Home Nghệ Thuật Yêu Đâu phải em chồng nào cũng là giặc bên Ngô

Đâu phải em chồng nào cũng là giặc bên Ngô

Tôi
lớn lên ở một miền quê còn nhiều khó khăn của vùng đồng bằng sông Cửu
Long nhưng may mắn được cha mẹ cho ăn học, tạm gọi là “đến nơi đến chốn”
so với chị em cùng trang lứa. Tốt nghiệp ngành sư phạm, tôi đi dạy một
trường tiểu học ở xã bên.

Sau một năm dạy học, tôi quen biết nhiều gia đình tại nơi mình làm việc,
một trong những gia đình đó đã đánh tiếng để “xin” tôi về làm dâu.
Thoạt đầu, tôi cũng ngại ngần, vì đó là một gia đình thuần nông, ai nấy
đều khỏe mạnh và giỏi việc đồng áng, trong khi tôi từ đến giờ chỉ biết
cắp sách đi học, được cha mẹ chiều chuộng, nên không biết phải sống ra
sao khi bước vào một môi trường quá khác biệt?

Thế nhưng, sau khi khoác áo cô dâu về nhà chồng, tôi đã có được hạnh
phúc thật trọn vẹn. Chồng tôi làm ở hợp tác xã, hàng ngày đi về giờ giấc
ổn định, lại có điều kiện chăm sóc ruộng rẫy của gia đình nên cha mẹ
rất yên tâm. Tôi mỗi ngày lên lớp, được gia đình tạo điều kiện tối đa để
hoàn thành nhiệm vụ. Đi dạy về, đã có cơm nước sẵn. Ăn xong, chỉ phải
phụ dọn dẹp, mà cũng không có gì vất vả lắm, bởi đã có đến ba cô em
chồng tháo vát, đảm đang; hay tranh việc, tranh làm và tất cả đều yêu
quý chị dâu, không chút so đo, tị nạnh.

Ba mẹ chồng tôi hiền lành, rất thương con cháu, nên chẳng bao giờ rầy
la, mắng mỏ ai nặng lời. Kinh tế khá giả, họ không quá lo toan, nên
thường dành nhiều thời gian để bảo ban con cháu điều hay lẽ phải, từ
cách đi đứng, nói năng, đến cách cư xử trong nhà ngoài ngõ, tạo được nếp
nhà trên thuận dưới hòa, không khí gia đình vui vẻ, ấm cúng.

Đâu phải em chồng nào cũng là giặc bên Ngô - 1
Ba mẹ chồng tôi hiền lành, rất thương con cháu, nên chẳng bao giờ rầy la, mắng mỏ ai nặng lời. (ảnh minh họa)

Rồi tôi sinh đứa con đầu lòng. Nhà rộn
ràng hơn khi có thêm tiếng trẻ. Khỏi phải nói, mọi người đều rất vui. Mẹ
ruột tôi đến chăm sóc vài hôm rồi an tâm gởi con gái và cháu ngoại cho
bà nội và các cô, vì thấy họ hết lòng lo cho mẹ con tôi từ miếng ăn,
giấc ngủ. Trong mấy tháng được nghỉ ở nhà, tôi chỉ phải chăm con, không
cần động tay đến việc gì khác. Các cô quấn quít cháu, tranh nhau bồng
ẵm, nâng niu. Mỗi ngày qua đi lại có thêm niềm vui mới, khi cháu lần
lượt biết nhận mặt người quen, toét miệng cười, bi bô nói khi có người
chạm đến. Hết thời gian nghỉ, tôi đi dạy lại, các cô là những người lo
cho cháu những bữa ăn đầu tiên, tập cho cháu những bước đi đầu đời khi
không có mẹ bên cạnh.


Tình cảm chị dâu – em chồng của chúng tôi thật sự không có
khoảng cách. Các cô sống gắn bó, lo lắng cho tôi như ruột thịt. Đổi lại,
tôi cũng quan tâm dẫn dắt cho các cô những vấn đề thiết thực trong cuộc
sống mà tôi từng được học và có kinh nghiệm. Tôi cũng tư vấn cho các cô
cách ăn mặc, trang điểm mỗi khi đi dự tiệc cưới, thỉnh thoảng lại mua
tặng các cô những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa. Dần dà, chị em trở nên thân
thiết đến nỗi người ngoài cứ nghĩ chúng tôi là chị em ruột. Các cô cũng
không ngại ngần tâm sự những chuyện riêng tư của mình khi cần tôi cho ý
kiến hay giúp đỡ.

Rồi các cô lần lượt yên bề gia thất. Đám cưới có cha mẹ đứng ra lo liệu
chu toàn nhưng không thể thiếu bàn tay chăm chút của tôi, bởi theo thời
gian, tôi cũng hòa nhập được vào nếp nhà chồng và trở thành một “nội
tướng” đảm đang. Điều mà tôi luôn thầm cảm ơn gia đình, trong đó có cha
mẹ chồng tôi và các cô, là đã cho tôi một khoảng thời gian dài để học
cách làm chị, làm dâu. Tôi không hề bị “sốc” hay “choáng” khi chuyển đổi
từ một cô gái chỉ “ăn trắng mặc trơn” sang môi trường mới có nhiều mối
tương quan phức tạp hơn là cuộc sống đại gia đình.

Mỗi lần nghĩ đến các cô, tôi lại thấy ấm áp. Đâu phải em chồng nào cũng là giặc bên Ngô!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x