Mối Tình Trên Sông - Phần 1
Con bé trố mắt nhìn chằm chằm vào khối rubik xoay liên tục trên đôi tay điêu luyện. Nó không thể hiểu vì sao các màu đang bị xáo trộn ngẫu nhiên nhưng chỉ sau một thoáng nhào nặn là cả sáu mặt đều đồng nhất. Nó đã chăm chú suốt hàng giờ liền mà không biết chán, khuôn mặt trẻ thơ cứ ngây ra như bị hút hồn vào khối lập phương mà đối với nó là cả một sự thần kỳ. Đang yên ắng bỗng có tiếng tuýt còi của cảnh sát khiến cho những người bán hàng rong tháo chạy tứ tán. Thằng cu Bin hối hả gom nhanh mấy thứ đang bày trên tấm bạc dưới lề đường chạy theo đám đông, khối rubik rơi khỏi tay lăn lóc trên đường. Sự náo loạn diễn ra thật bất ngờ khiến con bé hoảng sợ. Nó nhanh tay chộp lấy khối màu ma thuật rồi cắm đầu chạy theo cu Bin. Sau khi quanh co qua mấy con hẻm, cuối cùng đã cắt đuôi được cảnh sát. Hai đứa trẻ đứng lại thở hồng hộc.
– Của anh nè – Con bé tròn xoe mắt nhìn Bin, hai tay đỡ lấy khối rubik đưa lên trước mặt.
– Ồ, cảm ơn em. Em chạy theo anh đó hả?
– Ông bụng bự dặn phải tránh xa cảnh sát vì họ là người xấu. Thấy họ đến bắt mọi người nên em sợ quá chạy theo luôn.
– Ông bụng bự? Là ai thế? – Bin trố mắt nhìn đứa bé gái.
– Là người mỗi ngày phát cơm cho tụi em ăn.
– Nói khó hiểu quá – Bin ngồi xổm đặt tay lên vai con bé – Nè bé con, từ từ nói cho anh nghe, ông bụng bự là ai và tại sao lại phát cơm cho em mỗi ngày? Ba mẹ em đâu?
– Em không có ba mẹ. Em ở trong một căn nhà lớn, có nhiều con nít như em sống chung. Mỗi ngày tất cả đều đi bán vé số về nộp cho một ông bụng bự thì mới được cho cơm ăn.
– Trời đất ơi, vậy là tụi em bị bắt cóc bởi mấy thằng ác ôn lười lao động rồi. Em bao nhiêu tuổi? Tên gì?
– Dạ bảy tuổi, em tên Ngọc Nhi – Con bé trả lời thật rành mạch – Ở đó đứa nào cũng có tên. Ngọc Trâm, Ngọc Thanh, Ngọc Huyền… nhiều lắm.
– Em sống với ông ta từ nhỏ luôn hả?
– Dạ. Hôm nào bán không hết là ông bụng bự không cho ăn, có khi còn bị đánh nữa, em sợ lắm. Em còn mấy tờ nè, hay anh mua giúp đi để em còn có cơm ăn, em đói bụng.
Thằng cu Bin nghe mà rớt nước mắt. Nó nhìn con bé từ đầu tới chân, một bé gái đen đúa lam lũ. Nó cũng là đứa trẻ bất hạnh vì cha mẹ mất sớm, sống với người bà con nhưng bị ngược đãi như kẻ tôi tớ nên quyết định bỏ nhà sống kiếp bụi đời. Đến nay tuy chỉ mới 14 tuổi nhưng trông cu Bin già dặn hơn hẳn những đứa đồng trang lứa. Cuộc đời đã dạy cho nó những kinh nghiệm ứng phó trước nghịch cảnh để chuôi rèn bản năng sinh tồn.
Tuy ra đời kiếm sống không sớm như đứa bé gái bảy tuổi này nhưng đủ để Bin nhận ra giá trị đồng tiền. Là đứa trẻ bị cuộc đời lãng quên nên Bin thấu hiểu thế nào là nỗi đau khi bị người ta ruồng bỏ. Nhìn con bé, cu Bin càng thấy nó tội nghiệp vô cùng. Một đứa bé gầy còm yếu ớt với đôi mắt tròn xoe như đang ngạc nhiên trước những diễn biến của cuộc sống. Đúng ra ở tuổi này nó phải được sống trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ. Thật đáng thương làm sao khi nó còn quá nhỏ để nhận biết nỗi bất hạnh đời mình. Nó hồn nhiên đón nhận sự áp đặt thiếu công bằng của số phận mà không hề có chút thắc mắc nào.
– Anh không có tiền mua đâu nhưng anh sẽ giúp em có cơm ăn mỗi ngày luôn, chịu không?
– Dạ, vậy anh cho em cơm của anh đúng không? – Nhi chạy lại nắm tay Bin mừng rỡ.
– Ừ, nhưng với điều kiện là em đừng có về căn nhà đó nữa mà hãy đi với anh. Ông bụng bự thực chất là người rất xấu, ông ta đối xử độc ác với trẻ con.
– Dạ, anh cho em cơm để ăn thì em đi theo liền – Con bé trả lời thật ngây ngô và hành động cũng ngây ngô hệt như cách nó nói.
Cu Bin chật vật chạy ăn từng bữa và sẽ càng khó khăn hơn nếu phải gánh thêm một miệng ăn. Dẫu biết thế nhưng trước tình cảnh đáng thương của Ngọc Nhi, cu Bin không cho phép mình dửng dưng khi thêm một lẫn nữa cuộc đời này đã bỏ rơi một đứa bé vô tội. Như một sự an bài, buổi hỗn loạn hôm nay đã vô tình giúp con bé thoát khỏi móng vuốc của một tên chó má bụng bự nào đó và cũng tình cờ mang hai mảnh đời bất hạnh lại gần nhau. Cuộc sống ở thành phố tỉnh lẻ lạc hậu này ngày càng khó khăn và tiềm ẩn nhiều hiểm họa, hơn nữa sợ bị đám thuộc hạ của tên bắt cóc đeo bám nên Bin quyết định dẫn Ngọc Nhi đi thật xa. Sau nhiều ngày rong ruổi, cuối cùng đã đến được Sài Gòn, nơi mà Bin thường nghe người lớn nhắc đến như một vùng đất thiên đường. Hai đứa trẻ lây lất tìm đến mấy đại lý vé số xin được bán rồi chiều mang tiền về nộp, nhưng chẳng có lấy một tấm lòng nào rộng mở. Cũng phải thôi vì ở cái đất Sài Gòn lắm trò lừa lọc thì tình người đã dần bị thui chột. Ai có thể tin bọn nhóc đang nói thật hay lại là một trò lừa để tiếp tục gặm nhấm vào lòng tốt từng bị lạm dụng. Hai đứa trẻ buồn thiu chui vào gầm cầu ôm nhau ngồi khóc. Người thanh niên theo chúng suốt đoạn đường dài xuất hiện, anh ta là con của một chủ đại lý vé số, người duy nhất động lòng trắc ẩn nhưng không vội tin lời hai đứa trẻ mà âm thầm theo dõi để xác minh. Khi chính mình xác định là bọn trẻ thật sự đáng thương thì anh mới mở lòng giúp đỡ, nhờ đó mà hai kẻ vô gia cư đã có chút cơ hội sinh tồn.
– Bé Nhi, nhớ lời anh dặn, bán ở chỗ đông người, không nghe lời ai dụ dỗ đi theo người ta. Nhớ chưa? Có khó khăn gì thì tìm đến mấy chú cảnh sát nhờ giúp đỡ.
Con bé nghe tới hai tiếng cảnh sát tự nhiên thấy sợ sợ. Đó là nỗi ám ảnh đã hình thành trong đầu từ nhỏ bởi những tên bắt cóc ác ôn thâm độc.
– Anh đã phân tích cho em thấy rồi, cảnh sát là người tốt, không phải như ông bụng bự nói đâu. Anh chỉ cho em thấy nhiều lần rồi đó, họ giúp mọi người chứ không hại ai hết. Đừng có sợ nữa nha! – Bin xoa đầu bé Nhi trấn an.
– Dạ em biết rồi anh hai!
– Ừ, em bán quanh đây thôi, chiều hết sớm rồi về đại lý chờ anh, đừng có đi đâu hết, nghe chưa?
Hai đứa trẻ chia nhau đi hai ngã. Bin luôn dành phần nhiều gấp bội cho mình, chỉ chừa cho bé Nhi vài chục tờ nên ngày nào nó cũng bán hết sớm. Nó cứ tưởng là mình bán giỏi nên hay trêu thiên tài giải rubik mà giờ đây nó xem là anh hai của mình.
– Lêu lêu anh lại bán chậm hơn em rồi.
– Ừ bé Nhi giỏi ghê, anh hai cố hết sức mà không thể bằng em được.
Biết tình cảnh hai đứa trẻ trôi dạt từ miền Tây lên Sài Gòn mà không có người thân nên chủ đại lý thương lắm. Chiều nào kết sổ xong cũng thưởng thêm ít tiền và cho ăn một bữa cơm. Hai đứa nhỏ rất ngoan, luôn biết dọn dẹp ngăn nắp, rửa sạch chén bát rồi khoanh tay cảm ơn ra về. Đã nhiều lần ông chủ đề nghị hai anh em ở lại nhà nhưng Bin không dám nhận thêm lòng tốt của ông ấy. Dẫu tin rằng ông chủ vé số không phải người xấu nhưng nếu ở lại nhà người ta lâu dài thế nào cũng có chuyện không hay. Âu đó cũng là tính tự lập đã hình thành từ thuở bé.
Nơi dung thân hai đứa trẻ là gầm cầu vượt gần chốt gác cảnh sát giao thông. Phải qua nhiều ngày thăm dò Bin mới dám chọn nơi này. Đây là nút giao của hai trục đường lớn luôn tấp nập người qua lại cả ngày lẫn đêm, như thế sẽ an toàn cho bé Nhi vì không sợ bị kẻ xấu bắt cóc trong lúc ngủ. Một ngày nọ hai anh em đều bán hết từ sớm, thấy thời gian còn nhiều nên Bin quay về đại lý lấy thêm vài chục tờ. Bé Nhi không muốn ở lại đợi mà đòi đi theo anh Bin. Thấy con bé cứ nằng nặc đòi đi nên Bin cũng chiều ý cõng nó trên lưng. Con bé thích lắm, cười khúc khích suốt. Từ ngày nhận Nhi làm em nuôi, cuộc sống của Bin trở nên vui vẻ hơn vì không còn cô độc, thằng bé đã có người để bầu bạn và chăm sóc lẫn nhau. Cảm giác đầm ấm của một gia đình khiến Bin thấy cuộc đời vẫn đáng sống chứ không đáng nguyền rủa như nó từng nghĩ.