Home Nghệ Thuật Yêu Héo rũ vì chồng… bủn xỉn

Héo rũ vì chồng… bủn xỉn

Phương yêu Trung từ khi hai người còn ở đại học, bố mẹ anh sống ở tập
thể cơ quan ngay Cầu Giấy đã khá lâu. Ở trường, Trung nổi tiếng học
giỏi, nhưng anh thực sự không có nhiều bạn vì tính tình hướng nội, khá
khép kín. Hồi đó Phương làm thêm ở thư viện, nên hay gặp Trung. Có lần
Trung gặp rắc rối vì cầm sách quá hạn, Phương đứng ra xin giúp, rồi quen
nhau. Sau khi tốt nghiệp, Phương xin được việc làm trong một công ty
liên doanh, còn Trung vẫn tiếp tục học lên cao. Tới khi anh đã có tấm
bằng tiến sỹ trong tay, đám cưới mới được tổ chức. Phương về sống cùng
nhà chồng – một gia đình trí thức cao cấp – trong căn hộ tập thể 40m2.

Bố mẹ Trung đều từng học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, làm trong các cơ
quan nghiên cứu cho tới lúc về hưu. Nhưng hình như bằng cấp cao không
đồng nghĩa với thu nhập cao, điều kiện sống của gia đình anh cực kỳ
khiêm tốn. Bản thân Trung cũng vậy, làm việc trong một viện khoa học,
nơi tiến sỹ, phó giáo sư chạm mặt nhau chan chát ở cầu thang, nhà ăn,
thậm chí là toilet, anh vẫn là một viên chức bình thường sau vài năm
công tác. Lương tháng của Phương được 8 triệu đồng, cộng thêm với 5
triệu của Trung, cũng thuộc dạng tương đối nếu so với mặt bằng chung.
Nhưng sống ở thành phố lớn, chi tiêu đắt đỏ, nên nhiều khi cũng kẹt,
nhất là họ hàng hai bên nội ngoại nhà Trung vẫn còn ở quê, đều nghèo
khó, việc lớn việc nhỏ đều tìm đến bố mẹ anh.

Có lần, Phương bảo Trung, với tấm bằng của anh, bây giờ nếu ra ngoài
làm, chắc chắn thu nhập tối thiểu cũng phải gấp đôi, chẳng việc gì cứ
phải bám lấy cơ quan nhà nước. Không ngờ, Trung bày tỏ sự khinh miệt ra
mặt trước đề nghị đó. Bố mẹ Trung khi biết chuyện, cũng gọi Phương vào
“giáo huấn” một hồi, cho rằng cô chỉ biết chạy theo vật chất tầm thường,
rằng cô phải hiểu một người như chồng mình không thể lăn lộn ở những
chốn đầy “thị phi” đó. Khi ấy, chính Phương cũng thấy hoang mang, cuối
cùng cô cũng nghĩ mình sai, nên không bao giờ dám nhắc lại chuyện này
thêm một lần.

Cũng chính vì nể sợ cái học vị tiến sỹ của chồng (và cả bố mẹ chồng),
nên Phương cũng đành nhắm mắt cho qua những tật xấu của Trung. Trong khi
Phương ưa sạch sẽ, gọn gàng, thì Trung luộm thuộm và bừa bãi. Trong
phòng riêng của hai vợ chồng, luôn ngập đồ dùng cá nhân của Trung, sách
vở, băng đĩa, giấy tờ vứt bừa bãi. Đi làm về thay quần áo ra, Trung vứt
ngay dưới sàn. Dụng cụ chơi thể thao cũng dấp vào một xó. Nhưng dù sao
những thứ đó Phương cứ chạy theo dọn dẹp rồi cũng xong, kinh khủng nhất
là những thứ đồ cũ hỏng, Trung nhất quyết không cho vứt đi, thỉnh
thoảng, anh lại lục tung lên để tìm một thứ, sau đó làm vung vãi ra khắp
mọi nơi.

Gần 2 năm sau, Phương sinh con. Dù vẫn được hưởng lương chế độ, nhưng
nhà thêm một đứa bé cũng phải tiêu tốn nhiều hơn. Bố mẹ Trung vốn đã
tiết kiệm, càng chắt bóp hơn bao giờ hết. Bữa ăn đã bị thu gọn hơn trước
nhiều, ngay cả chế độ ăn để cho con bú của Phương cũng bị tính toán
chặt chẽ từng ly từng tý. Bỉm mua cho cháu, bà nội cũng mua loại trôi
nổi không bao bì ngoài chợ, khiến con bé bị dị ứng, may mà chưa đến nỗi
nghiêm trọng. Quần áo thì bà đi xin đồ cũ ở đâu về, nói là trẻ con mặc
đồ cũ còn tốt hơn đồ mới còn hồ cứng, nhiều lúc nhìn con mặc chiếc áo
màu nước dưa, quần đầy vết ố mà Phương phát khóc.

Nhưng bố mẹ chồng rồi cũng chỉ là bố mẹ chồng, không thể sống với mình
cả đời. Người làm Phương thấy hết hy vọng, lại chính là Trung. Anh “hiện
nguyên hình” là một người chi li khủng khiếp. Sau thời gian Phương nghỉ
đẻ, Trung vẫn tiếp tục quản lý tiền bạc như hồi cô còn ở nhà. Áp dụng
đúng “bài” của bố mình, Trung mặc đồ lót cho tới khi rách tả tơi vẫn
không chịu bỏ đi. Tết đến, được cơ quan phân phối cho 1 chai rượu vang
với hộp bánh, Trung bê nguyên túi quà đó về nhà ngoại. Đến cả việc ăn
mặc của Phương, Trung cũng kiểm soát gắt gao. Một lần, anh đưa cô bộ
quần áo lót cũ của mẹ mình, nói cùng là phụ nữ với nhau, mặc lại cũng
không vấn đề gì. Lúc đó, Phương chỉ muốn ném bộ quần áo đó vào mặt
chồng, cái bộ mặt ki kiệt mà hồi mới yêu nhau Phương không nhìn được ra.
Nhưng rồi thấy sự đồng tình của bố mẹ chồng, Phương lại nhắm mắt chấp
nhận. Lâu dần, cô còn thấy ý định đi mua một bộ đồ mới của mình là…
“quái vật”.

Bốn năm sau ngày cưới, Phương dường như biến thành một người hoàn toàn
khác. Cô mặc đồ cũ của mẹ chồng, tay xách cặp lồng kèm chai nước đến
công ty trong ánh mắt dò xét của đồng nghiệp. Mọi người đều nói rằng,
Phương bị giày vò đến mức mất hết mọi giác quan.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x