Năm mới, không còn cảnh cũ
Lúc mới cưới chưa có con, khoảng hai sáu, hai bảy Tết là chị xin nghỉ
sớm để về quê chồng phụ lo dọn dẹp nhà cửa và ăn Tết ở nhà chồng, đến
mùng bốn mới về nhà chị. Khi có con đầu lòng, đường xá xa xôi, mẹ và các
anh chị của chị xót cháu nên bảo chị ở luôn nhà chồng ăn Tết mà không
cần về nhà mẹ đẻ. Từ lúc đó, mỗi năm chị chỉ về nhà mẹ đẻ không quá hai
lần mặc dù nhà mẹ đẻ chỉ cách thành phố 50 km, trong khi cứ mỗi hai tuần
là chồng chị chạy về nhà mình một lần và hai ba tháng anh chị lại chở
cháu về thăm ông bà nội vì lo ông bà nhớ cháu (như lời chồng chị thường
nói). Đôi lúc chị cũng chạnh lòng nhưng chặc lưỡi thôi kệ, mà gia đình
chị cũng chẳng trách cứ gì nên chị cũng yên tâm.
Về nhà chồng, chị phải vừa trông con vừa phụ má chồng làm việc nhà,
nấu ăn… Mỗi ngày, chỉ việc chuẩn bị ba bữa ăn cho cả gia đình cũng đủ
làm chị mệt nhoài: mỗi người ăn mỗi kiểu nhưng phải chiều, ngay cả nước
chấm cũng phải làm hai ba loại khác nhau. Vừa lo cho con nhỏ, vừa làm
việc nên chị cứ như con thoi, ngày Tết mà ống quần xắn cao, mồ hôi nhễ
nhại không kịp thở. Nhiều khi không thể vừa bồng con vừa làm việc, chị
nhờ chồng trông con hộ để chị làm bếp (chồng chị mà về nhà mình là chỉ
có việc nằm ngủ và đi vòng vòng), chưa đầy năm phút sau là chồng chị
hỏi: “Xong chưa?”. Trăm lần như một, lập tức má chồng lên tiếng: “Mày
làm lẹ lên trông con cho nó, đàn ông giữ con ngán lắm”. Thế là chị lại
tất bật vừa phụ má chồng nấu nướng, vừa đút con, cho con bú và tỉ thứ
công việc khác. Kết thúc ngày “nghỉ” của chị là vào lúc mười giờ đêm,
khi các con đã ngủ. Tám năm như thế, chị chưa có ngày nghỉ Tết nào thực
sự nhưng không hề than vãn nửa lời.
Cho đến Tết năm rồi thì sóng gió nổi lên. Số là chồng chị có thói quen
đi chúc Tết hàng xóm vào ngày mùng một, lòng vòng quanh xóm đến chiều là
xỉn lê lết, ói mửa đầy nhà. Bao nhiêu lần chị vừa năn nỉ vừa kiên quyết
đề nghị chồng đừng nhậu nhưng anh hứa rồi cũng đâu lại vào đấy. Đặc
biệt, mỗi khi về nhà chồng là chồng chị như hổ mọc thêm cánh, tất cả
những ý thích của anh dù có trái khoáy và vô lý đến đâu cũng được nhà
anh ủng hộ nên mọi lời hứa với vợ luôn là con số không. Tết năm rồi, chị
mới sinh đứa thứ hai, trước khi về chị đã nói với chồng đừng nhậu xỉn,
hãy về sớm để trông con giúp chị, một mình chị không thể vừa trông đứa
lớn, vừa lo cho đứa nhỏ, rồi còn lo cho chồng. Anh hứa và như mọi lần
cảnh cũ lại diễn ra, chị giận lắm, lần này chị kiên quyết không thèm
đoái hoài vì còn phải lo cho con nhỏ.
Mặt khác, chị thấy cả nhà anh đã xúm lại lo cho anh (mẹ anh lấy khăn ướt
lau mặt, chị chồng lo mắc màn cho anh ngủ). Khi thấy mẹ anh đi dọn chổ
anh ói, cô em chồng thay vì nói với chị “để em trông cháu, chị đi dọn
đi, để má dọn kỳ lắm” thì chị cũng đâu tính toán làm gì; đằng này cô em
chồng đứng chống nạnh nói với má chồng chị: “Má đừng dọn, để chỉ lo” Chi
uất ức, cúi gằm mặt và nắm chặt tay để dằn lòng ráng nhịn. Vậy mà cũng
không yên, ba chồng đi ngang nạt chị: “Sao mày không lo cho nó?” Đến
nước này chị đã không thể chịu được nữa và nói: “Con xin lỗi ba nhưng
ảnh nhậu được thì tự lo được, con còn phải lo cho con nhỏ”. Chỉ có thế
mà em chồng từ trong buồng chạy ra, chống nạnh mắng chị một trận. Chưa
hết, sau Tết hai tháng, khi chị đưa cháu về thăm đã bị ba chồng “dạy dỗ”
thêm một trận về nghĩa vụ làm vợ, làm dâu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Về lại thành phố, với tâm trạng mệt mỏi, chán chường, chị đưa cho
chồng tờ đơn li hôn có sẵn chữ ký của chị, chồng chị im lặng xé bỏ tờ
đơn. Dù gì, Tết này chị cũng sẽ không về quê chồng ăn Tết.