Lý Gia Phiêu Lưu Ký - Chương 4: Lý Gia Công và con tàu ma quái (1)
Những năm thập niên 40 của thế kỉ XX là những năm đầy sóng gió đối với gã thiếu niên Gia Công cũng như rất nhiều người Việt. Thế chiến I vừa qua thì Thế chiến II đã ngấp nghé. Các nước lớn như Anh, Pháp, Đức… liên tục đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, xây dựng quân đội, bành trướng thế lực của mình. Việt Nam lúc đó là một phần của Liên bang Đông Dương, là thuộc địa của Pháp, nên cũng không nhằm ngoài vòng xoáy của những biến động. Những con tàu lớn nhỏ cập cảng ngày càng nhiều, đường sắt được người Pháp khai thác tối đa để chuyên chở than và các loại quặng kim loại, nhân công bản địa với giá rẻ mạt là nguồn lợi ích lớn trong mắt các ông chủ da trắng.
Năm 1939, phát xít Đức nổ súng tấn công Ba Lan, mở đầu Thế chiến II – cuộc đại chiến lớn nhất trong lịch sử loài người. Trong sự lo lắng và khủng hoảng bao trùm, thương nhân châu Âu vội vàng tìm cách tích trữ và bảo lưu tài sản của mình. Từ các hải cảng, những con tàu lớn lao mình ra biển như muốn tìm kiếm chốt chặn quý báu cuối cùng trong thế giới sắp bị phá vỡ này.
Cuối tháng 6 năm 1940, một con tàu buôn viễn dương lớn của Pháp hối hả cập cảng Sài Gòn, bốc hàng hóa và thuê nhân công với số lượng lớn để phục vụ trên tàu. Lý Gia Công nhận ra cơ hội có một không hai để thỏa mãn giấc mơ được chu du thế giới, khám phá những vùng đất lạ của mình. Ngay ngày hôm đó, cùng với Tú và Nam – hai thằng bạn chí cốt – hắn bước chân lên chiếc tàu buôn Pháp có tên gọi Marina Bell.
Những ngày đầu làm thủy thủ, ba thằng trai 17 tuổi thường xuyên tái xanh mặt vì say sóng. Công việc trên tàu biển cũng hoàn toàn khác với trên đất liền, không phải chỉ cần sức khỏe là có thể làm được, nên bọn Gia Công mỗi lần làm ẩu cũng choáng váng vì bị chửi mắng, đánh đập. Đối xử “nhẹ nhàng” nhất với cả lũ có lẽ chỉ có thuyền trưởng Francois (Phờ-răng-xoa) – ông ta là một tay đi biển lão luyện, mỗi lần lên boong tàu đều không quên cốc đầu và cười khà khà vào mặt ba tên “lính mới” An Nam để động viên.
…
Hai tuần trên biển mau chóng trôi qua, Ấn Độ Dương chẳng mấy chốc đã ở sau lưng cả bọn Gia Công.
Do chiến tranh đã lan tới Bắc Phi, thuyền trưởng Francois quyết định tàu sẽ đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi chứ không thẳng tới Ai Cập như dự kiến. Ngày 25 tháng 7 năm 1940, tàu Marina Bell dừng lại tại một vịnh biển nước sâu gần cực nam châu Phi để mua bổ sung một số nhu yếu phẩm cần thiết.
Ban đêm, trên bãi biển, đám thủy thủ nằm la liệt gần một đống lửa to. Vừa ném vào đó thêm một thanh củi, Tú quay lại hỏi Công và Nam: “Ê tụi bây, có biết đây là ở đâu rồi không?”
Nam lắc đầu, rồi cười ha hả: “Tao chịu, nghe bảo châu Phi, nhưng mà không biết ở đâu! Lát gặp thổ dân thì mày đẩy thằng Công ra mà nói chuyện, đen thui như nó có khi lại tán được con gái tù trưởng làm vợ thì khỏi lo đói!”
“Tổ sư tụi bây!”, Công đáp. Hắn nhìn quanh bãi biển hoang sơ, xa xa là con tàu buôn to lừng lững, một nhóm thủy thủ ở lại trông tàu thi thoảng lại đi qua đi lại trên boong, đèn đuốc sáng rực một góc biển.
Đây là ngày đầu tiên bọn hắn được bước chân xuống đất liền kể từ khi bước lên tàu từ cảng Sài Gòn thân thuộc. Trước đó tàu có dừng lại ở một cảng biển Ấn Độ, nhưng để đề phòng lính mới bỏ trốn, chỉ có thuyền trưởng và một số thủy thủ được xuống tàu, hàng hóa vì đều đã đóng thùng chắc chắn cẩn thận nên có thể dùng bộ ròng rọc để hạ. Thật ra khi biết chuyện cấm quản đó Công đã cười thầm trong bụng, kẻ khác có thể bỏ trốn chứ tuyệt đối không phải là hắn – người đang có ước mơ chu du thế giới, mà con tàu này chính là phương tiện.
Một lát sau, trên bãi biển, lại là Tú mở chuyện: “Này, tao nghe nói ở Pháp có chiến tranh đã gần ba tháng rồi, hình như tàu này không về lại Marseille (Mác-xây) mà đi thẳng sang Mỹ thì phải?”
Vẫn là Nam lắc đầu đáp: “Tao không quan tâm, đi đâu có cái ăn, cái mặc, được yên ổn là tao thấy ưa rồi! Sau này về già, tích cóp chút tiền về quê… hê hê, tới lúc đó tao làm phú hào luôn mày ơi! Hê hê, chứ tụi mày nghĩ ở xứ mình giờ còn cách nào để một thằng khố rách áo ôm như tao, như tụi mày khấm khá lên mà không phải cắn răng để bọn khốn đó đè đầu cưỡi cổ đâu. Hê hê!.. Hu hu!”
Gia Công trầm lặng vỗ vai thằng bạn. Gia cảnh ba thằng đều khốn khó, mỗi thằng một tỉnh khác nhau đều về Sài Gòn kiếm sống. Ở quê nhà mấy năm nay sưu cao thuế nặng, có được chút của ăn của để đã khó, nói gì tới chí trai làm giàu. Vậy nên bọn hắn mới đánh liều lên tàu Pháp, tới những nơi như thế này, cốt là tìm chút cơ hội đổi đời.
Mùi nồng nồng, ngai ngái của biển châu Phi xộc tới mũi khiến Công phải quay đầu lại. Quanh đây có một số loại cây kỳ lạ, hắn chưa từng thấy ở quê nhà. “Có lẽ nên thám hiểm một chút, hết nằm lại ngồi cả tối chán phèo!”, hắn nghĩ, rồi đứng dậy.
“Ê mày, đi đâu đó?” Tú hỏi
“Tao mắc tè. Đi ra góc kia chút!”
“Ờ vậy đi nhanh đi, chơi thêm chút nữa rồi chắc Phờ-răng-xoa gọi cả đám lên tàu đó. Hôm nay chả hiểu sao ổng dễ tính!”
“Ừ, tao biết rồi.”
Gần bãi biển là một khu rừng thưa, Gia Công lại đó xem xét một hồi thì thấy hết hứng thú vì loại cây trước đó hắn nhìn thấy hóa ra là một loại dừa lạ, thân to gấp ba cây dừa Việt Nam nhưng ngó lên thì không có trái (hoặc chưa có trái). Ngẫm nghĩ một chút, hắn đi tiếp. Xuyên qua đám cây ven vịnh là một mỏm đá lớn chìa ra biển. Từ góc này nhìn sang bên phải có thể dễ dàng quan sát tàu Marina Bell và những thủy thủ đang nằm nghỉ ngơi trên bãi biển. Bên trái là một vùng vịnh khác nhỏ hơn, hơi âm u với nhiều đá ngầm khiến cho sóng biển ồ ạt nhanh và mạnh hơn bên này.
“Cứ như ở giữa hai nửa thế giới vậy!”, Công thầm nghĩ. Cảnh tượng này có lẽ hắn sẽ nhớ mãi.
Ì ùng….
Ì ùng…
Đoàng!!! Tiếng sấm sét đột nhiên vang vọng tới giữa trời làm hắn giật mình. “Quay lại thôi, về tàu thôi!”, Công biết trong hoàn cảnh này nếu không nhanh về tàu thì sẽ chậm trễ, thậm chí có thể bị bỏ rơi. Nếu có bão biển thì an nguy của tàu và hàng hóa vẫn là quan trọng nhất, nên Marina Bell sẽ sẵn sàng nhổ neo bỏ rơi hắn lại nơi đây, di chuyển tới cảng biển gần đó neo trú.
Vừa xoay người định đi khỏi, thì đập vào mắt hắn là một hình ảnh khó tin. Đoàng!! Xuyên qua ánh chớp chói lòa, hắn thấy một con tàu toàn thân đen kịt, những cánh buồm cũng đen và rách rưới đến tả tơi, đang lừ lừ xuất hiện ngay cạnh bãi đá ngầm phía tay trái mỏm đá. Con tàu mang dáng vẻ rất xưa cũ, như được gọi đến từ thời Trung cổ vậy. Những con sóng lao đến đánh mạnh vào bờ đá, nhưng chỉ vụt qua dưới đáy tàu làm nó hơi đung đưa chứ không thể đẩy nó vào bờ. Đúng là như vậy, đáy tàu đang cách mặt biển khoảng 2 mét, không cao không thấp. Con tàu này đang… bay!
Toàn thân Gia Công toát mồ hôi lạnh. Chỉ mới nửa phút trước đó, khi sấm chớp chưa nổi lên, hắn đã nhìn rất chăm chú ở mạn bên trái, đó tuyệt nhiên không hề có con tàu nào cả, không có dấu hiệu đằng xa của con tàu nào đang đi tới, cũng không có chỗ ẩn nấp cho một thứ to lớn như vậy trên vịnh. Con tàu này đột nhiên xuất hiện, như một bóng ma…
Không còn tâm trí nghĩ ngợi nữa, Gia Công ba chân bốn cẳng chạy xuống mỏm đá, vụt qua khu rừng thưa thớt và lao ra bãi biển. Ở đó, đống lửa lớn vẫn đang cháy hừng hực, thi thoảng phát ra tiếng xèo xèo vì những giọt mưa rơi xuống lác đác. Nhưng đã không còn ai ở đó cả…
“Không hay rồi!”, hắn quay phắt chạy về phía tàu. Con tàu Marina Bell to lớn vẫn ở đó, nhưng đèn đóm đều đã tắt hết, chỉ còn lại một ngọn đuốc quơ đi quơ lại trên boong.
“Phải chạy nhanh, phải chạy thật nhanh! Không được để nó bỏ rơi mình!”, chỉ còn suy nghĩ độc nhất đang gào thét trong đầu, Gia Công nhanh chóng chạy tới. Nhưng đang định bước chân lên tấm ván bắc vào tàu thì hắn đột nhiên chậm lại, rồi dừng hẳn. Mắt hắn mở to nhìn về phía ngọn đuốc – ánh sáng duy nhất còn lại trên tàu. Ở đó, một bộ xương khô mặc trang phục cướp biển đang giơ cánh tay trắng hếu bóp cổ một người đàn ông.
“Trời đụ! Kia… không phải là… thuyền… thuyền trưởng Francois sao? Còn cái bộ xương kia là gì? Nó lại còn cử động!??”, Gia Công trợn mắt hoảng hốt. Hắn lùi dần, lùi dần, rồi giật thót khi lưng chạm tới tảng đá ở sau lưng. Quay lại vòng ra sau tảng đá, hắn nhỏm lên quan sát động tĩnh trên tàu, lòng dấy lên hàng tá câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra? Bọn thằng Tú, thằng Nam đâu rồi? Vừa mới thấy đông thủy thủ tới vậy mà sao đã im lìm thế vậy? Bọn họ bị đánh thuốc mê hết rồi hay sao, không ai la hét một tiếng nào cả sao? Bộ xương khô kia là thế nào?”