Những Mảnh Đời - Phần 20
Thời gian đầu, tôi biết chú Hùng hổ cũng nghi ngờ cả tôi, chú cũng đưa tôi vào tầm ngắm nhưng nói lý ra thì tôi mà hại chú Hòa tôi cũng chẳng được cái lợi lộc gì, mà chỉ tổ không có công ăn việc làm thôi, chứ trước sau gì tôi cũng chỉ là cái thằng đi làm thuê, chẳng qua được chú tin tưởng. Đợt này tôi để ý thấy dường như chú Hùng hổ bắt đầu chuyển hướng sang nghi ngờ cô Tuyết, tôi cũng lấy làm lạ, đời nào cô Tuyết lại đi hại chú Hòa nhỉ? Nhưng xâu chuỗi lại thì tôi thấy đúng là cô Tuyết cũng nhiều điểm làm cho người ta khả nghi, nhất là việc cô hay đi hầu đồng cùng với lão Khuyên mốc, một đối tác trong làm ăn của chú Hòa, chú Hùng hổ vẫn âm thầm điều tra mấy tháng nay…
Hôm ấy tôi nhận được thư của Vy, cũng đã khá lâu rồi tôi chưa về nhà vì cứ lu bu việc của chú Hòa rồi lại việc ở lò gạch, cứ bận bịu suốt. Chắc là em nhớ tôi lắm, trong thư hôm trước tôi viết khi gửi tiền về cho em tôi cũng kể sơ qua cho em chuyện xảy ra với chú Hòa, đợi mấy hôm mọi việc ổn ổn rồi tôi sẽ về.
Thư gửi cho tôi em có nói anh ơi dạo này bà em ốm lắm, thỉnh thoảng lại phải đưa lên bệnh viện huyện điều trị, ngay lúc mà em đang ngồi viết thư cho tôi là lúc em đang ở trong bệnh viện chăm bà đã được 1 tuần rồi. Em nói em định không muốn cho tôi biết sợ tôi lo lắng nhưng em bây giờ chẳng còn ai để mà nương tựa nữa, những lúc khó khăn như thế này em chỉ biết tâm sự cùng tôi thôi.
Đọc thư em tôi biết là em khổ sở vất vả lắm, nhà lại chẳng có tiền. Tôi chạy ngay qua chỗ chú Hòa bảo với chú là mẹ cháu bị ốm phải vào viện, chú cho cháu xin nghỉ một hai ngày về xem mẹ thế nào, tiện thể tôi xin chú cho tôi ứng trước 1 tháng lương. Nói với chú lúc sáng thì trưa chú Hùng hổ gọi tôi ra bảo:
– Biển, ra chú bảo.
– Dạ…
– Đây, cầm lấy về xem mẹ ốm đau thế nào đi.
Chú đưa cho tôi một cục tiền tôi đếm thì bằng 4 tháng lương của tôi lận.
– Sao chú đưa cháu nhiều thế này, cháu tạm ứng một tháng lương thôi mà.
– Thì cứ cầm lấy, chê tiền à?
– … Không, nhưng… – Tôi ấp úng.
– Nhưng nhị gì, cứ cầm lấy đi, ông Hòa ông ý bảo cứ yên tâm về lo cho mẹ đi xong xuôi rồi lên.
– Dạ…
– À này, lấy con xe Minsk của chú mà đi cho nhanh, chìa khóa đây.
– Thôi… cháu bắt xe khách cũng được.
– Mày lắm chuyện… đi xe máy cho nhanh lại còn thích đi xe khách để mai mới về đến nhà à, mẹ thì đang ốm, lằng nhằng quá… về đê…
Tôi biết ơn chú Hòa và chú Hùng hổ lắm, nhưng tôi lại thấy áy náy trong lòng vì đã nỡ nói dối hai chú. Có xe máy ngay trưa hôm ấy tôi phóng một mạch về thẳng bệnh viện huyện trước chứ không về nhà, tôi vào trong viện gửi xe rồi đi tìm xem bà của Vy đang nằm ở đâu, vừa tìm vừa hỏi người ta một lúc lâu tôi mới tìm được đến phòng nơi bà nằm. Kia rồi, nhìn thấy dáng em là tôi nhận ra ngay, vẫn cái dáng người con gái thân thương ấy nhưng mà bây giờ nhìn em gầy hơn trước rất nhiều, nỗi nhớ đong đầy và tình thương tôi dành cho em dâng trào trong lòng.
– Vy…
Tôi gọi khẽ, em ngẩng mặt lên nhìn thấy tôi đứng ngoài cửa thế rồi cứ thế em lao ra ôm lấy tôi mà khóc, tôi đưa em ra ngoài hành lang đứng ôm em trong vòng tay để che chở cho em, cứ để cho em khóc đi xua tan những tủi hờn trong lòng cô bé mồ côi mới 18 tuổi. Em còn nhỏ dại mà đã vất vả lo toan biết bao điều.
– Anh ơi… em khổ lắm…
– Thôi… anh biết mà, có anh ở đây rồi, em cứ yên tâm chăm sóc bà, không phải lo nghĩ gì cả, cứ chăm bà thật tốt, mua những loại thuốc tốt bà uống cho nhanh khỏi bệnh, anh sẽ đi làm, anh sẽ lo cho em…
Em càng ôm tôi thật chặt, những giọt nước mắt em nóng bỏng chảy xuống hòa lẫn với những giọt mồ hôi của tôi ướt đẫm vai.
Tôi vào thăm bà rồi ở đấy với em đến chiều tối, lúc về tôi đưa cho em hết số tiền đấy nhưng ban đầu em không nhận, em bảo em chỉ nhận một nửa thôi còn lại một nửa anh mang về đưa cho mẹ, nhưng tôi nói dối em là anh đã có mang về đưa mẹ rồi, em cứ cầm lấy, đến khi ấy em mới nhận. Bệnh tình của bà em tôi biết chứ, mấy tháng lương ấy của tôi thì có ăn thua gì, đó là một căn bệnh không dành cho người nghèo.
Tôi về nhà với mẹ, nhìn mẹ tôi lam lũ gầy mòn mà vẫn cặm cụi nấu bữa cơm ngon cho con mà tôi ứa nước mắt, tôi về chẳng mang về cho mẹ được thứ gì cả.
– Ăn đi con, đợt này học hành vất vả lắm không?
– Cũng bình thường mẹ ạ.
Tôi nói dối mẹ, thời gian này tôi không có chú tâm việc học hành, bỏ bê nhiều, tôi dành nhiều thời gian cho việc lao động ở lò gạch là chính.
– Hôm nay con về thăm mẹ một lát thôi, tiện thể qua thăm bà Vy ở bệnh viện.
– Ừ, con bố trí qua thăm bà rồi an ủi con bé, rõ khổ… Thế có cần tiền không, mẹ có dành được một chút, con cầm đi xuống xem ăn uống thêm vào dạo này thấy con gầy và đen lắm.
– Thôi không cần đâu mẹ, con đi làm thêm có lương mà, mẹ cứ giữ lấy.
– Hôm nọ bà con Vy đi cấp cứu mẹ đưa hết cho nó rồi, khổ lắm hai bà cháu làm gì có tiền đâu…
Tôi về lại lò gạch và lao đầu vào làm đủ mọi thứ công việc, bình thường trước đây tôi làm 1, 2 thì bây giờ tôi phải làm gấp 4, 5 lần trước, tôi làm quần quật ngày đêm chỉ mong kiếm được nhiều tiền nhất, đến mức chú Hòa còn bảo:
– Thằng Biển dạo này mày bỏ học rồi à mà tao thấy mày đăng ký làm từ sáng đến tối thế?
– Cháu có bỏ đâu, người ta đuổi học ấy chứ, mà cháu cũng chẳng cần học nữa.
Lại được lão Hùng thêm vào:
– Bỏ là phải, học làm cái đéo gì chung quy lại cũng chỉ là đi kiếm tiền.
Tôi không nói gì, sự thật thì tôi đã bị nhà trường cho thôi học vì bỏ học nhiều quá, nhưng tôi cũng đã xác định rồi, tôi sẽ gắn bó với lò gạch này, nơi mà tôi được mọi người yêu quý, nơi mà tôi lao động chân chính để kiếm ra đồng tiền bằng chính mồ hôi công sức của mình. Mục đích của tôi bây giờ chỉ là làm kiếm tiền để gửi về cho em và thỉnh thoảng gửi về cho mẹ.
Thời gian đó ngày tôi đi làm từ sáng sớm, đến tận tối mịt mới về ăn cơm tắm rửa xong thì mệt quá lại lăn ra ngủ để sáng mai dậy sớm đi làm tiếp, thỉnh thoảng tôi nhận được thư của em, trong thư em nói bà dạo này vẫn đang nằm viện, tình hình có vẻ khá hơn và em đang làm thủ tục để bà có thể điều trị theo dạng có bảo hiểm cho đỡ tốn kém. Mấy tháng đầu, tháng nào em cũng gửi cho tôi 2 lá thư, sau đó thì một tháng 1 lá, em bảo tôi là anh không phải gửi tiền về nữa, bà mới được chữa bệnh có bảo hiểm, sức khỏe tốt hơn rồi. Nhận được tin ấy tôi mừng lắm, mừng cho bà và mừng cho em đỡ vất vả…
Một hôm, tôi nhận được điện thoại có người dưới quê gọi vào số máy cố định nhà chú Hòa, đấy là một anh làm ở ngoài xã.
– Alo, Biển phải không?
– Vâng, em Biển đây ai đấy?
– Anh Diễn làm ở xã mình đây mà.
– Vâng.
– Mẹ em nhờ anh ra gọi điện báo cho em… mẹ em ốm lắm em về gấp…