Dâu tập hai
Sau khi chờ đợi mòn mỏi, hy vọng gần tan
biến, thì bà Lê Hoàng Lan ( phường 15, Bình Thạnh) nghe con trai báo
tin: “Tui lấy vợ đó nghen”. Bà mừng húm như trúng số. Nhưng niềm vui tắt
ngúm khi con trai bà đưa về một cô gái đã có chồng từ lúc 17 tuổi, bây
giờ đóng vai vợ “tập hai” với con bà.
Cậu con trai lầm lì không nói nhiều, nên mọi sự bà càng khó hiểu. Con
trai bà không thuộc loại chơi bời, cũng chẳng quen linh tinh. Hồi nó 22
tuổi, nó có để ý một cô bé hàng xóm, nhưng không dám nói, rồi cổ đi lấy
Việt Kiều, nó hơi buồn buồn…Hành trình trái tim của con bà đơn giản vậy
đó, còn cô gái này thì khiếp: “Yêu từ lúc 15 tuổi, 17 tuổi có thai, sống
thử không đăng ký kết hôn, chồng hờ bỏ đi, nuôi con một mình, quen biết
nhiều anh…”. Nói chuyện với bà, cô gái tỏ ra rất hiểu biết, từng trải,
có ý chứng tỏ mình chẳng ham lấy chồng làm gì, chẳng qua là gặp được…
tình yêu đích thực.
Sao con trai bà lại là tình đích thực của cô gái đó, mà không phải là
một cậu nào khác? Chắc cô ta quá chán, quá sợ loại đàn ông mồm mép, coi
tán gái như trò giải trí…nên rung động trước những anh có trái tim… lành
lặn. Thế thì con bà thiệt thòi rồi. Bà mang tâm tư nhỏ nhẹ nói cùng
con. Cậu con bảo mẹ đừng lo, yêu là yêu chứ có phải kinh doanh mua bán
gì mà sợ lỗ lã, thiệt thòi. Thôi thì bà đành dựa vào số phận, con trai
cũng chẳng mất gì lớn, nhưng bà cũng chẳng có gì để khoe với hàng xóm,
bà con về nàng dâu tương lai.
Thế nhưng, cô con gái kia ngày càng làm bà yên tâm. Điều làm bà hài lòng
nhất là cô ta không hề “ghen tỵ” với bà. Bà cứ mặc sức chăm sóc cho con
trai, mua quần áo, thức ăn cho con như hồi con trai bà còn độc thân mà
không đá động gì đến con dâu. Hóa ra, làm mẹ trước khi
lấy chồng khiến cho cô gái hiểu rõ tình mẫu tử như thế nào, nên không
thể cắt đứt theo kiểu: “Sao mẹ cứ theo chiều chuộng chồng con” như các
cô con dâu tập một, chưa hề có kinh nghiệm. Cô này cũng lạ, gặp chuyện
gì bất trắc đều rất bình tỉnh. Như con trai bà bỗng nhiên bị công ty sa
thải. Bà mẹ biết tính con, ăn nói cộc lốc, thẳng thắn, chắc là cự chuyện
gì với sếp lớn. Nhưng cô vợ không than phiền chồng, chỉ bảo: “Chẳng sao
cả, trong cái rủi có cái may”. Ít lâu sau, công ty chồng cô phá sản,
không trả đồng lương nào cho nhân viên, ông chồng mới thấy mình may, vì
còn nhận được tiền lương trước khi nghỉ việc. Dần dần bà nhận ra con dâu
dù chưa nhiều tuổi, nhưng đã trải qua nhiều “biến cố to lớn” trong cuộc
đời, nên bây giờ thấy chuyện gì “lộn xộn, bất thường” cũng là chuyện
nhỏ hết.
Thế nhưng, cô con gái kia ngày càng làm bà yên tâm. Điều làm bà hài lòng
nhất là cô ta không hề “ghen tỵ” với bà. (ảnh minh họa)
Ngày đám cưới con trai, bà Trần Thanh
Dung, mời khách hạn chế, không phải vì bà tiết kiệm mà vì con trai bà là
“hàng mới chưa đập hộp” trong khi con dâu chẳng những là hàng…
“second-hand”, lớn hơn con bà 3 tuổi mà còn khuyến mãi cho nhà chồng
hai đứa con riêng. Phân tích ngăn cấm đủ điều không được, bà phải ậm ừ
bỏ qua để con trai không ra ngoài mướn nhà trọ. Có người an ủi: “Thôi
kệ, con nhỏ đó coi vậy mà dễ bảo, chứ những cô ưu tú coi chừng lại khó
thích nghi với nhà chồng”.
Bà cũng hy vọng vậy, và từ từ bà nhận ra con trai bà biết nhìn người. Cô
con dâu rất biết điều, biết thân biết phận. Bà mẹ chồng ở nhà nấu cơm,
cô lãnh phần rửa chén, dọn dẹp. Ông chồng và hai đứa con của cô phụ
trách trồng rau sạch trên sân thượng. Không bao giờ, cô dòm ngó chuyện
gia đình chồng, không nhiều chuyện linh tinh. Cuộc hôn nhân đầu tiên tan
vỡ dạy cho cô nhiều bài học về cách tổ chức gia đình.
Chẳng những vậy, càng ngày cô con dâu càng chứng tỏ là “người phụ nữ
thời đại”. Cô ủng hộ bà mẹ chồng nhiều sở thích mà lâu nay bà cảm thấy
ngại ngùng, như làm đẹp, mát xa, du lịch. “Má còn trẻ, mặc cái váy ngắn
cho đẹp, má uốn cái tóc lên, nhuộm màu đi…”.
Ngoài mặt thì ít nói chuyện, chứ trong lòng bà thích cô con dâu…thoáng.
Chưa hết đâu, chồng bà mất gần 4 năm, cô con dâu rất đồng cảm chuyện bạn
bè của mẹ chồng: “Thấy ông nào được là má tiến tới luôn, không thì “nói
chuyện cho vui”, khỏi cần kết hôn cho vướng bận”. Sao con dâu bà
hiểu được lòng mẹ chồng nhiều đến thế. Có gì đâu, thì hồi sống với
chồng trước, cô cứ hy sinh cho gia đình, hầu hạ bố mẹ chồng, cất hết sở
thích của bản thân, cuối cùng chồng có bồ, bảo vợ nhạt, không có cá
tính. Rồi khi sống một một mình nuôi con, cô ấy nhận ra phụ nữ cũng có
quyền vui chơi miễn là lành mạnh, cũng có quyền sống như mình muốn…
Không phải cô nào qua đổ vỡ tan nát cũng rút kinh nghiệm một cách thành
công, nhưng những bà mẹ hiểu con trai mình thì sẽ hiểu được vì sao con
mình lại bỏ qua những “trăng tròn” để chọn một “vầng trăng khuyết”.