Một Thời Ta Đã Yêu - Phần 44
Chúng nó nghĩ chắc là ông già đang dấu thuốc phiện trong buồng nên không dám vào nữa, kéo nhau lủi mất. Đợi cho chúng đi hẳn ông già mới gọi hai thằng ra, rót cho hai chén rượu rồi bảo :
– Bọn này ở làng bên đấy không phải làng này đâu, nếu hôm nay mà để chúng nó bắt được thì hai thằng mày không còn đường sống.
Nghe xong lúc này hai thằng mới hoảng hồn, không biết Tú sống chết ra làm sao, có bơi thoát được về bên kia hay không? Đêm ấy, được ông già chăm sóc vết thương bằng thuốc của người dân tộc, lại được cho ăn no, uống rượu ngon, hai anh em đã dập đầu tạ ơn cứu mạng và xin phép từ nay được gọi ông là bố.
…
Sau vụ đấy, cả ba bị kỷ luật nặng, Tú cũng nhanh chóng ra quân về quê vì bị nhiễm trùng bởi mũi tên bắn vào đùi may mà không chết. Tiền và Thắng vẫn qua lại chỗ ông già thường xuyên, sau đó được ông già giữ ở lại luôn nông trường làm công nhân. Tiền vốn người Hà Nội nên một thời gian sau không quen đã xin về, còn Thắng ở lại được ông già quý, sau gả luôn con gái cho, lại mua cho mảnh đất ở phố huyện, nên với anh Thắng ông già nó mang tiếng là ông già vợ nhưng không khác gì bố đẻ.
Anh Tiền về Hà Nội nhưng thỉnh thoảng lại lên thăm, lần nào lên cũng biếu tiền, còn bảo :
– Không có bố, bây giờ bọn con thành người thiên cổ rồi.
Mà lần nào anh Tiền lên chơi cũng mua cho nó bao nhiêu là quà, đồ chơi, quần áo… toàn thứ đắt tiền Hà nội mà bọn trên quê có mơ cũng chưa một lần được nhìn thấy.
…
Nó ngồi tiếp rượu nghe hai anh hàn huyên tâm sự mà như bị cuốn vào câu chuyện li kỳ ấy, ông Tiền thì cứ nhắc :
– Tao chỉ muốn đưa ông già lên Hà Nội chơi một chuyến mà ông đéo chịu, mấy lần ông lên tao cũng không biết, mà thằng Nhất học ĐH trên này cũng không báo cho anh một tiếng… Mày biết nhà anh rồi, thỉnh thoảng cứ vào đây chơi cho vui, biết tính tao rồi đấy, tiền tao không thiếu, giờ chỉ thiếu tình cảm thôi.
Nó nhìn trên hai cánh tay ông ý có xăm hai dòng chữ, một bên là “ Tao là phù du”, còn bên kia đề “ Thầy u là tất cả”.
Cuộc đời ông Tiền cũng lắm thăng trầm, sau khi bộ đội về, không nghề nghiệp nên ban đầu chạy xe ôm ở chợ Ngã Tư sở, lấy được con vợ và có với nhau được đứa con gái thì vợ con sang Đức rồi mất hút không thấy về, ông Tiền dấn thân vào con đường tệ nạn, sẵn chút võ nghệ từ ngày bộ đội, thêm chút máu liều nên chả mấy chốc nổi danh cả khu Kim Giang, với biệt danh “Tiền phù du”, chuyên bảo kê quán karaoke, quán mát xa, cầm đồ cho vay nặng lãi.
Ăn uống no say lúc về ông Tiền còn tặng cho nó một cái điện thoại di động samsung màn hình xanh nét, hồi đấy như thế là quý lắm rồi, nó định không nhận nhưng không được. Bắt đầu từ đấy nó mới biết cái điện thoại di động là như thế nào, thỉnh thoảng nhạc chuông lại tò tí te oai vãi cả đái.
…
Thời gian thấm thoát trôi, sau kỳ nghỉ Tết là những thay đổi. Nó lại trở về với căn gác trọ sinh viên ở làng Phùng Khoang, tìm lại kí ức của những ngày đầu bỡ ngỡ mà bất chợt đã bỏ quên. Con Linh đã quyết định đi du học bên Singapore ngay sau khi Cương sang đấy học Thạc sỹ, thôi thì đó cũng là một quyết định khiến cho nó nhẹ lòng, cầu mong cho hai đứa luôn yêu thương nhau, hạnh phúc bên nhau thì nó cũng đỡ ân hận, dằn vặt tội lỗi.
Căn nhà thuê trên phố Hiền vẫn ở, bây giờ có thêm một đứa bạn cùng trường của Hiền đến ở cùng. Thỉnh thoảng đi học Hiền vẫn tạt qua phòng nó rồi hai đứa đi ăn, đi chơi với nhau, tối nó lại đưa Hiền về… những lần như thế cứ giảm dần, một phần bởi nó khá bận bịu với bao nhiêu là đồ án, thực tập, và hơn nữa nó bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi đang lớn dần trong Hiền.
Đợt 26 tháng 3, trường của Hiền tổ chức cuộc thi Tiếng hát sinh viên Nhạc họa, và Hiền đã lọt qua vòng loại để vào đêm chung kết. Hôm ấy nó thấy Hiền rẽ qua phòng vui mừng thông báo :
– Anh ơi em được vào đêm chung kết rồi đấy.
– Thật không? Chúc mừng em
– Hihi, hôm này em thi anh nhất định phải đi cổ vũ cho em đấy
– Ok, anh sẽ cổ vũ cho em đạt giải nhất…
…
Tối 26 tháng 3 năm ấy, nó ăn cơm sớm rồi đóng bộ quần bò áo phông nom rất ngon trai, cưỡi quả 81 Kim vàng giọt lệ oai phong phóng ra cổng Ngoại ngữ mua một bó hoa thật đẹp treo lủng lẳng lát sẽ mang vào tặng em, nó tin chắc kiểu gì Hiền cũng có giải bởi giọng hát và phong cách biểu diễn của Hiền rất tự nhiên cuốn hút như ca sĩ.
Vẫn còn sớm, nó chạy xe chậm chậm vào trong sân trường Ngoại ngữ, hôm nay trong này cũng có biểu diễn ca nhạc ca nhẽo gì đấy, thấy nhạc ầm ỹ rồi sinh viên tập trung rất đông ở hội trường lớn. Nó chẳng muốn ghé vào làm gì, theo thói quen nó ra gốc cây xà cừ ngày xưa dựng xe ngồi hút thuốc, chìm vào những suy tư mặc cho tiếng nhạc từ đâu vọng đến và dòng người qua lại…
Có một chuyện xảy ra ngay trước mắt nó mà nó không thể không để ý, có một thằng ôn con người ngắn một mẩu cỡ chỉ khoảng mét rưỡi nhưng lại cưỡi trên con xe @ to tổ bố, nhìn hài vãi đái như con châu chấu cưỡi trên lưng voi, nhưng điều lạ hơn là thằng ranh này cứ chạy xe vè vè bám theo một cô gái suốt đoạn đường khá xa, cô gái thì tỏ rõ thái độ khó chịu, né tránh. Càng lại gần phía nó ngồi, nó càng ngờ ngợ đó là em Thúy, qua ánh điện mờ mờ nó vẫn có thể nhận ra Thúy với dáng người dong dỏng, hôm nay mặc áo dài hình như vừa đi biểu diễn văn nghệ hay nhận phần thưởng gì đấy ở trong hội trường ra.
Thằng @ vẫn bám sát phía sau, Thúy bước đi vội vã, nó cứ ngồi yên lặng lẽ theo dõi. Bên kia đường, thằng @ đã vọt lên và chặn xe trước mặt Thúy, không thấy thằng @ nhảy xuống hoặc do chân ngắn quá chưa kịp nhảy, Thúy khựng người cau có định quanh lại. Lúc này @ mới xuống xe, nó đứng chặn ngay trước mặt Thúy tay cầm cái hộp gì như hộp quà…
– Thúy…
– Anh định làm cái trò gì đấy?
– Mình tặng Thúy.
– Tôi đã bảo không nhận, anh về đi đừng theo tôi nữa.
Thằng @ đưa tay nắm lấy tay thúy và bị hất ra.
– Anh buồn cười nhỉ, tôi kêu lên bây giờ đấy.
– Kêu đi…
Bàn tay @ lại đưa ra túm lấy tay Thúy kéo lại nghe chừng muốn ôm, Thúy vùng vẫy mạnh nhưng không được…