Hợp Đồng Bảo Vệ - Chương 72: Thì ra chỉ là một giấc mơ! (3)
—
Đầu giờ chiều ngày 30 Tết, nhận được điện thoại của Mai Ngọc báo là xe từ Quảng Bình sắp về đến bệnh viện, Thụy Kha trong phòng bệnh của mình cùng với Ánh Tuyết và Quang IT hớt hải chuẩn bị ra cổng đón.
Người lo lắng nhất là Thụy Kha, cô không biết điều gì sẽ đợi mình ở phía trước khi gặp gia đình Thìn, chuyện họ vì lo lắng cho con trai mà mắng mỏ thậm chí đánh đập Thụy Kha cũng lường trước, cô sẵn sàng chấp nhận tất cả.
Xe vào trong sân thì đỗ lại, Mai Ngọc ngồi ghế trên cùng xuống trước tiên, trông Mai Ngọc mặt mũi bơ phờ, đầu tóc có chút rối, mắt thâm quầng, từ đêm qua đến giờ Mai Ngọc chưa ngủ một phút nào.
Người đầu tiên bước xuống xe là một người phụ nữ chừng 60, bà mặc một chiếc áo khoác măng tô, mái tóc dài một nửa là bạc, nước da ngăm đen, khuôn mặt phúc hậu hiền từ. Là mẹ của Thìn.
Sau mẹ Thìn là một người đàn ông đen nhẻm, gầy gầy nhưng rắn rỏi, da mặt ông săn lại, ánh mắt sáng, mái tóc mầu hung hung vì cháy nắng. Ông là bố của Thìn.
Một người phụ nữ nhìn bên ngoài khoảng gần 40 tuổi, tóc dài được kẹp bằng một chiếc kẹp sắt mầu trắng, khuôn mặt dễ nhìn nhưng nhưng trông chị già hơn so với tuổi thật của mình. Chắc chắn là chị Hợi, chị của Thìn rồi.
Cuối cùng là một người đàn ông tuổi chừng 30, anh có khuôn mặt vuông vức chữ Điền, tóc để khá dài nhưng xoăn tít lại với nhau, khuôn mặt đen nhẻm do cháy nắng, nhìn anh cao to lực lưỡng với bắp thịt ở tay cuồn cuộn. Anh chính là Dần, anh trai của Thìn.
Thụy Kha mặc một chiếc quần bò dài tới tận gót chân, cô khoác trên mình một chiếc áo phao lông vũ. Nhìn thấy cả 4 người thân ruột thịt của anh Thìn đã xuống xe cả, Thụy Kha lại gần cầm lấy tay mẹ của Thìn:
– Con chào hai bác, em chào anh chị. Con là Thụy Kha đây ạ.
Ở trên đường đi, Mai Ngọc đã kể lại toàn bộ sự việc cho cả nhà Thìn nghe, nên khi vừa nhìn thấy Thụy Kha xưng tên, mọi người đã biết người này chính là người mà Thìn bảo vệ. Thấy cô ấy có nét xinh đẹp, hiền dịu, lại lễ phép ra tận đây đón, không tỏ vẻ kiêu căng khi mình là chủ tịch một công ty lớn. Rồi lại thấy khuôn mặt buồn rầu sầu não, ánh mắt thất thần, con ngươi đỏ hoe của Thụy Kha. Ai nấy đều có chút thiện cảm khởi phát trong lòng. Cả nhà ai cũng biết Thìn làm nghề gì, công việc là gì, chịu những rủi ro thế nào nên chẳng ai có ý trách Thụy Kha cả. Cũng như anh Dần đấy thôi, chọn cái nghề đi biển là giao tính mạng mình cho Thần Biển, Thần Bão mà.
Mẹ Thìn cũng đắp bàn tay chai sạn đen đúa của mình vào bàn tay trắng trẻo búp măng của Thụy Kha, bà từ tốn và bình tĩnh dù biết rằng đứa con út của mình đang ngàn cân treo sợi tóc:
– Cháu đấy à, đừng suy nghĩ gì nhiều. Mau đưa bác vào thăm thằng Thìn.
Rồi Thụy Kha đi đầu dẫn tất cả mọi người vào khu vực hậu phẫu.
Nhìn thấy Thìn qua tấm kính bên cạnh cơ man máy móc. Mẹ Thìn loạng choạng xuýt nữa thì ngã, bà gần như là gào lên:
– “Ối, thằng Út của mẹ”, bất kỳ một người mẹ nào, đứa con nào cũng thương, cũng yêu hết nhưng thường dành phần thương nhỉnh hơn cho đứa út. Thằng Thìn của mẹ cũng vậy, mẹ cưng nó như trứng mỏng từ lúc nó bé đến tận giờ, có miếng ngon cũng cho nó nhiều hơn anh chị một chút. Hồi bé nó nằng nặc đòi theo mẹ đi cào muối, mẹ không cho nó khóc rống lên làm mẹ thương quá đành đùm con theo. Cánh đồng muối trắng phau thẳng tắp tít mù không một bóng cây, mẹ đành nhường cho con cái nón lá rồi bọc con trong cái khăn để tránh nắng. Cào được đôi ba vòng lại chạy về phía con mà nựng vào cái má núng nính một cái rồi lại chạy ra cào tiếp. Mẹ thương thằng Út bé bỏng của mẹ lắm.
Bố Thìn rắn rỏi, đời ông sương gió, trầm tính ít nói nhưng nhìn thấy thằng con trai ông cũng rớm cả nước mắt, những giọt nước mắt mà từ khi ông lớn lên đến bây giờ mới thoát ra khỏi khóe mi. Ông ít nói nhưng ông quý và thương thằng Út nhất, nó xa nhà tự thân lập nghiệp từ lúc 18 tuổi đến giờ. Mới đầu lên Hà Nội làm bảo vệ tháng nào nó cũng gửi tiền về nhà. Rồi lúc nó đi học cũng ngày học tối đi làm thêm kiếm tiền trang trải chứ không có xin bố mẹ đồng nào.
Còn chị Hợi thì ôm lấy mẹ khóc theo, thằng Út của chị. Hồi còn ở nhà thì rảnh lúc nào là chạy theo chị ra chợ bán cá, nó lọc cá, nó bưng rổ cá từ thuyền lên bờ cho chị, rồi cũng cùng chị lăn xả vào khoang thuyền mà lượm những con cá ngon. Chị biết, Út nó thương chị vất lắm, thỉnh thoảng lại gửi từ Hà Nội về cho chị những lọ dầu gội, bánh xà bông, những cái áo đẹp mà chị chỉ dám mặc khi Tết hoặc khi đám cưới. Ôi thằng Út của chị.
Anh Dần chống hai tay vào tấm kính, mắt anh dí sát vào để nhìn thằng em được rõ hơn. Anh không khóc nhưng anh thương thằng em này lắm, nó kém anh có hai tuổi thôi nên có thể nói nó là cùng trang lứa với anh, bạn anh nó biết và chơi cả lẫn nhau. Hồi nhỏ hai anh em thường ở cùng một đội chơi cung kênh, chơi đấu ngựa, chơi trò bắn bùm với tụi bạn xóm giềng. Theo anh nhớ, hai anh em chưa bao giờ đánh nhau, cãi nhau bao giờ, chuyện này bố mẹ nghiêm khắc lắm, bố mẹ thường dậy: “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, giọt máu đào hơn ao nước lã, trong cuộc đời chỉ có ruột thịt là không bao giờ bỏ được nhau vậy nên đừng bao giờ cãi nhau, nhớ nhe mấy đứa”. “Thằng Út ơi, hồi mày học xong, mày có xin anh cho mày đi biển cùng nhưng anh không cho. Là anh không muốn mày theo anh đi biển, ngoài biển mênh mông sóng dập dềnh nguy hiểm lắm mày có biết không? Nhưng giờ anh biết là trên bờ cũng hiểm nguy đâu kém gì. Thằng Út ơi, mày tỉnh lại đi mày”.
Thụy Kha, Ánh Tuyết, Mai Ngọc, Quang IT và cả cả mấy cô y tá nữa nhìn thấy bốn người bọn họ như vậy cũng òa khóc theo. Những con người nhỏ bé chân chất thật thà ấy đang nhìn khúc ruột của mình nằm trong kia, không có bất cứ phản xạ nào của sự sống, chỉ có tiếng kêu tít tít của máy móc mà thôi. Họ đau lắm chứ, họ xót lắm chứ. Nhưng họ cũng mạnh mẽ lắm, họ chỉ khóc vì thương thôi, chứ họ không khóc vì oán, vì hận, vì thù một ai cả. Họ chưa một lời hỏi ai là kẻ gây ra thảm cảnh này, họ cũng không trách một lời hai chữ “vì ai?”.
Tất cả như lặng đi…….
Và Zũng tôi cũng lặng đi trong giây phút này ……………………….
—
Bố mẹ Thìn ngồi trên chiếc giường bệnh tại phòng của Thụy Kha, anh chị Thìn thì ngồi ở cái ghế tựa cạnh đấy, còn Thụy Kha thì đang ngồi ở giữa. Vừa rồi, cô thuật lại nguyên văn tình hình bệnh tật của Thìn cho cả nhà nghe. Vừa kể cô vừa xụt xịt. Cuối cùng, hít một hơi thật sâu đầy lồng ngực, Thụy Kha giãi bày:
– Thưa hai bác, thưa anh, thưa chị. Con chẳng dám giấu hai bác nửa lời, con yêu anh Thìn.
Cả nhà ngơ ngác nhìn Thụy Kha, cả Mai Ngọc và Ánh Tuyết cũng ở đó. Thụy Kha nói tiếp:
– Nếu anh Thìn có mệnh hệ gì, anh ấy có sống thành người như thế nào? Con cũng xin được cả đời được ở bên anh ấy. Thay anh ấy chăm sóc báo hiếu bố mẹ. Hu hu hu hu. Con xin bố mẹ, xin anh chị hãy nhận con làm con trong nhà. Hu hu hu hu.
Nói đến đây Thụy Kha bật khóc thành tiếng nức nở, cô cố gắng kìm nén lắm, chuyện này cô đã suy nghĩ cả đêm hôm qua. Anh Thìn nếu có may mắn sống được thì mười phần có đến chín cũng không thành người bình thường được, cô tự thấy mình phải thay anh ấy chu toàn cho bố mẹ, không phải là trả công hay trả ơn gì gì đâu, là cô tự nguyện cam lòng dựa vào tình yêu và lương tri mách bảo.
Thấy Thụy Kha khóc ròng, mẹ Thìn như một người mẹ hiền lại cầm lấy tay Thụy Kha, bà ưng ưng bụng đứa con gái trắng trẻo xinh đẹp mà lễ phép này rồi. Nhưng bà đã lớn tuổi, cái nhìn đời của bà cũng có khác người còn trẻ:
– Con à, đừng khóc nữa. Thìn nó có bị như thế này bố mẹ không trách con, đó là nhiệm vụ nó phải làm, bố mẹ luôn dạy nó phải hết lòng vì công việc. Tấm lòng con bố mẹ xin nhận, bố mẹ và anh chị sẽ coi con như người nhà. Còn về chuyện của Thìn, cứ đợi xem tình hình thế nào đã. Nếu nó mệnh nhỏ bố mẹ sẽ mang nó về quê, bố mẹ không dư dả gì nhưng sẵn sàng đón đứa con trai trở về.
Đôi mắt trĩu nặng, mẹ Thìn như già đi mấy tuổi, bà thương con nhưng cũng tính toán thiệt hơn, nghe Thụy Kha vừa kể bệnh tình của Thìn, ông bà đã sẵn sàng đón nhận tất cả, nếu con chết thì mang con về vùi dưới cát biển quê cha đất tổ, nếu nhờ trời nó còn sống thì có điên, có mất trí, có thành cái dạng gì bà cũng không tiếc thân già này mà hi sinh nốt cho con.
Bố Thìn và hai anh chị cũng gật đầu đồng ý với lời của vợ, của mẹ vừa nói.
Thụy Kha thấy mình phải trấn tĩnh lại, cô cần phải mạnh mẽ, không được yếu đuối giờ phút này, quệt nước mắt, Thụy Kha nói:
– Con tin là anh Thìn sẽ trở lại bình thường. Con tin chắc chắn là như vậy. Con sẽ làm hết sức mình để cứu anh ấy. Kể cả phải mang anh ấy ra nước ngoài điều trị con cũng làm. Xin bố mẹ, xin anh chị hãy tin ở con.
Với ánh mắt khẩn cầu và thể hiện sự quyết tâm, Thụy Kha đã làm cho những người ngồi đây có thêm niềm tin, có thêm hy vọng rằng sẽ có một điều thần kỳ xảy ra. Nhưng mọi thứ vẫn còn phải đợi, bác sĩ Thông có nói, ít nhất 1 tuần nữa mới biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với Thìn. Mà bây giờ mới là chiều 30 Tết.
—
Lo và thương là vậy, nhưng cuộc sống vẫn là cuộc sống, ngày Tết còn hàng trăm việc phải lo, thấy ở lại cũng không có giúp được gì, cũng không gặp được Thìn nên bố Thìn, anh Dần và chị Hợi đành buồn bã về Quảng Bình ngay, đi luôn mới kịp đón giao thừa ở nhà. Chỉ có mẹ Thìn là ở lại Hà Nội. Thụy Kha cho xe đưa 3 người ngược về Hà Nội. Đêm nay anh lái xe của công ty cũng phải đón giao thừa trên đường. Mai Ngọc đã trực tiếp động viên và nhờ anh vất vả chuyến này, ngày Tết không ai lấy quyền hành gì mà bắt người ta phải xa gia đình, mọi thứ phải là tự nguyện.
—
Thụy Kha, Ánh Tuyết, Mai Ngọc và Quang IT đưa mẹ Thìn về ngôi biệt thự của Thụy Kha để bà có chỗ nghỉ ngơi, bà được sắp xếp ở phòng của Thìn, cái phòng đối diện của cô. Mai Ngọc và Ánh Tuyết thì ở phòng của Thụy Kha, còn Quang IT thì ở phòng dưới gầm cầu thang, nếu Ánh Tuyết muốn xuống cùng để anh người yêu khai chày thì chắc cũng không vấn đề gì.
Cô cũng nói Ánh Tuyết cố gắng tìm mua những thứ đồ dùng, thức ăn, thức uống cần thiết cho ngày Tết để mẹ Thìn không cảm thấy trống trải khi phải đón Tết trên này. Lúc gần 11 giờ đêm, cô xin phép mẹ Thìn cho cô trở vào bệnh viện, cô muốn đón giao thừa cùng anh. Mai Ngọc xin đi theo, Thụy Kha đồng ý. Vậy là ở nhà chỉ có mẹ Thìn và đôi bạn trẻ Ánh Tuyết – Quang IT.
—