Hoa Dại - Chương 22
Tờ giấy hẹn vài dòng chữ nguệch ngoạc kèm theo con dấu đỏ chót dường như có thể tan biến đi bất kỳ lúc nào khi nó mỏng dính và nằm trên bàn tay xương xẩu đang run lên từng cơn vì xúc động. Nhìn ngược xuôi lên xuống khắp cơ thể tàn tạ tôi vẫn chưa tìm được cho mình chỗ cất lý tưởng cho chiếc chìa khóa đem lại niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cái hiện tại đen tối bây giờ. Để vào chiếc áo nịt ngực tôi lại nhớ đến những bàn tay hôi hám sẵn sàng giật tung nó ra và ném vào đâu đó ở vệ cỏ hay là vứt thẳng xuống dòng sông tô lịch đen ngòm tanh tưởi. Để vào băng vệ sinh như những lần giấu tiền và thuốc ư, rồi nó sẽ thấm đầy máu đỏ bởi những kẻ man rợ khi dùng những chiếc bao cao su gai góc hoặc những phụ kiện lắp khắp cơ thể. Và khi đã tìm chán chê chỗ để tấm vé bước vào cuộc sống mới tôi nhận ra bản thân mình không có nổi một chỗ để cái tấm vé bước vào tương lai ấy, có lẽ nó đã ngấm bùn quá sâu để có thể có làm lại cuộc đời. Không tôi cắn răng tự nhủ “không thể như thế được” và tôi không buồn tìm chỗ cất trên thân hình lúc nào cũng như muốn đổ rập xuống đường nữa. Đảo mắt nhìn quanh vô tình đôi mắt tôi dừng lại trên một bao diêm lăn lóc góc vỉa hè, như vô thức tôi đưa đôi tay cầm lấy bao diêm ngắm nghía, chỉ là một bao diêm như bao nhiêu bao diêm khác đã từng qua tay tôi đốt không biết bao nhiêu thuốc lá, thuốc phiện. Ấy vậy mà hôm nay sao Tôi cảm thấy nó thân thiết ấm cúng thế, dù không còn nổi một cây nào để quẹt, gấp tờ giấy làm tư tôi đặt nó vừa khít vào trong khoảng không gian chật hẹp của chiếc bao diêm. Đóng nắp lại nhìn ngắm tôi tự mỉa với chính bản thân mình “một cái bao diêm đầy các que lại đốt đi bao hy vọng vào tương lai mà một chiếc bao rỗng lại có thể nhét một niềm tin một niềm hy vọng”. Rồi tôi lấy túi ny long bay đầy khắp vỉa hè để cuộn lại, 1 lớp, 2 lớp, 3 lớp… tôi cũng không nhớ là mình đã dùng bao nhiêu túi nylon để bọc lại nữa chỉ biết đến khi không thể tìm thêm chiếc túi nào xung quanh tôi mới tạm yên tâm dừng tay đến gốc cây quen thuộc đứng chờ khách hàng đêm đào một cái lỗ nhỏ chôn xuống và cũng không quên đặt vài ký hiệu nhỏ để có thể tìm ra dễ dàng.
Vậy là tạm yên tâm, tôi vươn vai để thân thể vẽ lên vỉa hè chiếc bóng dài lênh khênh trong nắng chiều tà, vậy là sắp tối rồi thời gian trôi nhanh quá, lần đầu trong đời tôi có khái niệm về nhanh chậm của thời gian. Chậm vì tôi đang mong ngóng từng ngày để bước vào một trang khác, nhanh vì tôi thấy mình cần phải tận dụng để kiếm đủ tiền cho những ngày vào trại. Không để cái suy nghĩ vẩn vơ giữ mình ở lại tôi nheo mắt nhìn về phía ánh hoàng hôn đang tắt dần rồi lạng người vào công viên bắt đầu kế hoạch săn tiền. Hình như đấy là ánh hoàng hôn cuối cùng trước khi vào trại tôi được nhìn thấy bởi sau đấy trong đầu tôi chỉ còn duy nhất chữ tiền, mắt tôi chỉ thấy tiền, tai tôi chỉ nghe được chữ tiền và mũi tôi chỉ mong đánh hơi thấy mùi tiền. Tôi làm tất cả mọi thứ để kiếm tiền, ban ngày tôi lê la xin rửa bát thuê cho các hàng cơm bụi để kiếm 10, 20k và gom góp thức ăn thừa được trộn lẫn vào nhau như cám lợn cho vào túi bóng để ăn cả bữa trưa và tối. Tôi tranh thủ ngủ trên ghế đá những lúc chiều tà dành sức cho cả đêm lăn lộn cho bao người đè lên thân thể mình. Tôi không còn nằm im như khúc gỗ, tôi cố gắng uốn éo, rên rỉ làm đủ mọi thứ mánh khóe mà tôi từng biết cốt làm sao chèo kéo thêm được đồng nào hay đồng đó. Nhưng như thế là chưa đủ, tôi còn có thể gào thét đuổi theo những thằng ko đủ tiền để trả, những thằng chỉ muốn hưởng mà ko muốn mất gì. Tôi sẵn sàng lăn xả cấu xé tru tréo trên đường phố giữa đêm mặc cho cơ thể ko có nổi mảnh vài che thân để đòi cho bằng được 50k, rồi hả hê cầm được đồng tiền nhàu nát vứt lăn lóc vệ đường kèm những cái tát hay lời chửi đổng.
Cứ vậy suốt 10 ngày tôi sống với cơm thừa canh thui, thức đêm với đôi mắt sáng rực tìm đàn ông. Để khi bình minh lấp ló nơi chân trời đôi bàn tay cáu bẩn lại run run đào bao diêm để kiểm tra cái mầm hy vọng có còn đó không rồi lại chôn xuống cùng với những đồng tiền nhàu nát. Và cái ngày tôi đào mầm hy vọng ấy lên và thề sẽ rút khỏi cuộc sống thế này đã đến, tôi bước từng bước mạnh mẽ vững vàng về địa điểm tập trung mà không thể biết được cái gì đang chờ tôi phía trước ngoài niềm tin nơi bản thân.
Địa điểm tập trung là sân của một cơ quan trong ngành cảnh sát chuyên về phòng chống tệ nạn xã hội, vì đã dành ra nửa ngày để đi tìm trước đó nên tôi dễ dàng có mặt sớm trước nửa tiếng theo giờ ghi trên giấy hẹn. Trái với cái không khí náo nhiệt tôi tưởng tượng từ trước thì bên trong cái cổng sắt cũ rỉ sét ai đó kéo hờ sẵn chỉ đủ cho 2 người đi vào là cả một khoảng không gian ảm đạm. Trong cái sân xi măng nứt ngang dọc tôi chỉ thấy lèo tèo vài mống người ngồi túm năm tụm ba ở các gốc cây bàng hoặc ghế đá, nhân viên bảo vệ bên trong chốt gác vẫn đang ngồi vắt ngược chân lên bàn xem thời sự chào buổi sáng. Không thấy ai hỏi han gì đến mình tôi liền vào sân tìm cho mình một gốc cây bàng nhỏ ngồi lên mấy viên gạch vỡ nham nhở được quây xung quanh gốc, sương sớm vẫn còn đọng nguyên trên mấy chiếc lá thi thoảng nhỏ xuống. Đặt bọc quần áo sang một bên bây giờ tôi mới đưa mắt nhìn quanh, những người có mặt ở sân đa số là nam với một bộ dạng chung là mắt đờ đẫn, đầu gật gà những cánh tay đen gầy đầy vết chich được còng gọn ghẽ vào thành ghế hoặc những thanh sắt chạy dọc tường. Tôi nhìn đám người với ánh mắt tò mò vì không hiểu sao ai cũng bị còng như thế, dường như bị ánh mắt của tôi đánh động vài ba kẻ bắt đầu nhìn về phía tôi và chỉ mất vài giây định hình là những tiếng trêu đùa thô tục cất lên từ những cái mồm lúc nào cũng chực ngáp ấy. Tự dưng cái không gian vắng lặng trở nên ồn ào hơn làm cho anh cảnh sát ở phòng trực ban phía trong cùng cũng phải chạy ra ngoài ngó nghiêng.
Đưa đôi mắt lừ về đám người đang trêu chọc tôi một cái rồi anh cảnh sát ấy cũng bước về phía tôi ngồi gằn giọng hỏi:
– Ở đâu đến! Vào đây làm gì?
– Dạ! e..m đến để đi cai ạ!
Trán của anh cảnh sát hơi nhăn lại có vẻ như hơi ngạc nhiên:
– Đi cai! Thế ai đưa vào đây! Sao không thấy bàn giao cho tôi!
– Dạ! Không ai đưa! Em tự đến ạ! Đây là giấy của em!
Tôi run run đưa tờ giấy cho anh cảnh sát và thót tim khi bàn tay giật mạnh tờ giấy của tôi mà ko thèm đoái hoài đến việc có thể làm rách nó. Nheo mắt liếc qua tờ giấy rồi anh cảnh sát làu bàu:
– Được rồi! cái này tôi giữ! Cứ ngồi đây chờ đến giờ rồi đi!
Rồi anh cảnh sát quay bước ko thèm nghe tôi vâng dạ chỉ vẳng lại tiếng lẩm bẩm:
– Ép đi cai chả được lại có đứa tự chui vào!
Ánh bình minh cũng bắt đầu phủ đầy cái sân xua dần đi ít sương sớm còn lác đác, cửa cơ quan đã được ai đó mở rộng hơn, bắt đầu có những người đến tập trung xen kẽ giữa các cán bộ mặc đồng phục hoặc thường phục đến bắt đầu cho ngày làm việc mới. Hình như chỉ duy nhất tôi đến tập trung một mình bởi tất cả những đợt đến sau đều có những chiếc xe thùng kín mít kèm công an áp tải và chiếc còng số 8 trên tay dường như là vật trang sức bắt buộc cho tất cả những ai đi xuống từ thùng xe ấy. Cho đến khi chiếc xe Ba Đình màu vàng lợt chạy đến cổng để chuẩn bị đón đi thì tôi thấy trong sân có khoảng 40 người, đa số là nam và phải khó khăn lắm tôi mới nhận ra được là có 3 người cùng giới tính với mình. “Thế là trên xe đỡ phải điếc tai hay bị mấy thằng đầu trâu mặt ngựa kia quấy rối” tôi tự nhủ với mình khi cánh cửa ọp ẹp của chiếc xe bắt đầu đón những người đầu tiên lên.
Tôi được anh cảnh sát ban đầu dẫn tôi ra xe rồi yêu cầu ký tên vào cái biên bản chằng chịt chữ và dấu vân tay điểm chỉ(của những người ko biết ký) sau đó khi bước vào xe một chú cảnh sát mặt mày lạnh tanh chỉ tôi ngồi vào một ghế gần đầu xe, bên cạnh đã có một người nữ đã ngồi từ trước. Khi tôi vừa ôm bọc quần áo ngồi xuống cũng là lúc cánh tay tôi bị giằng lấy thô bạo bấm vào còng số tám và gắn lên ghế trước. Tuy hơi đau vì bị giật mạnh nhưng tôi cũng chẳng hé nửa lời kêu hay phản ứng, đơn giản là cả cái xe này ai cũng phải như thế cả, cũng bởi trong gần 40 người này ngoài tôi ra chắc ai cũng là tội phạm thuộc dạng bắt buộc phải cai.
Chiếc xe bắt đầu gầm rú rời khỏi trung tâm thành phố, gió lùa qua khuôn cửa trống huếch hoác làm tung bay những lọn tóc xác xơ của người con gái ngồi cạnh tôi, một gương mặt hốc hác vẫn còn chút dấu vết phấn son từ ngày hôm qua đọng lại. Cả người đổ gập về phía trước như muốn gục ngã đến nơi, nơi khóe miệng khô khốc thi thoảng có vài giọt nước giãi nhỏ ra kéo dài xuống tận cái đùi khẳng khiu. Định cất tiếng hỏi xem ng ta có làm sao không thì vô tình tôi nhìn thấy chiếc xi lanh đang được cắm vào một cách kín đáo sau cánh tay, ngón tay run run ấn từng nấc vào trong tiếng thở hổn hển làm cơ thể tôi cũng trở nên rạo rực thèm khát chiếc xi lanh ấy. Tôi cứ đưa đôi mắt cháy bỏng nhìn vào từng giọt chất lỏng trong xi lanh cho đến khi được đánh thức bởi giọng nói lạnh lẽo:
– Sao! Thèm ak! Lấy tí sái không!
Gương mặt của người con gái ngồi cạnh tôi đã có sức sống hơn một chút dù đôi mắt vẫn còn đờ đẫn khi đưa tôi chiếc xi lanh còn sót lại ít chất độc. Tôi cố hết sức để lắc đầu từ chối:
– Không! Mới bắn sáng nay rồi! Không sợ chó săn ngồi trên đầu xe ah?
Thoáng ngạc nhiên trong đôi mắt trắng dã rồi phá lên cười:
– Sợ! Sợ chứ! Sợ mới phải lén lút thế này, vào được đến trại rồi thì có mà tao ngồi giữa trại tao chích cũng chẳng sao
Tôi hơi giật mình bởi cái giọng ra điều rất hiểu biết của bà chị này:
– Thế bà chị đến đấy rồi hay sao mà biết rõ vậy
Ngáp một cái thật dài giọng uể oải:
– Nhiều rồi! Bắt đi trại, thả, vào trại chả nhớ bao lần như thế rồi! Trên xe này cũng cơ số người quen đấy
Rồi đánh ánh mắt sang tôi khinh khỉnh:
– Sao! Lần đầu ak? Làm gì? Sao bị bắt? Bập vào trắng lâu chưa?
Tôi trả lời cho xong chuyện:
– Ừ lần đầu, đứng bắt khách lộ quá nó gom, xét nghiệm thấy nghiện nó cho đi, bập từ cái lúc đứng đường chả nhớ bao lâu cả.
Rồi tôi cũng chỉ trao đổi thêm dăm ba câu nữa và để cho bà chị thả hồn theo số thuốc đã bơm vào cơ thể. Những thông tin tôi biết thêm đại loại là trại ở một tỉnh khác, trong đấy thì cũng không khác tù là mấy, phòng ở như phòng giam, đừng mong được dối xử tốt cố mà tự sống để ra chứ đừng nghĩ đến việc cai khỏi rồi ra cả. Và cũng như thông tin tôi được biết thì đúng là trên xe toàn những kẻ trên bến dưới thuyền với nhau, nhìn cách họ cười nói ôn kỷ niệm cũ trong trại hay ngoài phố đến những bàn tay len lén chuyền nhau từng chiếc xi lanh là tôi đủ hiểu tôi đang đi về đâu. Nó chẳng phải là thiên đường như tôi vốn nghĩ, đơn giản là một chỗ người ta không những phải dẫm đạp nhau để sống mà còn phải tự chiến đấu sinh tồn với bản thân mình. Lần đầu tiên có một nỗi sợ hãi dâng lên trong lòng tôi, một sự linh cảm cho điều gì đó kinh khủng đang chờ tôi nơi chiếc xe này dừng lại…