Hợp Đồng Bảo Vệ - Chương 112: Lật ngược thế cờ (2)
Chi nhánh miền Trung đặt trụ sở tại thành phố biển Đà Nẵng, một màn hình chiếu 300 inch đang chiếu cảnh chủ tịch đang đi từ dưới lên bục phát biểu. Tất cả cán bộ công nhân viên đang chăm chú theo dõi, trừ những cán bộ cấp cao của chi nhánh, còn lại tất cả đều chưa bao giờ gặp chủ tịch bằng xương bằng thịt, họ chỉ nhìn thấy chủ tịch của mình qua các phương tiện thông đại chúng, được nghe kể lại những giai thoại, những quyết sách của chủ tịch trong quá khứ mà thôi.
—
Chi nhánh miền Nam đặt trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như vậy.
—
Rồi ở toàn bộ các công trường, nơi các công trình của Hưng Thịnh đang xây dựng, những cán bộ nhân viên ở các ban quản lý dự án cũng được theo dõi trực tiếp qua màn hình chiếu.
—
Trở lại với phòng họp tại trụ sở chính.
Thụy Kha từ từ đi lên sân khấu, dáng đi không chậm nhưng cũng không nhanh, khuôn mặt lạnh lùng bình thản, nhìn khuôn mặt cô lúc này không ai nghĩ rằng Hưng Thịnh đang trong giờ phút nguy khốn. Thụy Kha ăn mặc không cầu kỳ, đó là một bộ vest nữ màu hồng nhạt, chiếc caravat được thay bằng một chiếc khăn nhỏ giống như nơ.
Cô nhấc chiếc micro không dây ở đặt ở bục phát biểu ra và thong dong đi về phía giữa sân khấu. Thụy Kha nhìn vào ghế của anh Thìn đầu tiên nhưng vẫn không thấy anh, linh cảm người phụ nữ báo cho cô biết anh chắc chắn có chuyện gì quan trọng mới không ngồi ở đây. Anh biết cuộc họp này là cực kỳ quan trọng đối với cô, đêm hôm qua, cuộn tròn trong lòng anh cô còn được nghe anh động viên nữa mà. Nhưng cô vẫn tin tưởng vào anh, anh trước nay làm gì đều có lý do chính đáng, chỉ không biết anh có gặp hiểm nguy gì không thôi.
Thụy Kha nhìn xuống khắp khán phòng thì tiếng vỗ tay mới dừng hẳn, cả phòng họp giờ im phăng phắc.
Đưa micro lên gần miệng, Thụy Kha nói khá chậm, nhưng chữ nào chữ ấy chắc nịch, không thừa không thiếu:
– Thưa toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty Hưng Thịnh có mặt trong khán phòng này và các cán bộ công nhân viên của công ty trên khắp cả nước. Cán bộ công nhân viên của chúng ta có người tuổi bậc cha chú, có người tuổi anh chị, nhưng hôm nay cho phép tôi được dùng danh xưng chung là “tôi”.
Thụy Kha sử dụng giọng thật của mình, lời nói có âm lượng vừa phải, có lúc dừng lúc nghỉ hợp lý, lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm, đặt trọng tâm vào những nội dung nổi bật. Ngoài ra còn kết hợp ngôn ngữ hình thể như động tác tay, ánh mắt, hướng nhìn .v.v. Đó là những kỹ năng thuyết trình mà cô đạt điểm cao nhất khi học đại học bên Mĩ, sau này còn được tôi luyện khi cô là đại sứ trong một số chương trình phi lợi nhuận của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Unicef .v.v.
Người nghe tại đây và qua màn hình im lặng, họ nuốt từng lời và chăm chú nhìn lên vị chủ tịch của mình.
Thụy Kha dừng lại một lúc sau đoạn mở đầu, sau đó cô tiếp tục:
– Hưng Thịnh tính đến ngày hôm nay đã hoạt động được 6 năm 3 tháng và 27 ngày nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp nói chuyện với toàn thể cán bộ công nhân viên, những người đã gắn bó và cống hiến để công ty đi đến được ngày hôm nay, tôi trân trọng cảm ơn tất cả vì điều đó.
……….
……….
– Tôi sinh ra tại Hà Nội, rồi năm 10 tuổi theo cha mẹ ra nước ngoài sinh sống và học tập. Tôi tốt nghiệp đại học sau đó tham gia một số chương trình vì cộng đồng của các tổ chức quốc tế. Gia đình tôi sống xa quê hương nhưng chưa bao giờ chúng tôi không hướng về Tổ quốc thân yêu, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Năm 24 tuổi, tôi quyết định một mình trở về Việt Nam, lúc đó tôi cũng không biết mình sẽ làm gì, tôi chỉ nghĩ trong đầu là “cứ về thôi”. Rồi sau đó tôi đi lang thang khắp đất nước hình chữ S để tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, từ đất mũi Cà Mau đến đến địa đầu Hà Giang. Cũng từ những ngày tháng đó, tôi đã biết mình phải làm gì.
(Hết đoạn vừa rồi, Thụy Kha dừng lại một chút rồi nói tiếp)
– Tôi quyết định thành lập Hưng Thịnh với sứ mệnh là xây dựng một công ty tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng đồng thời cũng phải có lợi nhuận để giúp đỡ càng nhiều càng tốt những vùng đất, những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn trong xã hội. Với tầm nhìn là một doanh nghiệp nước ngoài nhưng phát triển bền vững, lâu dài tại Việt Nam, trở thành một doanh nghiệp của người Việt Nam, vì người Việt Nam và mang lại lợi ích cho người Việt Nam. Với số vốn ban đầu chỉ bằng 1/10 giá trị hiện tại của công ty do bố mẹ tôi hỗ trợ và các cô chú cổ đông cũng là những Việt Kiều đóng góp. Vượt qua biết bao khó khăn, gian lao vất vả, Hưng Thịnh tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Và giờ đây đã trở thành TOP 100 doanh nghiệp ngoài quốc doanh lớn nhất Việt Nam.
………..
……….
– Và tôi nghĩ rằng, Hưng Thịnh đang đi đúng con đường mà mình đã lựa chọn kể từ ngày đầu tiên. Tôi xin phép không nói về việc chúng ta xây dựng được bao nhiêu khu đô thị, khu nghỉ dưỡng phức hợp, bao nhiêu tòa nhà chung cư, chúng ta có bao nhiêu chi nhánh, bao nhiêu nhà máy, lợi nhuận hàng năm chúng ta có được bao nhiêu. Tôi chỉ nói rằng, tính đến nay Hưng Thịnh đã góp tay xây dựng được hơn 100 ngôi trường cho thầy và trò ở vùng sâu vùng xa. Hưng Thịnh đã tài trợ gần 1.000 ca mổ tim cho những trường hợp khó khăn. Hưng Thịnh đã xây được gần 500 ngôi nhà tình nghĩa cho những người già neo đơn, người có công. Hưng Thịnh đã trao học bổng trọn đời cho 5.000 em học sinh nghèo hiếu học. Hưng Thịnh luôn là doanh nghiệp tiên phong, đóng góp tích cực nhất, hiệu quả nhất cho các tổ chức từ thiện. Và còn rất nhiều điều ý nghĩa nữa đang chờ chúng ta ở phía trước. Cá nhân tôi và tất cả chúng ta, những thành viên của mái nhà Hưng Thịnh hãy luôn tự hào về điều đó. Xin quý vị đừng kể với những người thân trong gia đình, bạn bè gần xa rằng Hưng Thịnh to lớn ra làm sao, tài sản thế nào, quý vị hãy kể rằng chúng ta đóng góp được gì cho xã hội. Rằng chính bản thân quý vị, chính những nỗ lực làm việc của quý vị trong quá trình lao động miệt mài hăng say tại công ty đã góp phần tạo nên những điều vô cùng ý nghĩa đó.
(Tính cả hơn 2.000 công nhân nhà máy máy, có hơn 3.000 con người đang chăm chú lắng nghe từng lời, từng lời gan ruột của Thụy Kha, họ im lặng nhưng trong lòng đang dâng trào cảm xúc. Họ vừa mới chợt nhận ra, bao nhiêu năm nay mình được trả công không phải chỉ là đồng lương bằng tiền mặt, họ còn được trả một thứ khác nữa, có giá trị không kém tiền)
– Nhưng ngày hôm nay, Hưng Thịnh đang đối mặt với một thách thức vô cùng lớn. Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bị một công ty khác thôn tính, trở thành viên của một công ty khác. Nhưng bản chất của sự việc lại chính là một cuộc khủng hoảng mà tôi gọi là “khủng hoảng niềm tin”. Chúng ta chưa thực sự tin tưởng và trao trọn niềm tin cho nhau. Việc này dẫn đến một số cán bộ công nhân viên đã nộp đơn xin nghỉ việc và chuyển sang công ty khác làm. Với những cán bộ nhân viên đó, tôi không muốn giữ bởi chúng ta không thể đi xa cùng nhau nếu không có niềm tin dành cho nhau. Qua sự việc khó khăn này, cũng là cơ hội để chúng ta thanh lọc bớt những nhân sự chưa tâm huyết và không có ý muốn gắn bó lâu dài với công ty.
…………
…………
…………
– Nhưng cũng qua sự việc này, với tư cách là chủ tịch hội đồng quản trị công ty Hưng Thịnh, tôi xin được gửi lời tri ân và cảm tạ tự đáy lòng mình tới toàn bộ công nhân và cán bộ tại nhà máy giầy da Hưng Yên. Trong suốt những ngày qua, công ty không nhận được bất kỳ một lá đơn xin nghỉ việc nào của công nhân. Mặc dù tôi biết có những doanh nghiệp khác ngay bên cạnh mời chào sang làm việc với mức lương tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Tôi đã có 1 đêm mất ngủ vì buổi chiều hôm đó, Tổng giám đốc báo cho tôi biết là công ty nhận được hơn 2.000 lá đơn viết tay của toàn bộ công nhân nhà máy, tất cả đều đồng loạt xin được tăng ca. Lý do là để tăng sản phẩm xuất xưởng, mong muốn đóng góp phần nào giúp công ty vượt qua khó khăn. Cô chú, anh chị công nhân, cán bộ nhà máy thân yêu. Những hành động đó của cô chú, anh chị đã tiếp thêm nghị lực cho tôi, cho ban giám đốc và đội ngũ lãnh đạo công ty, giúp chúng tôi có thêm tinh thần để chèo lái Hưng Thịnh vượt qua giai đoạn này.
(Thụy Kha nói xong thì hơi cúi đầu như hành động tri ân.
Toàn bộ hơn 2.000 công nhân tại nhà máy may im phăng phắc, có rất nhiều chị đã rớm nước mắt theo giọt mồ hôi chảy xuống làm ướt cái khẩu trang vẫn còn gắn trên môi. Họ chẳng có kiến thức sâu xa gì đâu, chẳng hiểu nhiều biết rộng đâu. Họ đứng truyền may thì chỉ biết đưa hai miếng da vào máy và đính chúng lại với nhau. Họ đứng truyền gót thì chỉ biết dùng keo gắn cái gót dầy vào miếng da. Họ đứng truyền KCS thì chỉ biết tìm những sợi chỉ thừa, những chỗ lỗi của sản phẩm. Họ đứng truyền đóng gói thì chỉ biết xếp những đôi giầy vào trong hộp .v.v. Chấm hết. Họ cũng chẳng quan tâm trên mạng trên mẽo người ta nói gì về vị chủ tịch xinh đẹp của mình. Họ chỉ biết rằng, lương tháng họ nhận được không chậm chễ 1 ngày, họ chỉ biết rằng thu nhập của họ cao hơn hẳn những ngày cũ, làm lại nhàn hơn. Họ chỉ biết rằng giờ họ đã có “nhà của mình”, căn nhà dành cho công nhân mà họ đã mua của công ty với giá ưu đãi, lại còn được trả chậm bằng việc trích lại một phần nhỏ tiền lương. Họ chỉ biết rằng cuộc sống của họ vẫn chưa có của ăn của để nhưng cũng không còn phải lo rằng ngày mai thùng gạo trong bếp đã cạn. Và họ cũng chẳng biết giúp lại công ty bằng cách nào, chỉ biết đóng góp bằng chính sức lao động, bằng mồ hôi của mình mà thôi)
Thụy Kha dừng lại một lúc thì nói tiếp: