Như Một Giấc Mơ 2 - Chương 9
Buổi sáng hôm sau hai đứa chia tay. Trời vẫn còn tối nhưng đã bốn giờ sáng. Thành phố đã thức dậy từ lâu. Nguyên đã gọn ghẽ chuẩn bị xong. Khi chàng kéo Thùy vào lòng thì nàng biết giờ phút chia tay sắp tới.
Đột nhiên một nỗi trống vắng gớm ghê xuât hiện trong nàng. Làm như ở trong nàng hiện hữu một nỗi trống vắng mà nàng có thể nhận ra được một cách rõ ràng qua trái tim nghèn nghẹn trong lồng ngực. Nàng vòng tay ôm Nguyên.
Nguyên cao hơn nàng một cái đầu nên khi ôm chàng, nàng thường hay dụi đầu vào ngực Nguyên.
Thùy dụi mặt vào mùi đàn ông thân thương thì những nghẹn ngào chợt bật ra thành tiếng thổn thức. Nàng thấy Nguyên ôm ghì nàng chặt hơn vào lòng. Giọng chàng cũng trầm đục:
– Đừng khóc em… nhớ lên chùa cầu Trời Phật giùm anh…
Giọng Nguyên cũng đứt quãng… Thùy biết chàng cũng đang gắng gượng cứng lòng trong giờ phút chia tay không biêt có còn gặp lại. Nàng hít sâu một lần nữa mùi đàn ông trên ngực Nguyên rồi đẩy chàng ra:
– Anh đi kẻo trễ chuyến xe… Em đưa anh ra bến xe…
Nàng biết Nguyên vốn nặng tình cảm và hay lo lắng bảo bọc cho nàng. Rời nàng trong tình trạng đơn độc đối diện với những hiểm nguy là điều chàng không muốn, nhưng tình thế không cho phép chàng và nàng tính toán khác hơn.
Thùy muốn cứng cỏi đối diện với những lựa chọn của cả hai và như vậy thì người đàn ông sẽ yên tâm hơn trong vị trí của mình. Giọng Thùy vững vàng:
– Em sẽ gặp lại anh… trong hai tuần nữa, phải không anh?
Nguyên nhận ra ánh mắt quả quyết của người yêu, chàng ôm nàng hôn lên trán rồi đáp nhẹ môi lên đôi mắt thông minh đó:
– Hôn anh đi… ừ, mình sẽ gặp lại…
Nụ hôn của nàng và Nguyên sáng hôm đó thật dịu dàng và đắm thắm…
Hai tuần sau thì ông Tám xuất hiện…
Ổng dặn dò rất lâu cho Thùy nghe con đường tiến thoái…
Nếu trong quãng đời của nàng có những biến cố, những mẫu thời gian không gian không thể nào tẩy xoá được trong trí nhớ thì bảy ngày đêm trong chuyến vượt biển của nàng.
Thằng Sơn – con trai nàng, và Nguyên trên con tàu nhỏ cùng với khoảng bốn hay năm mươi người khác là một trong những biến cố khắc sâu nhất trong tâm khảm nàng.
Có nhiều đêm mãi về sau này trong những năm khi đã ở Mỹ, Thùy vẫn còn nằm mơ thấy mình vượt biển… bị rượt đuổi… bị bắt bớ… nàng vẫn thấy mình lênh đênh trên biển trong mơ… Biển trở thành những nỗi ám ảnh không rời trong trí nhớ của những người thuyền nhân như nàng, như Nguyên.
Nàng còn nhớ như in sáng hôm đó, ngày D – ngày xuất phát.
“D Day”, Nguyên vẫn đùa nói với nàng như vậy…
“Mọi thứ đều đã được lo liệu”, Thùy nhớ ông Tám dặn dò nàng như vậy, nàng đi tay không với cái túi nhỏ chứa vài vật dụng cho thằng Sơn. Mẹ nàng cho nàng gói sâm nhỏ và cuốn kinh Phật nhỏ, bà dặn phòng khi cần.
Thật ra đây không phải lần đầu nàng vượt biên. Hai lần trước đó Thùy đã mất sạch tiền bạc trong hai chuyến cho toan tính vượt biên.
Cả hai chuyến nàng đều bị gạt và bỏ rơi. Chuyến đầu nàng bị bỏ lại trên cái bến xe đò ở Bến Tre, cũng may còn kịp chuyến xe để trở lại Sài Gòn cùng ngày.
Chuyến thứ hai thì người tổ chức chỉ cho một nhóm người lang thang một vòng trong đêm tối trên sông Sài Gòn rồi đến gần sáng đổ cả nhóm trở lại bờ ở một bến sông rồi nói rằng “cá lớn” bị bể và bị bắt.
Tay tổ chức trốn biệt sau đó thành ra mọi người mới biết đây là một vụ lừa gạt có tính toán.
Sài Gòn lúc đó dẫy đầy những vụ gạt tiền, gạt của dính líu đến “dịch vụ” tổ chức đưa người vượt biền.
Nhưng trong chuyến đi này, Thùy có linh cảm đây là chuyến đi cùa sống và chết. Bởi vì có Nguyên trong đó.
Và ông Tám là người nàng hoàn toàn tin cậy. Bằng cái trực giác của đàn bà, nàng nhận ra ông già là người chỉ có nói một, không nói hai, như đinh đóng cột.
Ông Tám dặn nàng đi xe đò xuống Long An. Ổng lúc nào cũng đi kề theo và nàng cứ làm như không hề quen biết ổng. Từ Sài Gòn xuống Long An, không có ai để ý. Nàng và Sơn chuyển sang một chuyến xe lam đi xuống môt xã nhỏ.
Ở đó có một cái chợ ở bến sông. Nàng, Sơn và một thanh niên xuống ghe nhỏ của ông Tám không một chút trở ngại. Cái chợ khá đông đúc nên không ai đề ý đến nàng.
Khởi đi từ lúc đó, ông Tám cho cái ghe có gắn máy đuôi tôm của ông ra giữa sông, rồi thả chạy men bờ. Ba người khách từ Sài Gòn ngồi khuất vào trong cái mui nhỏ. Thùy nhìn ra ngoài khung cửa nhỏ… sông nước lặng lờ trôi trong lúc chiều xuống dần…
Giờ D sẽ vào khoảng 10 giờ tối. Thùy nhìn đồng hồ tay, mới 6 giờ chiều… Còn bốn tiếng nữa. Cái kim giây đồng hồ di chuyển chậm chạp. Thằng Sơn kêu đói bụng… Nó nói nó muốn về bà ngoại, không muốn đi chơi… Thằng nhỏ mếu máo…
Lòng dạ Thùy rối bởi… trong lúc này nàng chỉ mong có Nguyên bên cạnh
Thời may ông Tám gọi ba người ăn cơm chiều. Cơm nóng ăn với cá kho mặn kèm theo dĩa dưa hấu ngọt làm cả ba ăn uống ngon lành. Ăn cơm xong, ông già chạy ghe vào một cách lạch khuất bóng dọc theo bờ sông.
Ông già có vẻ rất rành rẽ khúc sông này. Ổng Tám dặn cả ba nghỉ ngơi để chuẩn bị ra gặp cá lớn. Ông già rất ít nói, ổng chỉ nói vậy rồi ra ngoài phía trước ghe ngồi hút thuốc rê.
Trời tối nhanh. Thằng Sơn lừ đừ ngủ có lẽ nhờ viên thuốc ngủ mà Thùy cho nó uống lúc ăn cơm xong. Gã thanh niên, khoảng chừng 18, cũng ngồi yên lặng nhìn ra sông.
Thùy gạ chuyện mới biết hắn tên Trọng, cũng dân Sài Gòn. Hắn ít nói, gương mặt có vẻ căng thẳng. Dòng sông xung quanh bây giờ bỗng trở nên đen ngòm, xa xa vài bóng đèn của mấy chiếc ghe câu vàng vọt le lói trong bóng đêm đen.
Cái đồng hồ nhỏ đeo tay của Thùy chỉ 8 giờ. Thùy cũng ngủ gà ngủ gật theo thằng Sơn. Cả ngày trong căng thẳng làm nàng mệt nhọc thấy rõ…
Không biết bao lâu lúc Thùy tỉnh dậy thì hình như cái ghe ông Tám neo khuất trong một góc bắt đầu chuyển nhẹ. Ông già không chạy máy đuôi tôm, ổng chèo bằng hai cái dầm ở phía sau ghe. Cái ghe nhỏ từ tử lướt ra khỏi chỗ nấp, lẳng lặng như một bóng ma.
Thùy thấy cái kim đông hồ dạ quang trên cổ tay, đã chín giờ rưỡi tối.
Ông Tám kêu Trọng và Thùy dặn cả hai phụ ổng quan sát cái ám hiệu của “cá lớn”. Cái ám hiệu bằng đèn pin “tắt mờ, tắt mở, tắt mở” – ba lần.
Ông già dùng đèn pin làm thử cái ám hiệu cho cả hai nhận ra. Nếu nhận ra ám hiệu, ông Tám cũng sẽ đáp trả ám hiệu bằng đèn rồi sẽ tiến ra gặp “cá lớn”. Chuyển người lên tàu xong, ông sẽ hoàn tất nhiệm vụ và trở về.
Thùy căng mắt nhìn ra dòng sông và màn đêm đen nghịt trước mặt. Nàng thấy căng thẳng trong trí não… nhưng khi nghĩ lát nữa nàng sẽ gặp lại Nguyên trên tàu lớn, nàng cảm thấy an tâm hơn.
9 giờ 45… 10 giờ… là giờ hẹn…
Không ai thấy gì ngoài màn đêm đen kịt…
… 10 giờ 15… 10 giờ 30…
Ông Tám có vẻ nao núng… Đã quá nữa tiếng… ông già lầu bầu
– Không biết có chuyện gì không…
… 10 giờ 45… 11 giờ… 11 giờ 30…
Ông Tám thất vọng thấy rõ. Ông nói nhỏ với Thùy:
– Tui nghi là có “chiện”… thử đợi một lát nữa… nếu không có cá lớn… tui đưa cô trở lại bến chợ… cô tìm dường xe lam “dzìa” Long An, rồi Sài Gòn như đã tính trước…
Trái tim Thùy chợt như thắt lại… Một nỗi sợ hãi và thất vọng vô cớ chụp lên nàng làm nàng như tê liệt chân tay… Trong trí não nàng lúc đó hình như là tiếng gọi người yêu:
– Nguyên ơi, bây giờ anh ở đâu?
Gió thổi lạnh trong đêm như làm cho Thùy thêm rối loạn. Nàng vẫn ngồi đó trong cái mui ghe nhỏ nhìn đăm đăm vào dòng sông trước mắt.
Làm như hy vọng đang trở thành màu đen như đêm tối ngoài kia. Mệt mỏi vô cớ chợt như chụp trên người nàng, Thùy nhắm mắt cố gắng dỗ giấc ngủ… không biết được bao lâu thì nàng giựt mình choàng tỉnh vì tiếng gọi của Trọng:
– Chị Thùy… thức dậy.. Nhanh… chị xem có phải ám hiệu không?
Thùy chồm người nhìn theo tay chỉ của Trọng.
Ở trong bóng tối đen kịt, có ánh đèn tắt mở. Một lần, hai lần, ba lần… rồi lại lập lại… Nhịp tim Thùy đập nhanh trong căng thẳng, nàng lay gọi ông Tám đang nằm ngủ:
– Bác Tám… dậy… Có ám hiệu kìa…
Ông Tám bật dậy như cái lò xo, ổng nhìn cái ám hiệu đèn rồi vơ vội cái đèn pin. Ông già chớp trả ba lần thì bên kia cũng chớp trả lại ba lần.
Ông Tám vơ cái mái chèo. Ông già chèo nhanh. Cái ghe nhỏ lướt như bay trên dòng sông yên tĩnh, hướng về cái ánh đèn chớp tắt. Chẳng bao lâu thì bóng dáng con “cá lớn” lộ rõ trong bóng đêm.
Ông Tám cặp ghe nhỏ của ông bên mạn cái thuyền vượt biển. Có tiếng người hỏi vọng xuống:
– Mấy người?
Ông Tám trả lời:
– Ba.
Cũng tiếng nói đó:
– Cho lên nhanh đi.
Thùy kéo xốc thằng Sơn, thằng nhỏ bị động đậy mếu máo cất tiếng khóc. Trong đêm vắng, tiếng con nít khóc nghe rõ mồn một. Thùy nghe có tiếng quát nhỏ:
– Bịt miệng thằng nhỏ lại… bộ muốn bị bắt hả?
Thùy đang lúng túng thì chợt có ánh đèn pin loang loáng chiếu xuống cái ghe ông Tám. Có cánh tay ai đưa ra nắm tay nàng rồi nàng nghe cái giọng đàn ông quen thuộc:
– Đưa thằng Sơn cho anh…
Thốt nhiên Thùy nghe như có ai nhấc hẳn khỏi nàng cả một tảng đá nảy giờ đang đè nặng trên lồng ngực. Nàng gọi:
– Anh Nguyên…?
Thì có tiếng trả lời:
– Anh đây… em yên tâm… Em lên đi… anh bồng thằng Sơn theo sau.
Thùy chợt như muốn khóc trong nỗi mừng rỡ không tưởng khi gặp Nguyên ở trong giây phút hoàn toàn nàng thấy lạc lõng và bơ vơ này, nhưng nàng đã bị đẩy vội lên con thuyên lớn. Nguyên theo sát bên nàng. Rồi cái khoang mở ra. Nguyên nói:
– Em xuống nằm dưới khoang. Đừng để thằng Sơn khóc… mình phải đi qua trạm gác. Anh ở trên này… Đừng lo.
Thùy bước đại xuống dưới cái khoang thuyền tối mịt. Có tiếng người càu nhàu:
– Ê coi chừng… đừng đạp trúng tui…
Thùy nhỏ tiếng:
– Xin lỗi..”
Có tiếng trả lời:
– Xuống lẹ đi bà…
Thì trên đầu Thùy cái nắp khoang bị kéo lại. Cả cái khoang tối đen mịt mờ. Thùy cố gắng lấy lại bình tĩnh và nhịp thở… mắt nàng chớp mở làm quen với bóng đêm… nhưng vẫn không thấy gì xung quanh…
Hình như hy vọng vẫn còn là màu đen…
Con tàu lướt êm trên sông. Được một lúc lâu thì thằng Sơn bắt đầu cựa quậy. Thằng bé vốn được Thùy nuông chìu bây giờ đột nhiên ở trong một chỗ tối tăm lúc đầo có vẻ nó sợ, nên không nhúc nhích, bây giờ nó bắt đầu mếu máo kêu mẹ:
– Mẹ… con muốn về bà ngoại.
Thùy dỗ dành:
– Ngoan nào. Con chở một chút mẹ đưa con về.
Thằng Sơn vừa cất tiếng khóc thì trên nắp khoang có tiếng quát nhỏ:
– Bịt miệng thằng nhỏ lại, sắp tới trạm gác rồi…
Thùy lúng túng giơ tay lên bịt miệng thằng Sơn thì chỉ làm nó khó chịu và vùng vẫy la khóc. Thùy càng thêm lúng túng. Nàng nhỏ giọng năn nỉ thằng con:
“Sơn. Nín con… nín… mẹ thương.
Thằng Sơn vừa há miệng khóc thì trong bóng tối Thùy thấy lờ mờ một bóng đen chồm tới giựt thằng Sơn ra khỏi tay nàng, một giọng đàn bà quả quyết gằn nhỏ bên tai nàng:
– Đưa nó cho tui… không thì cả đám bị bắt hết…
Và sau đó là nàng không còn nghe được thằng Sơn la khóc gì nữa. Nó đã bị bóp miệng. Cả khoang tàu im thin thít không một tiếng động.
Con tàu đi một khoảng rồi dừng lại. Thùy nghĩ chắc là tới trạm kiểm soát. Đầu óc nàng bấn loạn trong nổi lo sợ không tên. Thùy nhắm mắt nàng nghe tiếng cầu kinh lầm bầm nho nhỏ của người đàn bà ngời kế bên. Tự nhiên Thùy cũng lầm bầm theo:
“Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm…”
Và thấy bình tĩnh trở lại…
Được một lúc sau, con tàu khởi động và di chuyển. Cho đến khi có tiêng người trên khoang nói vọng xuống:
– Bà con yên tâm… qua được trạm gác rồi…
Thì Thùy mới thấy nhẹ nhỏm trở lại, nàng nghe giọng người đàn bà quen thuộc:
– Trả con cho chị. Bây giờ nó muốn khóc thì cứ khóc…
Vậy mà lúc đó thằng Sơn im bặt không khóc không la nữa, có lẽ nó sợ quá… Con tàu lặng lẽ lướt nhanh trong đêm…
Thùy ôm con vỗ về. Hai mẹ con ngủ thiếp đi lúc nào không hay trong tiếng rì rì đều đều của tiếng máy tàu đang xả hết tốc lực ra phía cửa sông.
Lúc Thùy giựt mình thức dậy thì trời đã tờ mờ sáng. Nàng vẫn nghe tiếng máy tàu chạy nhanh… nhìn đông hồ thì lúc đó đã năm giờ sáng… Khaỏng nữa tiếng sau thì cái nắp khoang tàu được mở ra… ánh sáng ập xuống đầy cái khoang tàu chật chội tối tăm..
Thùy nhìn quanh… đàn bà đàn ông con nít nằm ngồi la liệt ngang dọc… mặt mũi bơ phờ căng thẳng. Không khí trong lành lùa vào làm mọi người tỉnh táo hơn. Thùy nhìn người đàn bà ngồi kế nàng nảy giờ, nàng nói nhỏ:
– Cảm ơn chị đã giúp.
Người đàn bà cười nhỏ:
– Hông biết bây giờ sao con chị nó không khóc nữa?
Thùy cũng cười theo… có tiếng động ở phía trên, hai cái nắp khoang được mở ra thêm… Thùy nhỏm người đứng dậy… chung quanh nàng toàn là nước màu xám xanh đục…
Xa xa ở phía sau đuôi tàu là một dảy dài màu lam… ở phía trước mặt là biển cả mênh mông mà mũi tàu đang hướng tới… Nàng nhận ra là minh đang trên đường ra biển.
Quê hương là dải đất màu lam đang bỏ lại phía sau lưng…
Tự nhiên có cái gì nghèn nghẹn trong ngực Thùy. Hình như nước mắt đang làm nhòe nhoẹt cảnh vật chung quanh nàng…
Cuối cùng thì con tàu bỏ lại sau lưng nơi chốn mà Thùy lớn lên và gắn bó bấy lâu.
Nhưng khi không còn đối diện với cái nỗi lo sợ của việc vượt thoát khỏi đất liền thì Thùy mới thấy một nỗi lo sợ khác đổ ập xuống. Đó là lúc nàng đứng thẳng lưng nhìn rộng ra chung quanh.
Biển. Biển. Biển và biển. Bồn phương tám hướng đều là làn nước xanh rợn người chạy dài mút mắt. Và con tàu với hơn năm mươi người trên đó chỉ như là một cọng rơm nhỏ trôi nổi trên mặt đại dương mênh mông.
Một cảm giác choáng ngợp kinh khủng trước cái vĩ đại của trời đất làm Thùy choáng váng. Nàng lảo đảo ngồi sụp xuống thì nàng nghe tiếng Nguyên kề bên:
– Em có sao không… bị say sóng hả?
Tiếng đàn ông của Nguyên như một cái phao cấp cứu cho nàng bám víu để tránh nỗi sợ hãi vô cớ trong nàng. Nàng nắm tay Nguyên như muốn níu chặt một chỗ nương tựa vững chắc. Nguyên dìu nàng ngồi xuống.
Chàng cho nàng biết những toan tính của ông Ngoại chàng: Giai đoạn đào thoát khỏi đất liền coi như thành công. Tàu đang trực chỉ hải phận quốc tế. Hy vọng là sẽ tìm thấy tàu cứu vớt thuyền nhân.
Hai ngày trôi qua…
Hai ngày của thất bại trong việc chạy đuổi theo những bóng dáng của các con tàu sắt.
Thêm ngày thứ ba…
Hễ chạy lại gần những con tàu sắt lớn và kêu cứu thì chỉ thoắt một chốc lát các con tàu này đều chạy xa rồi biến mất…
Đến ngày thứ tư thì tinh thần những người trên cái tàu nhỏ xíu có vẻ xa sút trầm trọng. Nước uống và thực phẩm bắt đầu bị hạn chế…
Ngày thứ năm thì trẻ con trên tàu bắt đầu say sóng, thấm mệt, ói mửa, khóc la. Người lớn thì cau có trong lo âu và căng thẳng. Nước uống gần cạn. Số lượng xăng dầu giảm sút trầm trọng… Nguyên gặp Thùy và nói cho nàng biết tình hình trong ánh mắt lo âu.
Thằng Sơn nằm lả người kế bên Thùy. Nó không ăn uống gì được, cứ ói mửa liên miên, người nó sọp xuống như da bọc xương…
Chính ở trong tận cùng tuyệt vọng Thùy mới nhìn thấy được cái quý giá của sự sống. Cũng như khi ở Sài Gòn sau 1975 mới hiểu được thế nào là cái quý giá của sự tự do.
Thùy và trăm ngàn người khác chỉ nghĩ đến việc vượt biên như một lối thoát, trong hy vọng là sẽ tím thấy một khung trời khác tôt đẹp hơn.
Nhưng Thùy không bao giờ nghĩ tới những kinh khủng của đối diện với hiểm nguy mà ranh giới giữa cái sống và sụ chết chỉ như là một sợi chỉ mong manh.
Ở lúc đó, hình như tự do không còn là cái gì quan trọng khi mạng sống của những người thuyền nhân trôi nổi trên mặt đại dương mênh mông đang nằm trong những con sóng lớn của một ngày biển cả nổi sóng.
Đêm xuống trong hãi hùng và tuyệt vọng của những con sóng lượn cao vùi sâu ghê gớm đẩy xô con tàu lắc lư nghiêng ngả…
Trong bóng đêm, Thùy quỳ xuống lâm râm cầu khẩn Phật trời. Lần đầu tiên trong đời nàng quỳ gối, chắp tay, thành tâm khấn nguyện như một Phật tử thuần thành.
“Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát…”
Đến sáng hôm sau, con tàu vẫn còn trôi nổi trên mặt biển yên tĩnh như một phép lạ. Mà Thùy nghĩ chắc chắn có bàn tay Phật Trời che chở.
Chứ cái con tàu như cái cọng rơm này không thể nào có thể tồn tại trong vùi dập của những con sóng khổng lồ tối hồm qua. Chung quanh con nít người lớn nằm ngồi la liệt, rũ rượi, mệt nhọc.
Đến trưa thì nhóm điều khiển con tàu quyết định thả neo ngưng chạy, và đốt lửa cầu cứu. Cái vỏ xe được tẩm xăng đốt cháy. Khói đen bốc cao, tấm vải có chữ S.O.S được giăng cao. Con tàu thả neo bập bềnh cầu may được cứu vớt…
Một ngày trôi qua… Đêm xuống trong tuyệt vọng…
Khoảng gần trưa, sáng hôm sau thì Thùy nghe có tiếng người kêu:
– Có tàu… có tàu sắt…
Nhìn về hướng trời xa, nàng thấy quả tình có bóng một chiếc tàu lớn đang di chuyển, càng lúc càng rõ dần. Sau một hồi bàn họp, các thanh niên trên tàu biết bơi lội đều được yêu cầu nhảy xuống biển để kêu cứu…
Thùy thấy Nguyên ôm phao nhảy tòm xuống biển cùng với nhiều người khác… Họ vừa bơi vừa vẫy tay la hét… khói đen vẫn toả đầy trên bầu trời xanh…
Con tàu sắt vẫn lừng lững tiến tới, càng lúc càng rõ… Mọi người trên tàu thấy hy vọng lại càng la hét, vẫy gọi vang trời…
Cuối cùng con tàu sắt đến gần chỗ cái ghe nhỏ và dừng lại. Con tàu sắt khổng lồ là một con tàu vận tải của Trung Cộng, Thùy nhận ra qua lá cờ đỏ có 5 ngôi sao vàng ở góc trái.
Vậy mà họ chịu cứu giúp tận tình những người thuyền nhân khốn khổ bằng cách tiếp tế đầy đủ xăng dầu, thực phẩm, nước uống và nhất là chỉ dẫn tường tận hải trình phải đi để đến được Mã Lai.
Những ngày sau đó là những ngày yên ổn trên mặt biển phẳng lặng. Hai ngày sau thì Thùy đến được Mã Lai sau khi bị xua đuổi tới lui và cuối cùng thì ông ngoại Nguyên quyết định đục chìm tàu rồi đổ bộ lên bờ.
Một tuần sau thì nàng, Nguyên và thằng Sơn đến trại tỵ nạn Bidong.
Thùy ngồi ở đó mà hồn đang ở đâu nàng cũng không hay. Cái quyết định xa Nguyên như một tảng đá nặng đè nặng trên ngực nàng bây giờ.
Căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng của Đạt hình như vẫn còn là nơi mới mẻ đối với nàng… Có tiếng cười trầm ấm rất quen thuộc của Đạt xen lẫn trong tiếng nói chuyện vui vẻ của thằng Sơn ở dưới nhà bếp.
Thùy thở dài… Nàng đã không còn cơ hội lựa chọn. Con đường nàng đi bây giờ là một thứ định mệnh đã an bài, giống như Nguyên vẫn thường hay bảo nàng như vậy khi nàng thường hay lẩn thẩn hỏi Nguyên – tại sao Nguyên yêu nàng.
Thùy nhìn ra ngoài… bãi cỏ xanh trước nhà, hai bố con Đạt đang chạy đuổi nhau hồn nhiên… Fairfax, Virginia… Los Angeles, California… Hai thành phố… Hai tiểu bang một ở phía Đông, một ở hướng Tây nước Mỹ, ngàn dặm cách xa… Thùy lẩm bẩm trong miệng:
– Em xin lỗi anh, anh Nguyên…
Hình như nước mắt nàng đang ứa ra, mằn mặn trên môi miệng…
Định mệnh đã an bài cho Thùy nhận lời cùng đi với một người bạn cũ đến dự một buổi tiệc của Hội Không Quân miền Đông California.
Hồm đó Nguyên đi công tác xa mấy ngày. Khi Thu, một người bạn thân cùng sở với nàng, tới nhà thì Thùy đang uể oải đọc sách trên giường như một con mèo lười. Thu ào ào tới hối thúc nàng:
– Hey, ông xã “cù lần” của bà đi vắng nhà, tui phải kéo bà đi hoang đêm nay…
Thùy cười nhỏ:
– Nói bậy. Nguyên nghe được ảnh… đá văng bà ra khỏi nhà…
Thu cười to:
– Xạo vừa thôi… ông Nguyên ổng hiền khô… Ổng có nghe tui nói như “dầy” đi nữa ổng cũng cười khà khà…
Thùy cũng cười theo, thầm nghĩ dân miền Nam lúc nào cũng thoải mái và dung dị trong ý nghĩ của họ, ào ào rồi thôi, không để bụng hoặc thâm hiểm tính toán. Nguyên cũng dân sinh trưởng trong Nam chắc không ít thì nhiều cũng lây tính…
Nàng cất tiếng hỏi:
– Cho thằng Sơn đi theo luôn được không?
Thu nhăn nhó:
– Dẫn nó đi luôn đi bà… bộ bà chịu bỏ nó ở nhà một mình sao?
Khi tới cái khách sạn Mariott sang trọng thì Thùy mới biết đó là một buổi dạ tiệc của những người Không quân cũ…
Và những người Không Quân cũ dĩ nhiên làm Thùy liên tưởng đến Đạt, người chồng đã mất tung tích từ 1975 của nàng.
Đã lâu Thùy không tham gia những sinh hoạt như thế này bởi lẽ đơn gián là Nguyên rất không thích những sinh hoạt ồn ào mang tính phô trương.
Thùy vẫn thường hay ghẹo Nguyên là dân “miệt vườn”, không chịu “upgrade”. Cái chữ “upgrade” này là từ Nguyên với ba cái máy computer và nghề nghiệp “programmer” của chàng.
Thùy thì không biết nhiều gì về computer, cho nên khi chàng giải thích là cái computer của nàng cần phải “upgrade”, có nghĩa là phải thay thế với những bộ phận “hardware” hay “software” mới hơn, thì nàng dùng luôn chữ này để ghẹo Nguyên về việc không chịu thay đổi cái cung cách rất là “cù lần” của chàng.
“Cù lần” là chữ của Thu, cô bạn của nàng nói về Nguyên, Thùy tủm tỉm cười một mình. Nhưng Nguyên là người rất tốt, rất đàng hoàng và chung thủy. Chàng và nàng đã muốn có con với nhau nhưng vẫn không được.
Thằng Sơn do vậy có trọn vẹn sự chăm sóc của cả hai… Thời gian coi vậy mà trôi nhanh… Những ngày tháng phải thích ứng với cái xã hội mới này đang soi mòn sức lực của nàng và Nguyên, Thùy thầm nghĩ.
Buổi tiệc thật vui và đông ngườì tham dự. Cái phòng tiệc lớn như vậy mà ban tổ chức họ dàn dựng đầy cả người. Ở giữa những cái bàn ăn là cái sàn nhẩy rộng và cái sân khấu nhỏ. Bây giờ là giờ của văn nghệ Không Quân.
Ánh đèn tắt đi nhường chỗ cho ánh sáng sân khấu… Những người lính của một thời bay bướm trên khung trời xưa cũ bây giờ tóc đã ngả màu, vẫn muốn níu giữ chút kỷ niệm thời xa xưa cũ, họ thay nhau làm văn nghệ.
Hát những bài tình ca tặng người yêu cũ, tặng vợ nặng tình, tặng nhau chút tình đồng đội còn xót lại trong những ngậm ngùi mất mát.
Thì Thùy nghe tiếng giới thiệu một tiếng hát không quân từ xa đến. Cái tên người được giới thiệu bỗng làm Thùy chú ý, Nguyễn Trọng Đạt… Không lẽ là Đạt sao? Thùy thầm hỏi.
Lúc người đàn ông trong bộ áo vest xanh thẫm bườc lên sân khấu thì Thùy thấy hình như trái tim nàng thắt lại…
Là Đạt… nàng không thể tin đó là Đạt… Thùy môt tay đè lên trái tim nàng, một tay dụi mắt… làm như nàng sợ mình nhìn lầm người. Người đàn ông đang cất tiếng hát… và trời ơi… đó là một bài hát rất quen thuộc đối với nàng, bài Phôi Pha của Trịnh Công Sơn…
Bài hát Đạt vẫn thường búng tay trên phìm đàn guitar hát cho nàng nghe:
… Ôi phù du… từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua…
…
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời…
Làm mây trôi…
Thôi về đi
Đường trần đâu có gì…
Nước mắt Thùy bỗng làm bóng dáng Đạt như nhạt nhòe… Khi Thùy nghe những gìòng nhạc cuối cùng của bài hát buông xuống thì nàng như không còn thấy ai xung quanh…
Trong bóng tối nàng đẩy ghế đứng lên rồi tiến đến cái sân khấu nhỏ như người mộng du… Ở trên sân khấu, Đạt đã chấm dứt bài hát… Người đàn ông trầm ngâm trong tiêng vỗ tay huýt sáo ồn ào tán thưởng, rồi cất tiếng:
– Tôi chỉ xin được nói thêm… bài hát này tôi xin dành riêng tặng người vợ yêu của tôi đã lâu tôi không liên lạc được…
Thùy bước đến gần hơn và cất tiếng gọi:
– Anh Đạt…
Ánh mắt Đạt ngơ ngác hướng về Thùy theo tiếng gọi quen thuộc mà chàng nghe thấy… cho đến khi Thùy bước ra vùng sáng thì Đạt đứng đó sững người… chàng lắp bắp nói không ra lời:
– Thùy… Thùy… em đó hả…
Đạt hấp tấp bước tới… hai người dang tay rồi ôm chặt nhau… họ không còn biết gì ở xung quanh… nước mắt ràn rụa trên mặt cả hai.
Nếu cuộc đời như một giấc mơ thì cái giây phút tái ngộ của Thùy và Đạt mãi mãi đối với nàng là mộng chứ không phải là thực. Lúc đó hình như nàng thấy có người bạn bước tới gọi tên nàng trong sững sốt:
– Oh, my God! Chị Thủy đó hả? Thằng Đạt nó tìm chị suốt mấy năm trường…
Người bạn Không Quân cũ tiến lên sân khấu, nắm cái micro, giọng đầy xúc động:
– Tôi xin phép được gián đoạn chương trình trong giây phút để mời quý bạn hữu Không quân, và quý khách cùng tôi chia sẻ với Không Quân Nguyễn Trọng Đạt niềm vui tái ngộ với người vợ yêu quý của anh sau hơn 5 năm trời xa cách từ 1975…
Thùy không nghe hết những gì anh bạn nói vì nàng đang vẫn đầy xúc động trong vòng tay của Đạt. Mãi đến khi ánh đèn của cả đại sảnh của cái khách sạn sáng bừng trở lại và mọi người trong buổi dạ tiệc hôm đó đứng dậy trong yên lặng và cảm động.
Họ cùng vỗ tay mừng Thùy và Đạt đã tìm lại được nhau sau bao năm trời xa cách.
Các bạn Không Quân tiến lại gần… trong số các bà có người dùng khăn chặm nước mắt… Thằng Sơn cũng được giới thiệu nhận lại cha ruột trong nỗi ngơ ngác của nó.
Buổi tiệc Không Quân hội ngộ bỗng trở thành buổi “tiệc cưới” của Thùy và Đạt theo lời đề nghị của đám bạn hữu tinh nghịch và một thời bay bướm của Đạt. Những chai rượu champaign được khui ra, nổ ầm ỉ.
Ban tổ chức bắt Thùy và Đạt phải đi “chào bàn” và uống rượu mừng… Rồi đến bài khiêu vũ đầu tiên họ nhứt định dành riêng cho hai người…
Bàì nhảy yêu thích của cả hai là bản “Bài Tango Dĩ vãng”. Lúc đó thì Thùy và Đạt đều đã có chút men rượu trong người. Ngày xưa cả Đạt và Thùy đều nổi tiếng trong đám bạn hữu bởi những bài nhảy tango của cả hai.
Đã lâu Thùy không nhảy nhưng tối hôm đó nàng đã không trật một nhịp chân… những cái xoay người, chuyển tay, vung chân đều nhịp nhàng ăn khớp với Đạt. Cả hội trường được dịp vỗ tay huýt sáo ầm ỉ…
Đêm vui nào cũng tàn… Cho đến khi Thùy trở lại bàn gặp lại Thu thì nàng hiểu ngay cái câu hỏi rất lớn trong ánh mắt của người bạn rất thân này:
– Còn Nguyên thì bà tính sao?
Phải, còn Nguyên đó. Thùy sẽ đối diện với tình cảm chàng như thế nào? Trong nỗi vui mừng của trùng phùng với người chồng cũ, nàng quên bẳng.
Nhưng khi nỗi xúc cảm lắng dần xuống, thực trạng của hiện tại trở lại… nan đề của tình cảm và cuộc sống bỗng nhiên hiện ra rõ nét…
Nhưng nàng chưa kịp suy nghĩ gì thì Đạt trở lại gặp nàng. Chàng gật đầu chào Thu rồi quay sang nói với Thùy:
– Tối nay em ở lại với anh được không? Anh nghĩ chúng mình còn nhiều điều tâm sự…
Ánh mắt của Đạt nói lên hết nổi niềm nhung nhớ của chàng trong đó làm Thùy không thể nào không gật đầu. Nàng xoay sang hỏi Thu:
– Tối nay bà “take care” dùm thằng Sơn cho tôi được không?
Thu gật đầu… thằng Sơn vẫn qua nhà nàng ngủ qua đêm những khi Thùy và Nguyên bận công việc hay cần thiết phải đi xa. Thu hiểu nỗi lòng của bạn. Thùy và Đạt cần gặp nhau đêm nay…
Chuyện gì phải đến rồi cũng đến. Khi cánh cửa phòng khách sạn của Đạt đóng lại đàng sau lưng hai người thì Đạt ôm ghì Thùy trong vòng tay khoẻ mạnh của chàng.
Chàng hôn nàng nụ hôn ngọt ngào của chồng yêu vợ mà trong đó nổi nhớ nhung làm nụ hôn trở nên ngọt ngào không tưởng trên môi miệng Thùy.
Lưỡi chàng xoắn xít quấn quýt vờn vọc lưỡi nàng, hơi thở nàng bị người chồng cũ nuốt trọn… cho đến khi Đạt buông nàng ra thì nàng chóng mặt như say rượu…
Chưa kịp nói tiếng nào thì nàng bị nhấc bổng trong cánh tay người đàn ông… ánh mắt Đạt ân cần tình tứ… thèm khát ái ân… ánh mắt của đàn ông thèm khát đàn bà…
Ánh mắt của chồng thèm khát yêu vợ… cái ánh mắt quen thuộc của Đạt trên da thịt Thùy mỗi khi chàng và nàng trong căn phòng ấm cúng của hai vợ chồng sau mỗi chuyến công tác trở về… Thùy biết nàng sẽ không từ chối…