Khi Gái Biết Yêu - Chương 14
Tháng 3 năm 1975, tình hình bỗng thay đổi làm náo động mọi người…
Gái vốn ít để ý đến chuyện chiến sự, tình hình thời sự, nhưng toàn bộ trong cái cảnh của đất nước đang trong tình trạng nguy ngập, Gái cũng nơm nớp lo âu lắng nghe chuyện Ông Tám và Ba Gái bàn bạc với nhau. Những nếp nhăn xuất hiện sâu hằn trên trán hai ông già. Họ đang toan tính để đối phó với tình thế đang thay đổi từng ngày từng giờ. Những toan tính cho tương lai của Gái và cậu Hai đang bị lung lay bởi cơn lốc của thời cuộc, của đất nước. Xóm trong, xóm ngoài xôn xao với những tin tức không thuận lợi từ bà con của họ từ miền Trung chạy vào tá túc kể lại.
Gái tìm báo chí để có thêm tin tức chính xác hơn. Thì hôm sau cậu Hai về tới. Cậu ôm Gái vào lòng một lúc để trấn an Gái, rồi tìm gặp Ông Tám. Gái theo cậu để nghe thêm tin tức. Ông Tám và cậu Hai nói chuyện một lúc, rồi ông cho người gọi Ba Má Gái sang nhà.
Ông quyết định tổ chức đám cưới cho Gái và cậu Hai trong vòng thân thuộc. Ông nói với Ba Gái:
“Tình hình có vẻ không tốt chút nào. Tôi dự định lo cho tụi nhỏ cho xong chuyện hôn sự. Chắc tui dới ông còn nhiều chiện phải tính …”
Ông Tám không nói cười ha hả như mọi khi. Gái thấy trán ông già nhíu lại, vẻ lo nghĩ hiện rõ trong nét mặt. Gái nhìn Ba Gái thì cũng thấy cái vẻ lo âu lộ rõ trong ánh mắt.Thành ra hôn lễ của Gái chỉ tổ chức đơn giản trong hai họ. Trước bàn thờ tổ tiên nhà Gái, Gái và cậu Hai chính thức lạy tổ tiên chứng giám cho hai đứa là vợ chồng. Sau đó Gái cũng về nhà Cậu Hai làm lễ gia tiên bên đó. Tiệc cưới không tổ chức rền rang như cậu Hai dự tính với Gái, thay vào đó là buổi tiệc trong nhà, chỉ có mặt bà con hai họ. Bà con chúc mừng Gái và cậu Hai xong. Tiệc vui không đánh tan nỗi những lo âu thời cuộc. Rốt cục đề tài nói chuyện cũng kéo về những cuộc rút lui, những di tản, những xôn xao nếu Sài Gòn thất thủ….
Ðêm đó sau khi mọi người đã về, Ba Má Gái ngồi lại với Gái, Cậu Hai và Ông Tám. Ba Má Gái muốn nói chuyện với Gái và cậu Hai. Cuộc họp mặt này thiệt hết sức nghiêm trọng. Ba Má Gái nói với Gái như thế này:
“Ba Má thấy tình hình có vẻ nguy ngập tới nơi, không biết ngày mai rồi sự thể sẽ ra sao. Nay trong ngày cưới của hai con, Ba Má có món quà này, hai con giữ làm kỷ niệm.. “
Cả Ba Má Gái đều rất nghiêm trọng khi nói vậy, xong Ba Gái giao cho Gái và cậu Hai hai miếng ngọc màu xanh là hình tượng Phật Bà Quan Thế Âm. Ba Gái nói tiếp:
“Hai miếng ngọc Phật Bà này làm từ một viên ngọc, khi con ráp lại với nhau thì không có kẻ hở, hai mặt Phật đâu lưng nhau, trước sau giống nhau như hệt. Ba Má muốn cho các con để trong hoạn nạn Ngài sẽ che chở bảo vệ cho hai con, các con cũng sẽ không bao giờ chia cách…”
Gái nghe Ba nói mà muốn ứa nước mắt. Cậu Hai cũng cảm động cảm ơn Ba Má Gái rồi nhận lấy hai mặt ngọc. Hai đứa đeo hai mặt ngọc Phật Bà Quan Âm này trong suốt cuộc ly loạn về sau…
*
* *
Ngày 12 tháng 3 năm 1975, tin Ban Mê Thuộc thất thủ làm rúng động mọi người. Rồi xảy tới cuộc triệt thoái cao nguyên. Ðại lộ số 7 diễn ra cuộc di tản kinh hoàng của cuộc tháo chạy trong hỗn loạn và chết chóc. Tin tức báo chí làm gia đình Gái và cậu Hai thiệt tình nao núng. Rồi chỉ vài tuần sau đó, Huế mất. Ðà Nẵng cũng chung số phận vào cuối tháng ba. Ðất nước tan tác như đàn chim vỡ tổ, bay tứ tán không biết về đâu…
Ông Tám và cậu Hai liên tục nghe ngóng tin tức qua báo chí, đài BBC, đài VOA. Ông Tám nói với Gái và cậu Hai:
“Tình thế nguy ngập, Ba không nghĩ là Quốc Gia mình có thể chống chọi nỗi…”
Và ông âm thầm tính toán đường thoái…
Tháng 4 năm 1975. Tháng định mệnh của hàng triệu người, trong đó có Gái và cậu Hai. Chiến cuộc càng lúc càng lan xuống gần miền Nam. Ðầu tháng tư, chiến trận đã xảy ra ở Xuân Lộc, Cậu Hai nói với Gái không cách xa Sài Gòn bao xa. Thì đến ngày 21, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ngày 23, Xuân Lộc mất.
Ngày 30 tháng tư, lúc đó là ba giờ rưỡi chiều, Ông Tám, Ba Má Gái và cậu Hai lặng người khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Gái thấy nước mắt ứa ra từ ánh mắt của ông Tám. Trời bỗng kéo mây đen nghịt, cơn giông bão ở đâu đột nhiên ập tới. Ông Tám bước vào trong, mang cái áo mưa vào người . Ông dặn Gái và cậu Hai ở nhà chờ ông, không được đi đâu hết. Buổi tối hôm đó, ông gọi Ba Má Gái sang nhà, cuộc họp mặt này là lần sau cùng có mặt đông đủ moị người. Ông Tám nói hôm đó Gái vẫn còn nhớ :
“-Trong tình thế này, tui tính cho thằng Hai và con Gái đi…”
Cậu Hai ứng tiếng:
“-Còn Ba.. rồi Ba Má dợ con..??”
Ông Tám lên tiếng, giọng ông trầm buồn:
“Ba dới Ba Má dợ con đã tính toán dới nhau rồi. Ba dới ổng bả đã già rồi, cuối đời rồi con, sống chết có số, mà thấy các con không có tương lai bụng không đành, còn nước còn tát… chuyện còn đường binh thì phải binh…”
“Hai đứa nghe đây..
Ông Tám nói với Gái và cậu Hai con đường thoái. Ông vốn quen vói nhiều sĩ quan hải quân, và nhiều người trong chính quyền. Cả tháng trước ông đã âm thầm liên lạc, móc nối và tổ chức cho chuyến đi bằng đường biển. Tin tức của người bạn sĩ quan Hải Quân là nếu miền Nam thất thủ, họ sẽ dùng tàu trực chỉ hải phận quốc tế, hạm đội Mỹ chắc chắn sẽ vớt người cứu tàu. Ông chỉ muốn Gái và cậu Hai đi nên việc móc nối không khó khăn đối với ông. Khi nghe lệnh đầu hàng, ông Tám bắt liên lạc với đường dây. Tối hôm đó cậu Hai và Gái phải chuẩn bị lên đường ngay.
Gái nghe ông Tám nói mà lòng ngỗn ngang trăm mối. Ngực Gái như có tảng đá nặng chặn lên ở đó. Gái nhìn cậu Hai thì cũng thấy được vẻ lo âu và hỗn loạn trong cậu. Có điều cậu giữ được cái bình tĩnh của đàn ông, sẵn sàng đối phó… Ðến tối thì có người lạ mặt đến nhà vào giữa khuya. Gái và cậu Hai đã chuẩn bị để đi…
Gái ôm Ba Má Gái, Gái khóc. Cuộc chia ly này Gái không biết có còn gặp lại được Ba Má hay không.. Gái thấy Má gắng gượng, rồi cũng không cầm được nước mắt.
Ðó là hình ảnh sau cùng Gái ghi nhớ trong chuyến đi định mệnh này.. Gái nắm tay cậu Hai, Gái bước theo cậu mà chân không nhấc lên nỗi…
Vận nước giống như đêm tối mịt mùng ngoàì kia chụp lấy hai đứa …