Như Một Giấc Mơ 2 - Chương 2
Bốn năm trong ngành computer programmer làm chàng mất hết cái xông xáo của những ngày đầu lúc mới vào nghề.
Sáu năm vất vả vừa đi học vừa đi làm. Thấm thoát vậy mà đã hơn mười năm ở xứ Mỹ này.
Mười năm. Mười năm nhưng ở trong trí nhớ của chàng, mọi việc xảy ra vẫn còn đó không hề suy xuyển.
Nguyên bỗng như thấy nhạt nhòe trong ánh mắt. Mảnh giấy nhỏ vẫn xếp gọn trong túi áo, chàng lấy ra trước mặt. Những dòng chữ viết tay hiện ra, rõ mồn một trong trí nhớ, bởi vì mắt chàng hình như vẫn còn đầy ắp nước mắt:
“Anh Nguyên
Khi anh đọc những dòng chữ này thì em đã rời khỏi nhà.
Em xin lỗi đã không thể cùng anh đi hết đoạn đường đời.
Xin anh quên em đi và đừng tìm kiếm em.
Chúc anh tìm được hạnh phúc trong quãng đời còn lại của anh.
Thùy.”
Nguyên vẫn không tin và không hiểu tại sao Thùy lại bỏ nhà ra đi. Đi với ai? Làm gì? Tại sao?
Những câu hỏi lởn vởn trong đầu làm suốt mấy ngày nay chàng mệt mỏi thây rõ. Trong ánh mắt nhạt nhòe, trí nhớ bỗng trở về, kéo Nguyên lui lại thật xa, thật xa trong quá khứ.
Cái quá khứ hằn những dấu vết của chàng và Thùy. Cái quá khứ làm con tim chàng bỗng thấy nhói buốt trong nỗi đau mất mát người yêu. Nguyên ngồi đó nhưng hình như thời gian thụt lùi lại thật nhanh trong tâm não của chàng…
Sài Gòn, sau tháng tư 1975…
Sài Gòn vào những ngày tháng đổi đời đó vẫn còn thật rõ nét trong tâm tường Nguyên.
Chàng lúc đó đang còn là sinh viên năm thứ hai trường Luật Sài Gòn. Thì đột nhiên con đường trước mắt bị sụp đổ.
Vận nước thay đổi và đảo ngược mọi toan tính tương lai của hàng triệu người miền Nam. Người giàu có quyền thế đã tháo chạy ra nước ngoài và những người ở lại đối diện với những ngày tháng đổi đời.
Sài Gòn bỗng biến dạng trong ánh mắt ngơ ngác của Nguyên. Sài Gòn của chàng không còn là những bước chân thong thà, lang thang lững thững bước trên con đường Duy Tân từ trường Luật về nhà trọ. Con đường Duy Tân nổi tiếng trong một bài nhạc của Phạm Duy:
“… Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt… ”
Sài Gòn của những buổi chiều “em tan trường về, anh theo Ngọ về”, của những tà áo dài thướt tha của áo tím Gia Long, hoặc áo trắng Trưng Vương bỗng biến mất không còn dấu tích.
Thay vào đó là những cái áo bà ba đen, những gương mặt lo âu, đầy nét khắc khoải của thời cuộc mới, bươn bả ngược xuôi trên đường phố.
Có cái gì đó sụp đổ trong Nguyên. Chàng như một con chim trẻ đang muốn cất cánh bay vào khung trời mở rộng trước mắt thì đột nhiên giông bão đen kịt ập tới.
Đôi cánh của chim không đủ sức chống đỡ những cơn gió gớm ghê, Nguyên dành xuôi cánh, đầu hàng cơn giông bão định mệnh đó.
Cho đến đầu năm sau, cũng lại là một thứ định mệnh lạ lùng dẫn dắt Nguyên gặp Thùy.
Chàng nhớ khung cảnh vẫn là khung viên trường Luật Sài Gòn. Bây giờ theo lệnh của Chinh phủ mới, nay là Trường Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
Cái tên dài lê thê này thật tình làm Nguyên mệt mỏi giống y hêt như những giờ học “chính trị”, kinh tế “xã hội chủ nghĩa”.
Cái đại giảng đường trường Luật bây giờ toàn là áo bà ba. Áo bà ba đen, bà ba trắng, bà ba nâu… làm như các cô sinh viên Sài Gòn cũ cũng đang muốn nói mình thuộc thành phần “lao động tiên tiến”.
Nguyên lặng lẽ tìm một góc ở cánh gíảng đường. Ở đó chàng có thể thả mắt lang thang ở những “cánh hồng” mà không ai để ý. Các cô trong cái áo bà ba trông cũng dễ thương và ngộ nghĩnh, chàng thầm nghĩ và mỉm cười.
Thì có một hôm ánh mắt chàng ngừng lại trong ngạc nhiên ở một tà áo dài trắng hiếm hoi trong một rừng áo bà ba nâu, đen. Người con gái cao gầy thon thả dáng mảnh khảnh, ánh mắt to đen linh động nhưng buồn bã, mái tóc thề xõa ngang vai.
Tà áo dài trắng tinh nguyên tha thướt trên cái hành lang giảng đường làm Nguyên ngơ ngẩn đến bàng hoàng. Chàng hình như vừa tìm lại được một cái gì đó quý giá mà chàng nghĩ rằng mình đã đánh mất.
Nguyên lặng lẽ ngắm nhìn người con gái. Chàng đột nhiên tìm lại được chút ánh nắng với màu sắc lung linh lạ lùng trong cái đời sống chỉ toàn là màu đen và xám.
Nguyên thường nghe câu “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”.
Chàng nhận ra cái lý lẽ của câu nói này khi sau mấy lần sắp xếp thay đổi các tổ, nhóm trong các lớp học bao gồm hàng ngàn sinh viên, vậy mà chàng và Thùy vẫn gặp lại nhau.
Nguyên đã lặng lẽ nhìn ngắm Thùy trong những chiếc áo dài giản dị, màu sắc nhẹ nhàng trong từng ngày như vậy, cho đến lúc lớp học chính trị kết thúc và toàn bộ sinh viên sẽ được tái sắp xếp trong các lớp học chuyên ngành.
Thì một sáng trong cái lớp học rất đông người đó, chàng nghe tiếng gọi của người con gái từ hàng ghế phía sau:
– Ông có thể cho tôi mượn cuốn tập ghi chép của ông một chút xíu không… ?
Nguyên quay lại, trong sửng sốt, Nguyên nhận ra đó là người con gái chàng vẩn nhìn ngắm hàng ngày. Nhưng lần này nàng đang mặc một chiếc áo bà ba màu ngà. Nguyên hơi mỉm cười, chàng trao nàng cuốn vở:
– Dĩ nhiên. Xin “chị” cứ tự nhiên.
Hôm đó chàng và nàng trao đổi bài vở. Nguyên làm quen với Thùy dễ dàng như vậy.
Lúc chia tay sau buổi học, Nguyên cười hỏi nhỏ Thùy:
– Sao hôm nay “chị” không mặc áo dài?
Ánh mắt Thùy hơi ngạc nhiên, đôi mắt dài có đuôi của nàng mở to nhìn Nguyên:
– Sao anh biết tôi hay mặc áo dài đi học?
Nguyên lại cười nhỏ:
– Nếu tôi nói chị là nàng tiên áo dài trong một rừng áo bà ba thì chắc chị hiểu là có người… lén chiêm ngưỡng chị hàng ngày.
Thùy phá lên cười. Tiếng cười nàng trong cao reo vui.
– À ha. Vậy là anh là người dám theo dõi tôi, nhìn trộm tôi hàng ngày?
Nguyên cười, chàng tiếp tục ghẹo:
– Không dám. Nhưng tôi đâu có nhìn trộm. Thử hỏi xem có người con gái mặc áo dài tha thướt như tiên giáng trần ở ngay trước mắt tôi hàng ngày thì trừ phi mắt tôi có vấn đề tôi mới không nhìn ngắm được người đẹp.
Nguyên cười và chàng phải ngắt ngang vì bị một cú đấm nhẹ vào bả vai từ bàn tay nhỏ nhắn của người con gái mới quen.
Chàng và Thùy quen nhau như vậy. Trong cái dòng đời nghiệt ngã, vận nườc nổi trôi, tương lai mờ mịt, Nguyên đột nhiên tìm lại dược niềm vui trong từng hôm đi học.
Những bài học lạ lùng mới mẻ không phải từ người giảng viên “cách mạng” mà từ cái miệng cười hồn nhiên, ánh mắt long lanh, tà áo dài tha thườt của Thùy.
Rồi cái hôm trong cái quán cà phê, trong yên lặng của một chiều mưa, chàng đã nói được tiếng yêu với Thùy. Cặp tình nhân tay trong tay chia sẻ những rung động lạ lùng trong nhau.
Nhưng cũng trong một ngày mưa tháng bảy ở Sài Gòn, Nguyên không bao giờ quên được cái lần đầu chàng và Thùy mở ra cánh cửa mà cả hai tưởng chừng như đang đóng kín, để rồi cho nhau hết tận cùng những khát khao da thịt.