Những Mảnh Đời - Phần 3
Năm ấy tôi 16, tôi đã lớn bổng lên trông thấy chứ không còm nhom như trước, năm nay tôi vào lớp 10 phải học trên trường cấp 3 cách nhà tận 5 cây số, nhà tôi không có xe đạp nên hôm nào tôi cũng phải dậy từ tờ mờ sáng để đi học, khi con gà mới gáy canh 3. Chị Hoan còn dậy sớm hơn cả tôi, nhóm lửa hâm cái nồi cơm nguội cho nóng hoặc là rang cơm với tóp mỡ cho tôi ăn. Khi chị bắt đầu ra đồng thì tôi cũng ôm cặp sách ra khỏi nhà.
Hôm nào mà không đi nhờ được xe đạp của mấy thằng trong làng thì tôi phải đi bộ, từ nhà đến trường vừa đi vừa chạy cũng mất gần tiếng đồng hồ, nhưng chẳng sao, tôi vừa đi vừa hít hà cái mùi thơm của hương đồng gió nội hai bên đường, mùi hương của ban mai khi ánh mặt trời lấp ló nhô lên sau những rặng tre từ tít tận đằng xa.
Mùa đông năm nay đến sớm, chẳng hiểu sao tôi lại không thấy thích mùa đông nữa, có lẽ bởi mùa đông làm cho tôi phải dậy sớm hơn trong cái lạnh co ro, mùa đông năm nay đám bạn chẳng còn thấy chơi đốt lửa nướng khoai như mọi năm, hay đơn giản bởi một lý do vừa trẻ con mà vừa người lớn. Mùa đông lạnh, mỗi lần chị Hoan đi tắm lại kéo tấm liếp che kín cái cửa nhà tắm lại làm tôi chẳng nhìn thấy gì.
Tôi nhớ hôm ấy là một ngày mùa đông khi gió mùa đông bắc kéo về, tôi đi học về tới nhà thì đã gần trưa, đang rét tím môi tím lợi vì lúc sáng đi học chủ quan mặc mỗi một cái áo cánh. Về tôi không lên nhà ngay mà tạt vào gian bếp xem có miếng cơm nguội nào không ăn cho ấm bụng thì nghe trên nhà có tiếng người nói chuyện, hình như là tiếng anh Điền tôi với chị Hoan thì phải, tôi rón rén đi ra sau nhà áp tai nghe, đúng là anh Điền rồi, anh mới về.
– Sáng tôi nói chuyện với mẹ rồi, tôi sẽ đi… – Giọng anh Điền.
Sau đó tôi nghe giọng của chị Hoan.
– Sao anh không ở nhà với mẹ, có anh có em…
– Ối dào… – anh Điền ngắt lời – về cái làng này thì bao giờ ngóc đầu lên được, nghèo chúng nó khinh như chó… Mà lần này tôi đi xa đấy…
– Anh đi đâu?
– Tôi vào Nam… chẳng biết bao giờ về đâu…
– Anh định bỏ mẹ, bỏ em mà đi như vậy ư?
– Tôi đi làm ăn… cô hỏi nhiều làm cái gì… ý tôi đã quyết…
Chị Hoan vẫn im lặng, còn anh Điền ngập ngừng một lát rồi tiếp:
– … Còn cô… tôi giải phóng cho cô đấy, thích đi đâu thì đi…
Chị Hoan hình như bị sốc khi nghe những lời anh Điền nói, tôi cũng vậy, ý anh Điền hình như là muốn bỏ chị Hoan, tôi nghe chị Hoan thắc mắc:
– Anh nói sao? Em không hiểu…
– Sao cô ngu thế? Nói thế mà vẫn chưa hiểu…
Anh Điền tôi từ trước vẫn nổi tiếng ít học, cục cằn thô lỗ, nhà lại nghèo nên người làng hay khinh anh ấy, anh ấy tức lắm nên thề không bao giờ quay trở về cái làng này khi chưa giàu có…
Tôi nghe tiếng chị Hoan khóc, chị nói trong nức nở:
– Anh thật vô tâm… anh cưới em về bây giờ lại bảo em thích đi đâu thì đi, bao nhiêu ngày anh đi xa, anh có biết em khổ lắm không?
– Tôi không biết… cô thích nghĩ sao thì nghĩ… – Giọng anh Điền gắt gỏng.
Rồi cứ thế mặc cho chị Hoan khóc trong buồng, anh Điền bỏ đi ra ngoài, tôi lúc này mới chạy vào gặp anh ở giữa sân, vừa mới nói được câu “… Anh Điền…” tôi đã bị anh chặn họng:
– Mày trẻ con biết gì…
Anh vừa nói vừa đi thẳng ra ngoài cổng, dường như thấy còn quên điều gì nên anh giật giọng gọi tôi:
– Biển, mày ra đây tao bảo…
Tôi đi ra cổng thì anh túm tay tôi dúi vào đấy một nắm tiền rồi dặn:
– Mày cầm lấy ít tiền, mua lấy cái xe đạp mà đi học… Ở nhà chịu khó làm vào đừng có a dua chơi bời lêu lổng… nhớ chăm sóc mẹ khi nào ổn ổn tao sẽ viết thư về, nhớ chưa?
Xong là anh đi thẳng, mất hút luôn. Bỏ lại tôi đứng ngẩn người trước sân, trong nhà ở hai gian buồng là hai người đàn bà đang khóc thút thít. Tôi nghe mấy thằng trong làng kể nhìn thấy anh Điền trở một người phụ nữ trông có vẻ như là người thành phố, đèo nhau trên xe máy đi về phía phố Huyện…
Sau khi anh Điền về và đi nhanh như một cơn gió, mẹ tôi và chị Hoan chỉ buồn khóc một hai ngày sau đó rồi đâu lại vào đấy, chị Hoan vẫn ở nhà tôi như trước, mặc dù chị không nói ra nhưng tôi biết chị không bao giờ bỏ mẹ con tôi đi đâu.
Tiết trời giờ đã sắp sang xuân, một cái Tết nữa lại đến. Làng tôi năm nào ra giêng cũng mở hội rất vui, chị Hoan hát hay có tiếng trong làng ngoài xã, năm nay chị lại xin phép mẹ tôi để cho chị được vào đội văn nghệ. Ban ngày thì chị đi làm đồng, tối về cơm nước tắm rửa xong thì sẽ ra đình làng để tập hát chèo. Chị hát chèo hay lắm, giọng chèo của chị trong trẻo mà đầy cảm xúc, làm say mê biết bao người.
Trong đó có hai người mà tôi chắc chắn rất thích chị, một là anh Vui nhạc sĩ, tên thì vui vậy thôi chứ nghề chính của anh là thổi kèn đám ma, thỉnh thoảng hát ca ở đám cưới, các loại nhạc cụ anh chơi được tuốt nhưng thành thạo nhất có lẽ là kèn, đàn bầu, thỉnh thoảng cũng thấy anh đánh đàn organ. Như tôi đã nói, họa hoằn lắm anh mới hát ở đám cưới thôi, chứ bao nhiêu năm trong nghề anh tác nghiệp ở đám ma là chính, cứ ở đâu xuất hiện anh Vui là ở đó kiểu gì cũng có người mới nghoẻo, cả làng tôi sợ anh Vui phát khiếp.
Thế nên, năm nay sắp 30 rồi mà anh vẫn chưa có vợ, trong làng thì rõ là khó rồi, đến bơi qua sông sang làng bên kia người ta cũng tránh cơ, rõ khổ, tài hoa nhưng đường tình duyên lận đận.
Mấy lần tôi thấy anh Vui thập thò ngoài cổng, chỗ bụi tre sát với cổng nhà bà Liễn bà của em Vy hàng xóm nhà tôi, khi mấy con chó nó sủa um lên bà Liễn từ trong nhà lọ mọ bước ra nhìn thấy thấp thoáng bóng anh Vui là bà lại đuổi gà:
– Úi… sùi… sùi… iiii… tút… cút… cút ngay…
Bà Liễn già rồi mà mắt tinh gớm, xa thế mà vẫn nhìn thấy anh Vui thụt thò, bữa ấy mà ảnh không té nhanh kiểu gì bà Liễn cũng xua chó ra cắn, bà già rồi nhưng rất sợ chết.
Còn một người nữa mê chị tôi là thầy giáo Tỉnh, thầy Tỉnh là người làng bên nhưng dạy học ở làng tôi, thầy Tỉnh thì hiền, mọi người trong làng không sợ thầy như anh Vui nhưng nói thật thầy không được đẹp trai lắm, người thấp đậm lùn tịt mà mặt lại xấu nữa, tôi không biết tả như nào, chỉ biết là nhìn mặt thầy hơi đần đần, với tất cả sự tôn trọng cho thầy mọi người vẫn gọi thầy là Tỉnh “đụt”.
Lần ấy anh Vui đạp xe đạp xe đến ngõ nhà tôi lúc trời tối, gọi ý ới ngoài cổng:
– Hoan ơi… đi tập văn nghệ đê.
Chị Hoan trong nhà cứ gọi là giật thót cả người vì sợ, chị lẩm bẩm:
– Điên…
Tôi thấy thế mới bảo chị:
– Anh Vui rủ đi tập văn nghệ kìa chị có đi luôn không? Để anh ý đứng ngoài đấy chó sủa điếc tai.
– Em ra bảo lão ấy đi đi, chị tự khắc có chân đi được.
Tôi đi ra ngoài cổng thấy anh Vui đang ngó nghiêng ngoài đấy.
– Này nhóc, giữ chó cho anh cái, để sủa kinh quá.
– Chị Hoan em bảo anh đi trước đi, tí nữa chị khác có chân đi…
– Ơ hay, đến giờ tập rồi mà, không đi thì đến bao giờ?
– Thôi anh cứ đi đi, không con Ki nhà em nó lao ra nó cắn em không chịu trách nhiệm đâu, em vào đây.
Anh Vui vừa lọc cọc đạp xe đi vừa lẩm bẩm cái gì trong mồm tôi không nghe rõ vì chó sủa to quá, tôi vào nhà đúng lúc ấy chị Hoan vừa rửa bát ngoài sân giếng xong, chị bảo tôi:
– Tối nay Biển ra xem tập văn nghệ không?
– Ở ngoài đình hả chị?
– Ừ…
Tôi vốn cũng thích văn nghệ hát hò lắm, nhất là những làn điệu quê hương, đang suy nghĩ thì chị lại rủ.
– Đi đi, đèo chị ra đình luôn, đi 1 mình chị sợ ma lắm.