay người bế con bé ra khỏi phòng.
Lại một lần nữa, những tiếng rì rào cố ý, những tiếng cười thanh thúy của các cô gái cất lên từ trong các phòng trọ khi chúng tôi đi qua.
– Huyền ơi! Giới thiệu cho tao đi!
– Ahh … bạn cũng được. Bạn chắc cũng đẹp trai như vậy…
– …
Tôi chỉ cười, bế con bé đi ra khỏi khu trọ, hóa ra cô ta tên là Huyền.
Đưa Khả My cho Huyền bế, tôi lấy xe ra khỏi chỗ gửi, đội cái mũ bảo hiểm lên đầu sau đó đưa cái mũ cho Huyền, vướng con bé nên tôi phải đội cho cô. Ngón tay giật lên khi chạm vào bầu má mịn màng của Huyền, sau đó nóng rực khi mặt cô cũng đỏ lên.
– Em tên là Huyền.
Cô nói khi ngồi vững vàng lên xe. Bây giờ tôi chính thức biết tên cô.
***
Hà Nội không có nhiều các khu vui chơi cho trẻ con, tôi nghĩ mãi cũng không biết cho con bé đi đâu chơi, nên quyết định đi lòng vòng. Con bé vẫn phấn khích, nhấp nhổm giữa tôi và Huyền để ngoái nhìn đường phố. Cuối cùng thì như thói quen, tôi vẫn vòng lên bờ Hồ không chủ đích.
– Xuống đây nhé. Cho con bé đi dạo một vòng, rồi ăn kem.
Huyền vâng rất khẽ.
Đỗ xe vào chỗ gửi, để Huyền và con bé xuống xe, tiện tay tháo cái mũ bảo hiểm cho Huyền, tôi đẩy xe vào chỗ để.
Xung quanh bờ Hồ rất đông người đi dạo, có những người già đi bộ dưỡng sinh, nhiều hơn cả là trẻ con đang chạy nhảy nô đùa, có theo bố mẹ, cũng có trẻ con ở những khu phố xung quanh ra chơi. Khả My hết nhoài người nhìn ra đằng sau để tò mò ngắm những cô cậu bé đang hò hét chạy đuổi nhau, lại quay người nhìn những chùm bóng xanh đỏ đang bay lắc lư trên không, thỉnh thoảng lại ré lên cười khi nhìn thấy cái gì đó phấn khích kèm theo những cái nhún nhảy để biểu đạt trạng thái hưng phấn. Mua cho con bé một cái bóng bay hình mèo kitty, khi ánh mắt của con bé nhìn không rời, mua hai que kem sữa dừa cho tôi và Huyền.
Suốt mấy năm ở Hà Nội, tôi cũng vài lần lên bờ hồ chơi, nhưng chưa thật sự đi dạo quanh bờ Hồ, đa phần là ngồi ở quán café nhìn ngắm mọi người đi lại, ngay cả thời gian yêu đương với Thùy cũng chỉ lên bờ Hồ có một lần duy nhất, cũng chẳng đi dạo mà để ăn bánh gối ở phố nghách ngay bờ Hồ. Lững thững đi dạo, nhìn ngắm mọi người, trẻ con nô đùa, người lớn tập dưỡng sinh, có cả những bạn nam nữ đang yêu nhau tay trong tay, hoặc tạo dáng để chụp ảnh … không ngờ cũng làm tôi thấy thư thái và vui.
Lững thững đi dạo, cũng hết một vòng hồ, tôi cũng có chút mỏi chỉ có con bé Khả My là vẫn hưng phấn, liên tục nhún nhảy trong tay tôi, Huyền cũng có vẻ mệt mồ hôi lấm tấm trên trán của cô, hơi thở có chút rời rạc.
– Nghỉ một chút rồi về.
Chỉ quán nước trên vỉa hè, tôi nói với Huyền.
Như bình thường tôi vẫn uống trà đá, con bé uống một hộp milo, còn Huyền uống một chai nước tinh khiết. Trời mùa hè dù đã đêm muộn, nhưng vẫn oi nồng, ly trà đá vào miệng cứ ứ lên không giảm đi cảm giác khát, mà lại cứ có cảm giác nhạt miệng khó chịu.
– Nhạt quá, giá như có một ly nước hoa quả thì ngon biết bao.
Huyền buột miệng. Tôi cũng tự nhiên lại thèm một ly nước soda hoa quả mát lạnh.
– Đi! Cho em thử cái này.
Tôi chợt nghĩ, rồi đứng dậy trả tiền nước, bế con bé đến chỗ lấy xe.
Dừng lại ở một của hàng tiện lợi, để Huyền giữ con bé ngồi ở ngoài cửa đợi, tôi đi vào cửa hàng mua hộp nước hoa quả, mấy lon nước ngọt, ít đá và ra ngoài ngồi ở cái bàn của hàng để ngoài hiên cho khách nghỉ chân.
– Em thử đi!
Đẩy li nước trộn cả nước hoa quả và mấy loại nước ngọt về phía Huyền đang ngạc nhiên nhìn mở mấy lon nước ngọt và trộn lẫn với nhau.
– Có đã hơn không?
– Ngon … đã ạ. Không quá ngọt như nước hoa quả nguyên thủy, có chút vị chua, vị khá lạ … nhưng cũng ngon … và cảm giác đã khát, cảm giác còn đã hơn uống từng loại nước riêng biệt.
– Khi thời tiết oi bức như hiện giờ, tác động lên các giác quan, đặc biệt là vị giác. Khi đó dù uống nước tinh khiết vẫn có cảm giác có mùi là lạ, tanh tanh, rất khó chịu. Nếu làm như vừa rồi, em sẽ có một ly nước rất nhiều mùi vị, nó sẽ giúp chỉnh lại sự sai lệch của vị giác, đồng thời cung cấp thêm các vị khác kích thích các tế bào vị giác. Tạo cảm giác rất ngon.
– Đúng rồi… À anh làm pha chế trong quán bar cơ mà.
Huyền có chút ngạc nhiên, sau đó như hiểu ra.
– Đi về thôi, con bé buồn ngủ rồi.
Con bé mắt đang díp lại, thỉnh thoảng lại ngật ra khỏi ngực cô.
***