Những Mối Tình Trong Trại Cai Nghiện - Chương 14
– Thì nó bận em mới qua chơi với anh được chứ! – Tôi tỉnh bơ trả lời.
Lão cũng chẳng thèm đối đáp, quơ cuốn truyện tính đọc tiếp. Tôi níu tay lão lại, kêu:
– Kể chuyện trường trại đi anh Ngọc!
Lão ngó tôi lom lom như nhìn thằng khùng, kêu:
– Mày đang ở trong trại chứ bộ mày ở trong khách sạn hả?
– Trời đất, xá gì ba cái trường trại bé xíu này. Anh kể chuyện trường lớn đi, kể chuyện đám beo nữ đi!
Lão này lê gót khắp các loại trại, từ trại tập trung cho tới tự nguyện, trại tù. Cơm tù cơm trại lão ăn còn nhiều hơn cơm đời nữa, nhưng ba cái chuyện tù tội chỉ có tôi mới moi được từ miệng lão. Lão tặc lưỡi:
– Ba cái con quỷ cái đó có cái gì mà kể. Nhìn như đàn ông, hút thuốc lào sòng sọc, chưa tính có con nhỏ nào đẹp đẹp vô phòng nó hiếp luôn. Tao coi tụi nó khác gì mấy thằng nhóc ác có chim.
Dữ dội vậy sao? Tôi lại hỏi tiếp:
– Vậy đám beo trường này so với đám đó có dữ bằng không anh Ngọc?
Lão cười khùng khục:
– So vậy giống như kiểu so mày với tao vậy đó!
Tôi thở dài:
– Vậy tính ra vẫn còn hiền lành chán, có điều tụi beo trong cái trại này dễ ghét thiệt. Em mới nghe con nhỏ Mỹ Anh nói chuyện xong…
Tôi đem chuyện nhỏ Thư kể cho lão nghe một lượt. Gương mặt lão vẫn lạnh te, kêu:
– Chuyện bình thường. Con nhỏ đó khờ, không lanh nên nó phải chịu thiệt thôi. Sống trường trại phải tự mình lo cho mình, ở trại này còn đỡ, trại khác ai lo cho mày. Nó sống vậy chắc được dăm bữa nó khùng thiệt luôn đó.
Rồi nghĩ ngợi một lát, lão thủng thẳng:
– Mày bảo con nhỏ Mỹ Anh vất cho nó đống phiếu xài tạm. Hết rồi thì lát mày chạy qua Hiếu mốc lấy 2 triệu tiền banh nó mới thua tao hôm qua mà xài.
Trái với điều tôi và lão Ngọc nghĩ, con nhỏ dứt khoát không cầm đám phiếu nhỏ Mỹ Anh đưa. Nghe nhỏ Mỹ Anh nói lại, con nhỏ Thư chỉ chịu nói chuyện, tâm sự hơn với nó, ngoài ra trừ cái vụ nhờ mua đồ phụ nữ, không khi nào làm phiền gì nữa hết trơn. Con nhỏ này cũng có tự trọng cao – tôi nghĩ vậy.
Có điều, ở trường trại mà không có phiếu, khó sống lắm. Cơm vẫn ăn đủ ngày 3 bữa, nhưng còn nhiều thứ sinh hoạt khác mà thứ gì cũng cần tới tiền bạc hết trơn. Chưa tính 3 cái vụ cơm trại làm dở ẹt, nếu không có tiền đặt đồ ăn tối chắc cũng ôm bụng rỗng mà đi ngủ. Mấy lần như vậy, tôi và lão Ngọc đều kêu nhỏ qua ăn chung, nhưng nhỏ chỉ cảm ơn, chưa khi nào xuống ngồi ăn cùng hết. Tôi cứ thấy con nhỏ tội tội, nhưng cũng ngại tiếp xúc. Phần vì mặt nó lạnh te, phần vì sợ con nhỏ hay ghen của tôi nghĩ xiên xẹo giống như lão Ngọc…
Lâu lâu không ghé qua thăm giáo vụ, hôm nay cũng thấy nhơ nhớ. Không phải nhớ ai hết trơn, mà là nhớ cái bao thuốc lá của ông thầy Bảo. Ông thầy chịu chơi một cây, chuyên hút Marlboro mềm nhập khẩu chứ không xài thuốc bình thường. Thi thoảng lên, ổng vẫn dúi cho tôi một bao đem về lấy le với đám học viên khác. Ở trong trại, hút thuốc đời bảnh lắm chứ bộ!
Nhỏ Mỹ Anh dạo này coi bộ khoái đi may, nên sáng nào tôi cũng lang thang một mình hết trơn. Con nhỏ tính may áo, may đủ thứ linh tinh nó nghĩ ra cho tôi và lão Ngọc. Lão quỷ già bữa trước được con nhỏ may cho cái quần cộc màu hồng, tôi nhìn lão mặc mà cười muốn té ghế. Lão mặt dày mặc hoài, cứ vô phòng lại mặc, kêu mặc cái vải đó mát. Tôi cũng nghi lão này có chút biến thái lắm à nha. Du đãng gì đâu người xăm trổ kín mít lại bận cái quần cộc hồng rực, nhìn hệt như tranh biếm họa.
Tôi đẩy cửa phòng giáo vụ, hồi hộp chờ đợi một tiếng reo mừng rỡ của bà giáo vụ và ông thầy già. Ai dè khi tôi vào, không khí im re. Thấy 2 ông bả đang bu quanh con nhỏ Thư, điệu bộ cuống quýt dữ lắm, chẳng để ý gì tới tôi hết trơn hết trọi. Tôi hắng giọng tới nổ cả cổ, ông Bảo mới quay ra ngó một cái:
– Thằng Long hả? Vô thì khép cửa lại đi mày!
Cụt hứng à nha. Xoay tay đóng cái cửa phòng lại, nghe con nhỏ Thư đang nấc lên từng đợt. Hiểu mà. Đám học viên mới có chuyện gì cũng hay chạy lên trên giáo vụ, dù sao đó cũng là nơi duy nhất trong trại có thể kiếm được người an ủi và tâm sự miễn phí. Bà giáo vụ đang vỗ vỗ lên lưng con nhỏ, cái mặt lộ ra vẻ thương xót và thông cảm. Thiệt tình, bả là một trong những người tốt nhất tôi từng gặp tại trại này. Bả làm cái nghề này hoàn toàn vì thương đám học viên, thương những mảnh đời lầm lỡ và mong muốn làm được cái gì đó cho họ, chứ hoàn toàn không bởi vì tiền. Nhà bả giàu sụ, nghe đâu con cái làm ăn rất tốt, kêu bả ở nhà hoài nhưng bả không chịu. Với bả, giúp được đám học viên mới là niềm vui trong cuộc sống. Tôi từ khi biết những chuyện đó, lại càng phục và tôn trọng bả hơn, thậm chí ngay cả lão Ngọc nghe chuyện cũng gật gù khen bả có tâm.
Bà Mỹ ngó tôi, vẫy vẫy tay:
– Long qua đây con! Mỹ Anh đi đâu mà để con lên một mình vậy?
Tôi bước xuống ngồi cạnh bả, làm bộ thân thiết:
– Mỹ Anh đi may rồi cô, con qua thăm thầy với cô chút!
Bả gật gật đầu ra bộ hài lòng. Ông thầy Bảo sờ túi, mắt nhìn tôi đầy nghi ngờ. Cái ông thầy già này cũng thiệt khôn quá trời khôn!
Chợt mắt bả sáng lên, vỗ tay lên bàn một cái, la:
– A, cái vụ này Long giúp bạn được nè!
Chưa kiếm được điếu thuốc nào mà đã có ngay việc, thiệt tình làm gì có thứ đạo lý nào như vậy. Nhưng nghe chuyện giúp con nhỏ Thư, tôi cũng thấy không có vấn đề gì lớn lắm. Dù sao bản tính tôi vẫn ưa giúp đỡ người hoạn nạn, nhất là khi con nhỏ Thư nhìn bộ dạng tội nghiệp quá trời luôn.
– Có chuyện gì vậy cô?
– Thư muốn chuyển phòng, nhưng nói bảo vệ không được nên mới qua nhờ tụi cô. Nhưng bên cô và bảo vệ khác nhau, cô sợ cô nói không có nổi!
Đám giáo vụ và bảo vệ thường xung đột với nhau như nước với lửa vậy. Công việc khác nhau, một bên nhàn hạ sung sướng, một bên thức đêm thức hôm cực nhọc, nhưng đãi ngộ của giáo vụ lại cao hơn hẳn, không ganh nhau mới là lạ. Tôi gật gù:
– Ý cô muốn bảo con nói qua anh Ngọc phải không?
Bả nhìn tôi, cái mặt làm bộ ngạc nhiên, thốt:
– Cái thằng thiệt thông minh quá trời quá đất luôn! Ý cô chính là vậy đó con.
Tôi nghe bả khen nhưng chẳng thấy sướng gì hết trơn hết trọi. Con mèo tôi nuôi ở nhà nghe bả nói vậy cũng hiểu, nói gì tới tôi mà khen thông minh. Con nhỏ Thư lúc đó cũng ngước đôi mắt sưng húp lên nhìn tôi, cái nhìn khổ sở và đầy tuyệt vọng. Lần đầu tiên, tôi nghe thấy nhỏ nói một câu dài quá 3 từ:
– Liệu có được không anh?
Tôi trong bụng đang đầy ắp mưu hèn kế bẩn dụ khị lão Ngọc, nhưng nghe con nhỏ hỏi câu đó với một vẻ mặt van nài hết sức, tôi hùng dũng gật đầu:
– Chắc được thôi em!
Bước lên phòng mới thấy hơi hối hận à nha. Lão quỷ này nhờ việc gì cũng phải làm khó làm dễ tôi một hồi rồi mới chịu. Thôi đành đưa đầu cho lão hành hạ một phen là được. Tôi thở dài một cái, bước vô phòng.
Lão già dịch nằm chèo queo trên giường, cái mặt coi bộ bất mãn. Chuyện lạ à nha, du đãng già bữa nay không đọc truyện. Ngó thấy tôi, lão quát:
– Mày biết thằng chó nào cầm tập cuối cuốn này không?
Tôi chưng hửng. Bộ lão nghĩ tôi là nhân viên thư viện hay sao?
– Sao vậy anh? Cuốn đó là cuốn gì?
Lão hậm hực:
– Thằng nhóc ác nào làm mất tập cuối cuốn này, tao đọc đang vào cầu mà bị cắt ngang xương. Mấy con thư viện cũng ẩu, mất sách mà không chịu mua lại, không lẽ tao lại đá vào họng chúng nó mấy cái!
Nhìn cái bộ dạng vật vã vì thiếu truyện của lão, dám lão xông xuống thư viện hành hung người lắm à nha. Tôi liếm môi, kêu:
– Thì ra ngoài mua, anh muốn mua tập gì em nhờ người mua cho.
Mắt lão sáng bừng:
– Ờ ờ, mày kêu đám giáo vụ mua là được luôn đó. Tiền nè, đưa cho nó kêu đi taxi mua luôn đi!
Lão không cầm tiền trại, mà trong quần cộc lúc nào cũng có nguyên mớ tiền đời. Tiền đời tất nhiên ngon hơn tiền trại, chuyên dùng để mua ba cái đồ cấm hoặc hối lộ cán bộ. Lão móc ra mấy tờ 100 ngàn, kêu:
– Đi lẹ đi.
Lúc này mà không bắt chẹt lão thì còn đợi lúc nào hả trời! Tôi làm mặt khó, kêu:
– Mua thì em kêu mua được, nhưng bảo mua ngay bây giờ thì hơi khó. Họ đang giờ làm việc, ra ngoài làm sao được.
Ngó cái tay lão đang nhịp nhịp vào thành giường ra chiều sốt ruột, tôi thấy mắc cười ghê gớm. Lão này đời thường rất giống đứa con nít quỷ, khoái kẹo, khoái giỡn, nóng nảy muốn cái gì là phải được ngay. Nhưng khi đụng chuyện, lão lạnh lùng và cô hồn phát sợ, cứ như biến thành người khác vậy. Trên thế giới có mấy loại người đa nhân cách – tôi nghi lão cũng là dạng đó lắm à nha.
– Nhưng nếu mình giúp họ cái vụ này, chắc là được ngay thôi!
Lão hất hàm:
– Đám đó lại nhờ mày giúp cái gì, phải không? Sao đúng lúc quá vậy? Bộ tính tổ chức ca nhạc nữa hả?
– Không phải vụ đó, vụ này dễ ăn hơn nhiều!
Lão coi bộ nóng ruột, la:
– Thì mày nói tao nghe coi là chuyện gì!
Tôi liếm môi:
– Anh Ngọc nè, anh có tính thương người không?
Lão bực rồi đó nha. Cái mắt gườm gườm nhìn tôi, kêu:
– Tao trước giờ chỉ có khoái đánh người, chứ không có thương xót gì bố con thằng nào hết.
Tôi lùi ra xa lão một chút, nhùng nhằng tiếp:
– Vậy nếu là một con nhỏ hết sức tội nghiệp, anh có chịu giúp không?
Nghe cái chân lão lao đánh vèo một cái trúng người tôi, giọng lão la chói lói:
– Mày thích chọc tức tao phải không? Có chuyện gì thì nói nhanh lên, đừng để tao bực!
Rốt cuộc, vụ khó khăn của con nhỏ được giải quyết theo cách dễ dàng hơn tôi nghĩ rất nhiều. Lão nghe xong chuyện, đập giường một cái la:
– Đám giáo vụ vô dụng thật, có cái chuyện nhỏ xíu thế mà cũng không làm nổi. Mày lên nói với đám đó, mua được cho tao cuốn truyện đem về đây, con nhỏ chuyển phòng liền.
Tôi ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi phòng, lão còn hét vọng theo:
– Lộc Đỉnh Ký tập cuối nha thằng nhóc ác!
Tới tận giờ, trong lòng tôi vẫn còn nguyên một thắc mắc: lão Ngọc và tay giám đốc trại, ai oai hơn? Chẳng biết lão nói cái gì với đám bảo vệ, nhưng chỉ thấy đi chừng 5 phút quay vô phòng, ôm cuốn truyện lim dim như đang phê thuốc, kêu tôi:
– Lát đặt đồ ăn tối nhiều nhiều vô, bữa nay tao không ăn cơm trại. Ngồi rít nốt cuốn này đã, thằng cha này viết hấp dẫn không bỏ được!
Tôi tính hỏi chuyện con nhỏ kia thế nào, nhưng biết chắc tính lão không khi nào nói cái gì mà mình không làm được. Nhìn cái dáng ung dung của lão là biết mọi chuyện được giải quyết xong gọn ghẽ rồi.
Đám trại này cũng khôn như quỷ. Bữa nào cơm tối dở, y như rằng thực đơn đặt ngoài sẽ vô cùng phong phú. Tôi ngó nghiêng một hồi cái menu, cũng quyết định bỏ bo theo lão. Ăn làm gì ba cái thứ đồ trường thấy ớn! Tôi đặt ít gà quay, dĩa cơm chiên, mấy tấm bánh mì, một con cá, thêm mấy thứ linh tinh con nhỏ thích. Con nhỏ bán căng tin nhìn tôi, ánh mắt ngưỡng mộ không giấu diếm:
– Mâm anh Long ăn xài mạnh nhất trại này luôn đó!
Tôi cười khổ. Vô trại mà cũng tính đẳng cấp ăn chơi nữa sao!
Lão quỷ bỏ bo buổi tối nên coi bộ đói bụng dữ. Chưa tới giờ mang đồ ăn vào, lão đã lăng xăng kêu tôi xuống dưới ngồi hút thuốc chờ đồ. 2 anh em đang ngồi bàn luận tới sùi bọt mép về Vi Tiểu Bảo thì bên tai có một giọng nữ rất dễ nghe cất lên:
– Em cảm ơn hai anh nha!
Tôi và lão đều ngoái đầu lại. Con nhỏ Thư bữa nay coi bộ tươi tỉnh dữ. Nó đang ngó vô tôi và lão, trên cái khuôn mặt lạnh lùng đăm đăm hôm nay lại nở một nụ cười hiếm hoi:
– Bảo vệ họ đồng ý chuyển phòng rồi, em vô phòng của Mỹ Anh luôn.
Tôi cũng thấy mừng cho nhỏ. Phòng con nhỏ Mỹ Anh toàn tụi trẻ, tính tình cũng phóng khoáng và thân thiện hơn. Phòng đó lại được mệnh danh phòng nhà giàu – gồm toàn những dạng tiểu thư ăn xài bạt mạng vô nên chắc cũng đỡ nhiều chuyện như phòng đám beo già. Lão Ngọc cũng thủng thẳng:
– Vậy tốt rồi. Em khỏi cảm ơn anh, cảm ơn thằng kia được rồi. Là nó giúp em chứ đâu phải anh!
Bất ngờ à nha. Lão quỷ bữa nay tính nết đổi thay dữ dội, lâu lâu nói được một câu giống tiếng người ghê! Thấy ánh mắt con nhỏ quay ra tôi đầy cảm kích, tôi cũng đâm luống cuống. Lão Ngọc lại kêu nhỏ:
– Vậy tối nay ngồi đây ăn tối luôn với tụi anh, từ chối là không có nể mặt anh và thằng nhỏ này đó!
Con nhỏ dạ một tiếng, ngồi luôn xuống cạnh tôi. Thôi xong, con nhỏ Mỹ Anh mà ngó thấy cảnh này, dễ cái đùi tôi lại tím thêm vài vết lắm. Lão quỷ già lại làm bộ vuốt vuốt cái cằm, than:
– Sao bữa nay đồ ăn lâu lắc dữ!
Nhỏ Mỹ Anh cũng từ trên nhà lon ton chạy xuống, đầu tóc còn ướt rượt. Nhỏ thoáng ngỡ ngàng khi thấy nhỏ Thư ngồi kế bên tôi, nhưng cũng chạy lại làm bộ mừng rỡ:
– Chị Thư về phòng em, nằm ngay sát giường em đó!
Nhỏ Thư cũng cười re. Bữa nay coi bộ vui hay sao đó mà nhỏ cười hoài, chẳng bù cho mấy hôm trước mặt nhìn như cái tủ lạnh. Lão Ngọc gật gù:
– 2 chị em trong phòng dựa nhau mà sống. Nhỏ Thư không ngại thì qua mâm anh mà sống chung luôn, tụi anh chỉ có vài người, khỏi lo đụng chạm!
Con nhỏ Thư cúi mặt xuống một lúc, mãi mới nói được một câu khiến tôi và lão té ngửa:
– Em cũng định xin qua sống cùng với mọi người mà!
Mãi sau tôi mới biết, lí do nhỏ sống một mình hoài mấy hôm đầu vào trại là bởi … lỡ xé bỏ hết đống tiền trại. Bữa tối hôm đó, nhà nhỏ gởi tiền vô lại nên nhỏ mới dám vậy. Thiệt tình, con nhỏ suy nghĩ thẳng băng hệt như bọn Tây lợn vậy.
—————-