Những Mối Tình Trong Trại Cai Nghiện - Chương 25
Tôi hỏi giống hệt như một thằng khờ. Thứ âm thanh nức nở của con nhỏ chẳng hề mang một chút dỗi hờn nào hết cả. Con nhỏ khẽ ngẩng mặt lên nhìn tôi, cái nhìn âu yếm và dịu dàng nhất tôi từng thấy trên đời. Nước mắt vẫn vương đầy trên mắt nhỏ, nhưng nhỏ không khóc nữa. Bàn tay nhỏ đưa lên gương mặt tôi, vuốt ve thật nhẹ. Giọng nhỏ lạc đi:
– Em lúc nào cũng yêu anh hết cả, đồ khờ!
Nhỏ Thư nằm im lặng bên cạnh tụi tôi, cái tay khẽ choàng lên lưng tôi, xiết nhẹ. Tôi quay người lại, tính ôm luôn nhỏ vào lòng, nhưng đôi tay nhỏ khẽ gạt tôi ra. Mắt con nhỏ cũng đang ướt rượt:
– Anh ôm Mỹ Anh đi.
Không phải thứ giọng điệu hờn ghen hay giận dỗi, con nhỏ nói với tôi câu đó bằng tất cả sự chân thành. Trong một thoáng, tôi hoảng hốt nhận ra một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra. Tôi nhỏm dậy, nhìn chằm chặp vô gương mặt nhỏ Mỹ Anh.
– Có chuyện gì em giấu anh phải không, Mỹ Anh?
Gương mặt con nhỏ hiện ra một vẻ đau đớn, nhưng chỉ thoảng qua trong giây lát. Nhỏ nhoẻn miệng cười, vỗ nhẹ lên má tôi:
– Anh lại nghĩ bậy bạ gì vậy Long? Người em như vầy, còn giấu được anh gì nữa!
Nhỏ bẽn lẽn ngó tôi, cái thân hình vẫn còn chưa kịp mặc đồ nhào vô lòng, cái tay nhéo nhẹ vô hông.
– Anh còn nghĩ bậy bạ nữa, em nhéo anh tới chết luôn đó. Thôi anh về đi, ở trong này cũng lâu rồi đó, coi chừng người ta biết.
Thiệt tình con nhỏ không nhắc, tôi cũng quên khuấy mất. Đây là trại cai chớ đâu phải khách sạn hả trời! Dễ chừng từ lúc tôi vào đây với 2 con nhỏ, phải cỡ 1 tiếng đồng hồ đã trôi qua. Mua xe cũng chỉ mua được có mức độ, chưa tính đám ăng ten phía ngoài có thể bẩm báo tới tận ban quản lý. Tôi luống cuống bận đồ vô, ngó ra cửa sổ. Thất hiệp Đồng Nai vẫn đang lượn lờ ngoài cửa, gương mặt chán nản tới cùng cực. Tôi kêu nhỏ Thư vén tấm màn che, buộc chiếc khăn mặt lên trên cửa sổ. Đám thất hiệp nhìn thấy ám hiệu, lập tức lục tục kéo vô làm nhiệm vụ lần hai.
Chân tôi bước ra tới gần cửa, con nhỏ Mỹ Anh lại nhào tới, ôm lấy tôi chặt cứng. Tôi nghe sau lưng mình nóng hổi, trên bờ vai lại ướt đầm nước mắt. Sao trong lòng tôi nghe hẫng hụt quá xá, thứ cảm giác giống như bị mất hết trái tim, mất hết ruột gan, chỉ còn lại cái vỏ bên ngoài. Tôi xoay người lại, ôm con nhỏ vào lòng, thì thầm:
– Dù có chuyện gì đi nữa, anh sẽ không bao giờ để mất em!
Mắt nhỏ ướt đầm. Giọng nhỏ nghẹn ngào vang lên bên tai tôi:
– Hôn em lần nữa đi anh!
Tôi cúi đầu xuống, hôn lên đôi môi đang run rẩy. Nụ hôn mặn đắng. Nước mắt của nhỏ chảy tràn xuống bờ môi, hay bởi đó là hương vị thật sự của khổ đau và mất mát? Tôi không hiểu nữa. Chỉ thấy đôi môi của nhỏ ngậm chặt môi tôi, tha thiết và không nỡ xa rời. Nhưng, sau nụ hôn, con nhỏ bình tĩnh lại rất nhanh. Tay nhỏ khẽ quẹt lên mắt, gương mặt lại hiện một nét cười:
– Thôi anh về đi, tội mấy ảnh quá! Đứng chờ tụi mình hoài à!
Tôi cũng hơi mắc cỡ. Đám thất hiệp Đồng Nai dễ chừng đang đem tôi băm vằm tới cả ngàn lần trong suy nghĩ rồi chứ chẳng chơi. Tôi nhìn hai con nhỏ, nhoẻn miệng cười, lách nhẹ ra ngoài cửa. Nghe tiếng nhỏ Mỹ Anh còn vọng lại đằng sau:
– Anh ăn cơm trước đi nha, em với chị Thư có chút chuyện.
Lão già ngó tôi chằm chằm, la:
– Mày không lấy cơm ăn đi, tính để tao bưng cho mày hả?
Tôi ngồi nghệt mặt. Tới bữa rồi mà sao hai con nhỏ chưa chịu ra ăn. Lão già dịch chép miệng, nhỏm người coi bộ tính đi lấy cơm cho tôi thật chớ không phải giỡn. Tôi lật đật ngăn lão lại, nhăn nhó:
– Được rồi, được rồi, anh cứ như là … má em vậy đó!
Lão già dịch coi bộ cũng chẳng thèm để ý tới cái câu nói của tôi. Gương mặt cô hồn của lão thoáng đần ra, cái đầu gục gặc:
– Vậy đi lấy cơm mà ăn lẹ đi, đứng xớ rớ đó tao đập à nha!
Tôi bưng bo cơm đầy tú hụ để trước mặt, con mắt vẫn chăm chăm ngó về phía phòng nữ. Lão già dịch lại giục:
– Lấy cơm rồi không ăn, tính để tao đút cho ăn hả?
Cái tay lão dứ dứ, làm bộ như muốn lấy cái muỗng đút cơm cho tôi vậy. Tôi lại lật đật gạt tay lão ra, đưa muỗng cơm xúc vô miệng, mặt mũi nhăn nhó. Để 2 con beo đút cơm cho ăn còn nghe được, để lão già dịch làm vậy chắc mai tôi đeo nguyên cái bao tải vô mặt quá.
Miếng cơm nhai còn chưa hết, bóng con nhỏ Thư luống cuống chạy về phía tôi, cái miệng nhỏ hét lớn:
– Anh Long, qua đây đi anh!
Trong cái khoảnh khắc ấy, trái tim tôi nhói lên một thứ đau đớn mơ hồ nhưng bén ngót. Tôi bật dậy, lao như bay về phía nhỏ. Trước phòng nữ, con nhỏ Mỹ Anh đang níu chặt lấy cánh cửa không chịu rời tay, mặc cho hai nhỏ bảo vệ nữ kè 2 bên ra sức giằng ra. Đôi mắt nhỏ ướt đầm khi thấy bóng tôi. Giọng nhỏ lạc đi:
– Anh phải ráng vui vẻ nha Long. Em đi giờ nè!
Lòng tôi như nát vụn ra từng mảnh. Không phải tại con nhỏ sắp về, mà tại những lời con nhỏ nói với tôi không hề giống với cách người ta nói với nhau lời tạm biệt. Trong thứ âm thanh đó, tôi nghe thấy rõ cả nỗi đau đớn bị dồn nén và vỡ tung ra. Tôi nhìn cái bóng con nhỏ đang bị đám bảo vệ kéo đi muốn rách mắt, cái chân dợm chạy lên đuổi theo giằng nhỏ lại, nhưng một cánh tay gầy guộc đã bám lấy vai tôi, kéo lại. Giọng lão già dịch trầm ngâm bên tai:
– Mày để con nhỏ đi đi.
Tôi đứng khựng lại, nước mắt cũng tuôn ra nghẹn đắng. Tôi không hiểu vì sao mình khóc, nhưng thứ linh cảm bất chợt nhói lên trong tôi khiến tôi như muốn gục ngã. Tôi hướng về phía con nhỏ, thét lạc giọng:
– Anh nhất định sẽ kiếm được em!
Con nhỏ ngoái đầu ngó lại phía tôi. Ánh mắt nhỏ nhìn tôi thật âu yếm, dịu dàng nhưng sao tôi còn thấy cả sắc màu tuyệt vọng. Bóng con nhỏ khuất sau cánh cửa, tôi nghe trong lòng mình như có cả trăm mũi kim nhọn hoắt đâm vô. Đau nhói. Lão già dịch khoác vai tôi vỗ nhẹ, thở dài. Con nhỏ Thư im lặng tiến tới sát cạnh tôi, bàn tay nhỏ nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi, nắm chặt. Tôi gượng gạo nhìn nhỏ, nghe sống mũi cay cay khi thấy trong đôi mắt nhỏ cũng đang nặng trĩu nỗi buồn. Lão già dịch bá vai tôi quay trở lại phòng ăn, cái giọng du đãng lại hét lên chói lói, hướng về đám học viên hiếu kì đang xúm đông xúm đỏ ngó tôi:
– Lo ăn đi, ngó cái gì. Mắt tụi bay hết xài rồi hả?
Đám học viên lẹ như gió bay hết vô bàn, cắm cúi ăn. Nhỏ Thư dịu dàng nắm tay tôi kéo đi, thì thầm:
– Mình đi ăn đi, anh ha. Nhỏ về đời, anh phải mừng cho nhỏ chứ!
Từ đợt nhỏ Mỹ Anh đi, lão già dịch coi bộ cưng tôi dữ dội. 2 ngày đầu tiên, lão thấy tôi ru rú trong phòng hoài cũng bỏ luôn mấy vụ chơi bời phá phách bên ngoài, ngồi lì với tôi nói chuyện. Trước giờ, hỏi lão chuyện tù tội trường trại khó như lên trời, nay chỉ cần thấy tôi có bộ dạng hào hứng chút xíu với thứ chuyện gì, lão mở loa hết công suất, nói tới sùi bọt mép. Ban đêm thấy tôi trằn trọc không ngủ được, lão già còn lọ mọ sang phòng Hiếu mốc lấy về mớ rượu, 2 anh em thầy trò ngồi nhậu đêm với … mì tôm. Cái hành động của lão coi bộ chẳng giống anh đại anh lớn chút xíu nào hết trơn hết trọi, và có lẽ trong cả cuộc đời làm du đãng của lão, chưa khi nào lão đối xử với một đứa em út giống như tôi.
Nhỏ Thư còn chịu khó hơn cả lão già. Mấy bữa đầu tôi làm biếng ăn, tính bỏ bo nằm khoèo trong phòng gặm nhấm nỗi đau xa con nhỏ, nhưng chưa một lần nào bỏ được hết trơn. Lão già khuyên bảo không được, bực mình nắm đầu tôi kéo xềnh xệch ra cửa, chỉ vô phía nhà ăn. Cuối bữa, nhà ăn vắng tanh, chỉ còn lác đác vài mống. Trong đó có con nhỏ Thư của tôi, gương mặt buồn bã ngồi cạnh 2 bo cơm đã bới sẵn, đợi chờ. Tôi thương con nhỏ tới muốn khóc luôn, lật đật khoác áo chạy xuống. Ngó tôi cặm cụi ăn, mắt con nhỏ lại hiện ra một tia âu yếm tới nao lòng.
2 buổi tối đầu, tối nào tôi cũng nằm bẹp trong phòng. Tôi sợ ra ngoài. Tôi sợ tôi sẽ lại nhớ con nhỏ Mỹ Anh thêm khi thấy nơi nào cũng toàn bóng hình của nhỏ. Tôi sợ những âm thanh chuyện trò ríu rít của đám beo sẽ làm lòng tôi thấy quặn đau. Và tôi … cũng sợ gặp cả nhỏ Thư, khi mỗi lần ngồi cạnh nhỏ, một bóng hình khác lại tràn vô đầy trí nhớ…
Nhưng cả hai buổi tối đó, lúc nào con nhỏ Thư cũng ngồi một mình ngoài ghế đá. Nhỏ đợi tôi. Nhỏ sợ khi tôi muốn có người trò chuyện, tôi lại không kiếm ra nhỏ được. Lão già dịch vô địch cái gì đâu, bây giờ chuyển nghề qua bảo kê cho con nhỏ. Cũng không nhớ lão mắc công đá đít bạt tai không biết bao nhiêu anh mới chân ướt chân ráo vô trại xáp lại con nhỏ tính làm quen, chỉ biết bữa tối thứ 3, lão chạy lên kiếm tôi ngán ngẩm:
– Tao thua mày luôn rồi đó thằng nhóc ác. Mày buồn kệ xác mày, nhưng sao mày để con nhỏ Thư bữa nào cũng chờ mày ngoài ghế đá tới tận giờ đi ngủ vậy? Đi xuống với con nhỏ ngay, tao còn ngó thấy mày xớ rớ trong phòng tao đập cho chèm bẹp!
Thấy lão già nổi cơn du đãng, tôi cùng đành khoác áo, lóc cóc đi xuống. Bóng nhỏ Thư cô đơn trên chiếc ghế đá khiến lòng tôi nhũn lại. Tôi bước lại gần nhỏ, nhẹ giọng:
– Anh tệ quá, Thư ha. Anh tối ngày làm khổ em hoài, mai mốt anh sẽ không có như vậy nữa, em chịu không?
Đôi mắt mệt mỏi của nhỏ thoáng hiện một nét cười. Tay nhỏ lùa vào lòng bàn tay tôi nghe ấm sực. Giọng nhỏ dịu dàng:
– Không có sao đâu anh. Chuyện này là tự em muốn vậy mà.
Tôi nghe trong lòng, thứ cảm giác ấm áp cứ trào dâng. Tôi nắm đôi tay của nhỏ, ngó chăm chăm vô gương mặt mệt mỏi và lo lắng suốt mấy ngày qua, vừa tự trách mình vừa thấy thương con nhỏ tới thắt lòng. Con nhỏ nhận thấy ánh mắt quan tâm và dằn vặt của tôi, nhoẻn miệng cười:
– Anh nói với em là anh không như vậy nữa đó nha. Anh không giữ lời, em sẽ méc anh Ngọc để ảnh xử anh!
Tôi mỉm cười. Nụ cười đầu tiên từ khi nhỏ Mỹ Anh rời trại. Tôi nhìn sâu vô mắt nhỏ, thì thầm:
– Anh sẽ không vậy nữa. Dù không phải vì anh, anh cũng sẽ phải làm điều đó vì em.
Mấy bữa tiếp theo, nếp sinh hoạt của tôi cũng đã dần trở lại bình thường. Tới bữa, tôi xuống ăn cùng nhỏ và lão già đều đặn, dù vẫn thấy trong lòng trống trải. Tối tối, tôi lại cùng nhỏ Thư ra ghế đá ngồi trò chuyện tới khuya, đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới bể. Nhỏ ưa kể tôi nghe những câu chuyện về nước Mỹ xa xôi, về những nơi lạ lẫm nhỏ đã đi qua. Tôi kể cho nhỏ những phong tục kì lạ, những thói quen trên khắp các vùng miền đất nước, thích thú khi thấy con nhỏ há miệng ngạc nhiên khi tôi kể về những bộ răng được nhuộm đen, cười như nắc nẻ khi biết chuyện chó mèo bị chặt đuôi khi mang về nhà nuôi chỉ là chuyện hiểu lầm: người ta đo đuôi con vật bằng sợi dây, sau đó cắt đi chứ không phải cắt… cái đuôi biết ngoe nguẩy. Khoảng cách giữa tôi và con nhỏ ngày một gần hơn, những nụ hôn bất ngờ cũng đến nhiều hơn, mặc dù khi đêm về, nỗi nhớ của tôi hướng về nhỏ Mỹ Anh cũng chẳng vì thế mà nhạt phai hơn…
Quãng gần một tuần sau, tôi coi bộ cũng khá hơn trước rất nhiều. Tới bữa ăn cơm cũng thấy ngon miệng hơn, tối tối xuống nói chuyện với nhỏ Thư cũng giỡn nhiều hơn. Chỉ đôi lúc tôi im lặng, khi nghe ai đó bất chợt nhắc tới con nhỏ Mỹ Anh. Nhỏ Thư cũng biết vậy, trong mỗi câu chuyện nó đều ráng hết sức để tránh nói về điều đó. Nhưng bữa nay thì không có vậy.
– Nếu em ra trại trước, anh có buồn như lúc Mỹ Anh về không?
Tôi ngẩn người trước cái câu hỏi đột ngột của con nhỏ. Quả thật trước giờ, tôi chưa từng có ý nghĩ đem chuyện đó ra so sánh. Nhưng nếu bắt buộc phải có một câu trả lời, tôi e là mình sẽ làm buồn cho con nhỏ đang ngồi trước mắt. Nhỏ Thư vẫn nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng chờ đợi. Tôi thở dài:
– Anh không muốn nói xạo. Anh rất thương em, xa em anh cũng sẽ buồn dữ lắm, nhưng anh nghĩ không tới mức như vài bữa trước.
Con nhỏ điềm tĩnh nghe, miệng nhoẻn cười:
– Em biết anh sẽ nói vậy. Em muốn nghe anh nói thật, chứ không cần nghe những lời nói xạo.
Tôi khẽ thở phào, nhìn gương mặt nhỏ đang lộ rõ vẻ phân vân. Tay tôi quơ lấy tay nhỏ, xiết nhẹ:
– Bộ bây giờ, em đã nghĩ tới chuyện xa anh sao?
Con nhỏ chậm rãi vuốt ve bàn tay tôi, giọng nhỏ lại:
– Mai mốt kiểu gì em cũng phải xa anh mà. Chỗ của em không phải ở đây. Ba mẹ em chắc cũng không đồng ý để em ở lại.
Tôi nghe trong lòng, cảm giác hẫng hụt lại xuất hiện thêm lần nữa. Có điều, lần này tôi đón nhận thứ cảm giác ấy một cách tỉnh táo và điềm đạm hơn trước rất nhiều. Nhà của con nhỏ không phải tại đây, cuộc sống của con nhỏ cũng không phù hợp với xã hội này. Tôi biết tất cả những điều đó. Nhưng tại sao bữa nay, con nhỏ lại nói với tôi tất cả những điều này?
Con nhỏ khẽ ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt đầy lo lắng:
– Sao anh không kêu ba mẹ đưa anh qua nước ngoài sống, có phải hơn không?
Tôi thở dài. Tôi đâu dính vô nghiện ngập, gia đình cũng tạm gọi là khá giả, hơn nữa chỉ có duy nhất một mình tôi. Ba mẹ tôi đã lớn tuổi, họ đâu có muốn bỏ cả gia đình, họ hàng, tất cả những mối quan hệ tại Việt Nam để bắt đầu một cuộc sống mới mà chính họ cũng không biết là sẽ hạnh phúc hay đau khổ. Tôi kêu con nhỏ:
– Gia đình anh khác, Thư à. Ba mẹ anh lớn tuổi rồi, anh sao có thể để ông bả ở lại một mình cho được.
Con nhỏ khẽ mím chặt môi. Ánh mặt nhỏ suy tư một hồi, rồi trở thành quả quyết khi nhỏ ngồi thẳng dậy, nhìn thẳng vô tôi:
– Bữa nay, em muốn làm nốt việc Mỹ Anh nhờ em.
Tôi nghe những lời nhỏ nói mà cảm thấy hơi choáng váng. Không phải nhỏ từng nói với tôi là nhỏ Mỹ Anh chỉ đi du học, có lẽ một năm sẽ về tới một lần? Tôi chưa hỏi địa chỉ của nhỏ, nhỏ cũng chưa biết nhà tôi nhưng kiếm ra nó từ đám quản lý học viên đâu có khó. Chính cái suy nghĩ này đã làm tôi tỉnh táo và bình tĩnh hơn trong cả mấy ngày qua. Nhưng sao giờ lại có thêm chuyện gì khác nữa đây?
Nhỏ Thư bước vô phòng nữ loay hoay làm gì đó một lúc, bỏ tôi với mớ suy nghĩ rối tung. Một lát sau, nhỏ bước lại, trên tay cầm hai mẩu giấy nhỏ, giống như một tờ giấy nguyên được xé làm đôi. Nhỏ chìa trước mặt tôi một mảnh, kêu:
– Anh đọc cái này trước đi.
Cánh tay tôi run bắn, đỡ lấy mảnh giấy từ tay nhỏ. Tôi mở ra, đập vô mắt tôi là những dòng chữ viết vội vàng:
“Chị nhớ nhắc ảnh thay ga gối nửa tháng một lần. Ảnh làm biếng lắm, nếu không chịu đem đi giặt, chị chịu khó giặt dùm ảnh luôn nha.
Chị kêu ảnh ăn cay ít thôi, hại dạ dày lắm đó. Ảnh ăn một bữa cơm tốn quá trời ớt, chị phải ép ảnh bỏ dần đi.
Còn nữa, chị đưa cho ảnh và anh Ngọc mỗi ngày một bao thuốc lá thôi. 2 ảnh hút thuốc nhiều, không có tốt.
Bữa tối, chị nhớ nhắc ảnh không uống nước đá, sáng ra lại bị ho. Em nhắc hoài không được
…”
Mảnh giấy còn tới hơn phân nửa, nhưng tôi đọc tiếp không có nổi. Trong từng dòng chữ như hiện ra ánh mắt, nụ cười, hơi ấm của con nhỏ tôi yêu thương nhất trên đời. Nhỏ Thư nắm lại mảnh giấy trên tay tôi, dịu dàng:
– Đó là thơ Mỹ Anh gửi cho em. Còn đây là của anh.
Nhỏ đưa nốt miếng giấy còn lại cho tôi. Miếng giấy nhỏ xíu, chữ kín hai mặt giấy, tôi cầm mà sao nghe trên tay nặng trĩu. Bên tai, nhỏ Thư lại nhẹ nhàng:
– Anh đem vô phòng đọc đi ha, ở đây không có tiện. Anh khóc chỗ đông người coi kì lắm.
Tôi gật đầu, nắm tay con nhỏ khẽ xiết nhẹ, chậm chạp bước lên phòng. Tôi kéo tấm mền lên tới ngang mặt, run run mở mảnh giấy còn phảng phất mùi nước hoa quen thuộc. Những dòng chữ viết vội như đang nhảy múa trước mặt tôi:
“Anh nè, anh không được giận em nha. Em chưa từng nói dối anh điều gì hết, nhưng lần này em không làm được vậy. Mấy lần về phép trước, không phải em đi chuyện gia đình mà là lo thủ tục. Em không định giấu anh, nhưng em sợ anh chịu đựng không có nổi. Anh khờ mà quậy dữ lắm, Long à.
Em cũng không phải đi du học. Em dặn chị Thư nói với anh như vậy để anh sống trong đó được vui vẻ hơn thôi. Ba má em bắt em qua định cư hẳn, chắc quãng vài tháng sau ba mẹ em cũng sang theo. Em đã tính nói với anh ngay sau bữa về phép đầu tiên, nhưng em thấy anh thương em như vậy, em lại làm không nổi. Em sợ sau khi em đi, anh lại quậy phá nữa thì tội cho em và chị Thư nhiều lắm…
Em xạo anh nhiều như vậy, anh có giận em không? Chắc không đâu ha, bởi em biết anh thương em nhiều dữ lắm. Em cũng vậy, Long à. Những ngày sống bên anh, em là đứa con gái hạnh phúc nhất trên đời. Em hi vọng cũng đã làm cho anh hạnh phúc…”
Đôi mắt tôi nhòa đi. Thứ đau đớn tận sâu bên trong tâm hồn khiến trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt. 1 năm ư, gặp lại ư, sống chung ư – sao tất cả những gì tôi hi vọng và tin tưởng đều vụt tan vỡ hệt như một cơn ác mộng. Tại sao con nhỏ lại giấu tôi điều đó? Sao con nhỏ không biết tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả, có thể chấp nhận mọi thứ để được ở gần bên nó?
“Em không khi nào muốn phải xa anh cả. Nhưng em không thể bắt anh bỏ mặc gia đình chỉ vì em. Em tin anh sẽ làm như vậy, nhưng còn ba mẹ anh tính sao đây? Anh không được trách em điều đó nha Long…”
Những dòng chữ run rẩy đi trong ánh mắt của tôi. Con nhỏ vẫn luôn như vậy, hi sinh và chấp nhận mọi thứ để đánh đổi cho tôi một cuộc sống tốt lành. Nhỏ cứ lặng lẽ đi bên cạnh tôi, lặng lẽ đem lại cho tôi hạnh phúc và bây giờ, nhỏ lại lặng lẽ rời xa tôi… Tôi nghe thứ cảm giác mất mát gặm nhấm từng miếng lớn trên từng thớ da thịt, từng mảnh tâm hồn. Đau đớn, trống rỗng và bất lực. Tôi ráng lau nước mắt, đọc nốt những gì còn lại trên mảnh giấy. Trên những dòng chữ cuối cùng, nét mực của nhỏ cũng nhòe đi:
“Có một điều em không nói xạo anh đâu. Anh còn nhớ em đã nói bọn mình sẽ luôn ở bên nhau, đúng không anh? Anh vẫn ngồi ăn cơm em bưng tới, vẫn uống cafe em quậy, vẫn cười, vẫn vuốt má , vẫn hôn em, âu yếm em bất kể khi nào em nhắm mắt lại, anh à. Em bằng lòng như vậy. Em chỉ cần anh ngồi thật ngoan, thật khờ trong tâm trí em mãi mãi. Anh có làm được vậy không Long?”
The end
p/s: Đây là lời giải đáp cho bạn nào hỏi bác Nhái và Mỹ Anh bây giờ như thế nào ( chắc cái này là viết cho Mỹ Anh chắc lun) ^^, cái này bác Nhái viết tâm sự bên CLB Xóm Lá, lôi qua cho bạn nào chưa biết đến. Bạn nào mún kiểm chứng thì vào nick bác Nhái sẽ thấy nha ^^
Chỉ nghe một cú điện thoại, anh như trẻ ra 10 tuổi. Không phải trẻ lại ở nhan sắc mới đau. Trẻ lại trong tâm hồn, thấy mình hệt như thằng nhóc 18 tuổi ngày nào, dễ yêu, dễ tổn thương, dễ thấy cay cay mũi. Chẳng bù cho các thân xác đẹp trai nhưng tâm hồn lại sỏi đá, nhìn thấy gái giống như mèo thấy cá, ăn xong liếm mép đi uống cafe sữa đá lúc này. Em gọi cho anh làm gì? Hỏi thăm anh, quan tâm anh hay muốn làm khổ anh nữa đây em?
Cái lý do cuối cùng anh tự nghĩ ra thôi. Nghĩ ra xong lại tự muốn lấy tay tát mình một cái. Nếu em muốn làm anh khổ, trên đời này mọi phụ nữ hẳn đều muốn giết anh, trừ má anh ra. Em gọi điện để em cảm thấy yên tâm một chút về anh, phải không em? Anh vẫn lông bông như thường lệ, ít quậy hơn trước và tán gái dẻo hơn, có vậy thôi. Nhưng ít ra em không cần phải bận tâm thêm nữa. Anh luôn nói anh ổn, dù sao thì trước giờ, những lời nói dối em phải nghe cũng quá nhiều.
Em lại hỏi anh về lũ chó mèo. 10 năm rồi con thú nào cũng chết, trừ con thú đi bằng 2 chân tên gọi là người. Em lại gặng hỏi anh tên từng con vật anh nuôi, anh trả lời gọn lỏn: lâu rồi con chó nào anh cũng gọi là Ki, con mèo nào anh cũng gọi là Meo. Em cười nhưng anh chẳng thấy vui. Anh biết em đang nhớ về đám chó mèo năm cũ, anh đặt một tên và em đặt một tên. Mèo luôn là tên em, chó để phần anh.
Em lại dặn anh đừng chơi bời nữa, lo làm ăn để rồi cưới vợ sinh con. Anh lại gật gù giống như mọi bữa. Anh cưới vợ thật liệu em có về không? Đừng về em nhé, anh không muốn người đàn bà duy nhất của mình bật khóc trong lúc anh vui. Không phải cô dâu đâu em nhé, đàn bà của anh chỉ có em thôi. Cũng chưa biết nữa, biết đâu lúc ấy em lại nở nụ cười. Vậy thì nước mắt vẫn rơi – anh sẽ là thằng đàn ông mít ướt.
Anh chẳng hỏi gì về cuộc sống của em, em giận dỗi. Hỏi để làm gì, anh vẫn biết đấy thôi. Chỉ nghe giọng em, anh cũng nhận ra được hết rồi. Em có một gia đình hạnh phúc. Một thằng chồng hơi xấu hơn anh, nhưng xấu đẹp chả làm nên điều gì cả. Mai mốt già, anh và thằng chả cũng hệt như nhau. 70 tuổi còn ai ra đường được gái khen đẹp lão. Ít nhất thì khi bên nó, em có thể cười. Điều ấy nhan sắc của anh làm không có nổi.
Em không kể cho anh về những đứa trẻ lai. Em vẫn sợ làm anh đau đớn. Em khờ thiệt, giờ ít nhất anh cũng đã là người lớn! Lớn về mọi thứ trừ một thứ vẫn như xưa. Cái dại dột trước em trong anh không bao giờ lớn nổi…
Kết cục mỗi lần điện thoại, em khóc, anh cười. Vài lần trong 10 năm, lần nào cũng vậy. Em khóc vì anh hay vì điều gì đấy? Anh khỏe re, gái bám nhiều sao phải khóc làm chi? Hay em khóc vì chẳng khi nào mình gặp? Mỗi lần em về anh lại trốn đi xa. Anh chẳng bao giờ sợ điều gì cả, anh chỉ trốn em vì chính em thôi. Anh không muốn em trở thành thứ đàn bà tội lỗi. Dù là mắc lỗi với thằng Tây anh ghét nhất trên đời.
Bố có 2 mạng xin visa sang bắn chết mày luôn, thề đấy