Lấy vợ rồi vẫn “bám váy” mẹ
Hỏi:
Em lấy chồng được nửa năm mà lắm lúc phát điên với anh chồng như “em bé”
của mình. Hồi yêu, vẫn thấy anh hay nói đến mẹ nhưng cũng nghĩ anh tình
cảm, thân thiết vậy là tốt, không nghĩ rằng đến mức như thế này.
Tuần trăng mật của vợ chồng son (trăng
mật tại gia vì bọn em chưa sắp xếp đi chơi xa được) mà tối nào mẹ chồng
em cũng gọi điện, buôn với con trai nửa tiếng đồng hồ. Chẳng biết mẹ
thủ thỉ gì mà con trai cứ ngồi nghe, vâng vâng dạ dạ. Em là con gái,
sống xa quê mà còn chẳng buôn chuyện với mẹ lâu thế, đằng này mẹ anh ấy
sống cách mấy dãy nhà.
Chồng em rất thích ăn món ăn mẹ anh ấy
nấu. Cuối tuần nào bọn em chả về nhà ăn, thế mà bà còn bảo con trai cắt
luôn chìa khóa, thi thoảng về nhà giật cả mình vì cửa mở, bà băm băm
chặt chặt trong nhà, cứ như sợ con dâu chẳng nấu được cho con trai bà ăn
vậy. Đã vậy, cứ hôm nào bà ăn cùng, là ăn xong bà không cho con trai
đụng vào bất kỳ việc gì, dù bình thường hai vợ chồng rất thoải mái, mỗi
đứa làm mỗi việc.
Bực mình nhất là những quyết định quan
trọng trong nhà, từ việc đi trăng mật tới mua xe máy mới, sửa nhà cửa,
đổi việc… chuyện gì anh cũng không quyết định ngay, mà cứ lần khần, rồi
hai mẹ con lại rì rầm to nhỏ. Từ bé em đã có thói quen tự lập, ra trường
tự xin việc, tự quyết định mọi chuyện nên thấy thế ngứa mắt không chịu
nổi, hai vợ chồng lại cãi nhau. Làm sao để chồng em không còn bám váy mẹ
nữa?
(Nguyễn Diệu Linh, Linh Đàm, Hà Nội)
Ảnh minh họa.
Đáp: Chuyện
chồng chị quá phụ thuộc và mẹ có lẽ là thói quen đã hình thành từ lâu,
từ cách nuôi dạy của gia đình nhà chồng. Muốn điều chỉnh, thay đổi anh
ấy, khiến anh ấy tự lập hơn, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm
với cuộc sống của mình, chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian và sự kiên
trì.
Vợ chồng mới cưới thường dễ xung khắc
vì mâu thuẫn của sự khác biệt. Hai người lớn lên trong những môi trường
khác nhau, được giáo dục khác nhau, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều bất
đồng. Cùng với quá trình chung sống, dần dần hai người sẽ cùng điều
chỉnh mình, thích nghi với người kia. Ý thức được điều này có lẽ sẽ phần
nào khiến chị bớt những căng thẳng, bực dọc không đáng có.
Với những khía cạnh thiên về tình cảm
như việc mẹ chồng chăm sóc chồng chị, hay nói chuyện điện thoại thường
xuyên với anh ấy… hãy làm quen, học cách thoải mái với nó. Hãy tập trung
vào việc nâng cao sự tự chủ của chồng ở những vấn đề quan trọng, hỏi ý
kiến của anh ấy và đánh giá cao quyết định của chồng.
Thay vì cứ coi thường, bực tức của
mình với chồng, chị hãy chú trọng vào điểm tốt đẹp, đáng tự hào của anh
ấy. Đàn ông rất nhạy cảm với thái độ của vợ, sự coi thường của vợ sẽ
khiến anh ấy phản ứng theo cách tiêu cực, phòng thủ. Thay vào đó, hãy
khơi dậy bản lĩnh đàn ông ở anh ấy, thể hiện niềm tin rằng anh ấy hoàn
toàn có thể có những quyết định sáng suốt của riêng mình, dần dần chị sẽ
thấy sự khác biệt.
Ths tâm lý Phạm Văn Hùng