Chuyện Về Cu Dũng - Phần 190
Hai người vào nhà.
Khác hẳn với không khí bên ngoài, bước vào trong nhà là một không khí hoàn toàn khác, rất mát mẻ, cái mát rất tự nhiên chứ không phải mát do điều hòa. Dũng không biết được rằng kiến trúc Pháp cổ có những nét cực kỳ ưu việt, phù hợp với điều kiện thời tiết của Việt Nam, những bức tường dầy 40 – 50 cm kết hợp với việc bố trí các ô cửa sổ, các lỗ thoáng đón gió, trao đổi không khí một cách hết sức khoa học làm cho những ngôi biệt thự kiểu này mát về mùa hè nhưng ấm áp về mùa đông.
Trong không gian tầng 1, hai chị em như lạc vào thế giới của những năm đầu thế kỷ 20 vẫn thường thấy trên tivi. Tất cả đều phủ một mầu thời gian, nhưng không hề cũ kỹ. Hà Băng băng tinh tế giữ lại không gian này, nó rất phù hợp với cô, với con người cô, với xuất thân của cô. Một chiếc bàn tròn cao cao bằng gỗ mun có trạm khắc bằng vỏ sò nằm chính giữa gian phòng khách, xung quanh là các ghế ngồi hình tròn không tựa. Tất cả hài hòa đến từng chi tiết. Hai bên sườn là các sập gụ rất rộng và rất dày dùng để nghỉ trưa. Một chiếc ghế bành có chân hình bán nguyệt dùng để đung đưa nằm đọc sách. Rải rác ở tường là những khung tranh vẽ những thiếu nữ cổ xưa, vẽ cảnh vật hồ Tây và một số nơi khác ở Hà Nội, còn có một vài khung tranh treo những bức ảnh nhỏ bên trong.
Ba người ngồi xuống ghế thì Hà Băng mở lời:
– Cô ở đây đã được gần 2 chục năm rồi. Đây là nhà chồng cô. Ngôi nhà này xây được khoảng 150 năm rồi đấy. Từ thời các cụ, sau đó cho bố chồng cô, bố chồng cô cho chồng cô.
Dũng vẫn nhìn không gian ngôi nhà, cậu hỏi cô:
– Thế hồi chưa lấy chồng cô ở đâu?
Hà Băng đang tự tay pha một ấm trà:
– Cô lớn lên ở Hàng Đào, phố cổ Hà Nội. Sau lấy chồng thì theo chồng.
Mùi trà phảng phất nhẹ nhàng nhưng thu hút sự chú ý của hai chị em, mùi này thật thơm, thật lạ mũi, cảm giác thật thư thái giữa không gian cổ xưa này.
Giờ Dũng mới để ý cách cô rót trà. Ba cái chén nhỏ nhìn rất cũ được cô tráng bằng nước xôi lấy từ cái phích để gần đó. Ba cái chén nóng được chụm vào nhau, cầm trên tay cái ấm trả nhỏ cô rót đều nhau từng chén một, mỗi chén một ít, lại đến chén khác, cứ thế vòng đi vòng lại 3 lần chén mới đầy.
Hà Băng cầm một chén trà đặt trước mặt Dũng, chén thứ 2 được cô đặt trước mặt X, chén thứ 3 cô cầm lấy đặt trước mặt mình. Cô nói:
– Các cháu uống trà đi. Trà này là do tự tay cô làm đấy. Tự tay cô làm hết. Gọi là chè sen. Mẹ chồng cô dạy lại cho cô.
Nói rồi, Hà Băng một tay cầm chén đặt vào lòng bàn tay kia, từ từ nâng lên đưa qua mũi, Dũng nhìn rõ hương từ chén trà tỏa ra một đường rồi chui vào lỗ mũi cô. Thưởng thức xong hương của chè, Hà Băng dùng một tay che miệng lại rồi uống một ngụm nhỏ xíu chỉ vừa đủ ướt lưỡi, cô đang thưởng vị trà, cái vị đắng nhưng đọng lại đầu lưỡi là ngọt, kết hợp với vị thơm của sen hồ tây sộc lên mũi từ trong miệng.
Nhìn cô uống trà sao Dũng thấy nó tao nhã đến vậy.
Bắt chước cô, Dũng và X cũng uống ít một. Thực ra là Dũng muốn tợp phát hết ngay nhưng vì quá nóng. Dũng không biết rằng, pha chè sen phải dùng nước sôi đủ 100 độ C. Nước nguội vứt luôn.
Đặt cái cốc xuống, Hà Băng giải thích thêm về trà sen cho 2 chị em hiểu:
– Các cháu biết không? Chè sen là gia truyền của từng dòng họ. Theo tục các cụ để lại từ thời xưa, chỉ đàn bà trong nhà mới được làm chè sen, nắm giữ bí quyết làm chè sen. Khi mẹ già thì truyền lại cho con gái, nếu không có con gái thì truyền lại cho con dâu. Và cô may mắn được truyền lại vì chồng cô là con độc nhất trong nhà. Cô cũng sẽ truyền lại…
Nói đến đây, Hà Băng nhát ngừng, ước mơ cả đời của cô là được truyền lại bí quyết làm chè sen cho đứa con gái của mình, chỉ là không biết giờ này con đang ở đâu mà thôi?
Hai đứa gật gù, hóa ra chỉ là làm chè thôi mà cũng cầu kỳ ra phết nhỉ.
Được nửa chén chè thì Hà Băng nói:
– Lần trước cháu điện thoại cho cô là lần này lên muốn gặp Phong?
Dũng đặt chén trà xuống:
– Vâng, cháu thực là muốn gặp?
Hà Băng nói:
– Cô có đến gặp Phong một lần cách đây mấy hôm và nói là Dũng lì muốn gặp. Nhưng Phong nó sẽ không đến gặp cháu đâu. Nó nhờ cô chuyển lời cho cháu. Phong muốn gửi lời xin lỗi đến cháu.
Dũng trầm ngâm suy nghĩ mà chưa nói gì thì Hà Băng nói tiếp:
– Chuyện cháu có chấp nhận lời xin lỗi của Phong hay không thì đó là quyền của cháu, cô không can thiệp. Nhưng hãy nghe cô nói được không?
Dũng trả lời cô:
– Vâng cô nói đi.
– Oán nên giải không nên kết. Phong giờ đã không còn sức khỏe như xưa, nó đã bệnh tật yếu đi trông thấy từ sau ngày ở Hải Phòng. Và cô thấy nó đã biết nhận ra lỗi của mình, lỗi của tuổi trẻ bồng bột. Hãy mở lòng mình cháu ạ.
Nghĩ thêm một hồi rồi Dũng nói:
– Cháu muốn gặp hắn ở nhà cô cũng là việc này. Chuyện Phong gây ra cho mẹ cháu và cháu thì đã xảy ra rồi. Giờ có thế nào cũng không thay đổi được nữa. Với lại Phong ít nhiều cũng đã phải chịu hậu quả do hành động của mình. Cháu muốn cô giúp cháu là trung gian hòa giải. Để cháu từ nay bớt đi một nỗi lo.
Hà Băng phấn chấn, cô đúng là đứng giữa 2 ngả đường. Một đằng là con của bạn, một đằng là 2 đứa trẻ mà cô chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào lại quý chúng nó như con. Bằng chứng của việc ngày hôm nay cô tiếp đãi chúng, từng ánh mắt, từng cử chỉ, từng lời nói đều là coi Dũng và X như người trong nhà, không một chút vẩn đục theo kiểu cấp trên cấp dưới. 2 Chị em hơn ai hết cảm nhận thấy rõ điều này.
– Được rồi, cô hứa, cô đảm bảo chuyện này cho cháu. Thôi coi như xong nhé.
– Vâng.
Dũng cũng phấn khởi không kém. Bản tính cậu là vậy, cái quan trọng nhất với cậu vẫn là hai chữ “Bình An”.
Hà Băng chuyển chủ đề:
– Giờ thế này, hai đứa ở lại chơi nhà cô hết ngày hôm nay, sáng ngày mai mấy cô cháu mình đi thăm Lão Đại nhé.
Đương nhiên là hai chị em đồng ý rồi, cũng là việc chính trong chuyến đi lần này.
Hà Băng băng đi đâu không rõ để lại hai chị em một mình nơi phòng khách này. Dũng và chị cùng nhau đứng dậy đi một vòng khắp căn phòng ngắm nghĩa kỹ những đồ vật nơi đây.
Trước tiên là những bức tranh phong cảnh, con người được các họa sĩ vẽ tay. Rất có hồn mặc dù nét mực đã phai màu thời gian.
Đến một khung cảnh treo những bức ảnh cũ kỹ. Đa phần là ảnh đen trắng.
Một người con gái trạc tuổi đôi mươi đứng cạnh một người đàn ông cao lớn, khuôn mặt anh tuấn, tóc cắt ngắn.
X mím chặt môi mình chìm sâu vào bức hình này. Tay cô như run run.
Bức hình cũng được Dũng nhìn kỹ, đối chiếu với người con gái đang đứng cạnh mình. Cậu lờ mờ khẳng định được suy đoán của mình.
Đến cuối gian phòng là một bàn thờ gia tiên khá lớn.
Chính giữa là thờ một cụ ông tóc bạc, râu bạc trong chiếc áo the khăn xếp. Một bên là một cụ bà, chắc là vợ của cụ ông.
Và một bên là bức ảnh mầu của người đàn ông vừa đứng cạnh người phụ nữ trong tranh vừa rồi. Bên dưới bức ảnh có ghi: Đào Quang Tuấn, cạnh đó là tờ lịch của ngày tháng năm mất.
X mặm môi run run, tay cô phải bám vào bắp tay Dũng để mình khỏi bị ngã khụy. Cô lờ biết được thân phận của mình. Nước mắt lưng chòng.
Dũng thấy chị bị như vậy thì biết có lẽ chị cũng đã phần nào nhận ra được. Cậu đỡ chị để chị khỏi ngã:
– Chị!
Nhưng X không đáp lời mà bấu mạnh vào cánh tay Dũng thật chặt, cô ngân ngấn nước mắt trực trào, đầu cô lắc lắc thật mạnh.
Dũng hiểu ý của chị là không cần phải nói gì cả nữa. Chị đã biết rồi. Dũng lại lần nữa gọi chị:
– Chị ơi!
Nhưng X đưa tay lên bịt chặt mồm Dũng, không để cho cậu nói ra. Hay đúng hơn là cấm cậu nói.
X đã đoán được 9 phần là Chị Đại chính là mẹ đẻ của cô, rằng người đàn ông có tên Đào Quang Tuấn trong bức ảnh thờ kia chính là bố đẻ của cô, rằng ngôi nhà này chính là nhà của cô, rằng cái bí quyết ướp chè sen cô sẽ được biết. Tim cô đập mạnh lắm, nó thình thịch trong ngực đây này. Giờ đây cô đã biết người đàn bà xinh đẹp, cao sang, quyền quý kia chính là người mẹ đẻ ra cô. Nửa muốn bước chạy thật nhanh để gọi 1 tiếng mẹ ơi, tiếng gọi mà hằng đêm cô vẫn thường mơ, tiếng gọi “mẹ ơi, đưa con đi biển” thỉnh thoảng vẫn chập chờn trong những giấc ngủ.
Nhưng nửa còn lại cô vẫn còn hận mẹ lắm, hận mẹ sao đem đứa con mấy ngày tuổi đặt nơi cửa chùa? Đặt cô bơ vơ giữa cuộc đời đầy sóng gió, nơi đây nhà cao cửa rộng lắm mà, làm gì đến nỗi không có chỗ đặt một cái nôi. Câu hỏi trong đầu cô từ lúc biết nghĩ đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp: “Mẹ ơi, sao lại bỏ con, con có tội gì hả mẹ? ”
Dũng đỡ chị lại bàn uống nước. Cậu hiểu chị hơn ai hết, chị cần thời gian. Hãy cho chị thời gian.
Hà Băng quay trở lại, thấy nét mặt thất thần của X, cô lo lắng:
– X, cháu bị sao vậy? Nhìn cháu không được khỏe.
X không nói gì, giờ đây cô không dám nhìn vào mắt Chị Đại, cô sợ mình không kiềm được lòng. Dũng đỡ lời:
– Chị chắc bị mệt cô ạ.
Thấy vậy Hà Băng sốt sắng:
– Cháu cảm thấy trong người thế nào?
X cúi mặt nói:
– Cháu không sao, chỉ mệt tẹo thôi.
Hà Băng gọi bà vú vào:
– Bà vú, đưa X lên phòng tôi nghỉ ngơi, lấy dầu gió cho cô ấy.
Thế là X theo chân bà vú lên trên phòng trên tầng hai. Phòng của Hà Băng.
Một gian phòng rất rộng, đồ đạc được xếp gọn gàng, ngay ngắn. X lặng người nhìn thấy phải đến hơn 20 bức tranh được vẽ tay treo theo thứ tự vòng quanh gian phòng. Bức tranh thứ nhất vẽ một đứa bé sơ sinh, bức thứ 2 vẽ một em bé mặc váy khoảng 1 tuổi gì đó, bức thứ 3, bức thứ 4, bức thứ 5..v..v. Cứ thế, các bức tranh như thể hiện sự lớn lên theo năm tháng của một em bé. Đến cuối cùng là một bức tranh chắc cũng mới vẽ được vài tháng, là một thiếu nữ trạc tuổi hai mấy. Và mỗi bức tranh đều thể hiện ngày được vẽ, chỉ nhảy từng năm một. Điều đặc biệt là ngày vẽ chính là ngày sinh nhật của cô, cái ngày sinh ghi trên tờ giấy viết vội đặt trong nôi.
X òa khóc nức nở đổ gục xuống giường, một tiếng nhỏ xíu từ cổ họng cô bật ra: “Mẹ ơi, huhuhuhu”. Cô còn chưa kịp nhìn ở góc căn phòng có một bức tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao chừng 50 cm làm bằng ngọc bích.