Đàn ông nên nghĩ khác về…ở rể
Ảnh minh họa
Mặc cảm “ăn nhờ”
Không phải ngẫu nhiên, tình trạng mất
cân bằng giới tính ở Việt Nam đang ở mức báo động.Từ năm 2009 đến nay,
tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tiếp tục tăng cao, năm 2012 là 112
trẻ em nam/100 trẻ em nữ. Theo xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh
như hiện này, đến năm 2050, chênh lệch số lượng nam và nữ ở Việt Nam sẽ
từ 2,3 triệu người đến 4,3 triệu người.
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính hiện nay ở
nước ta cao đó là bởi việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để
lựa chọn giới tính trước sinh nhưng quan trọng nhất là ảnh hưởng của
quan niệm coi trọng việc sinh con trai của người phương Đông; việc
“thuyền theo lái, gái theo chồng”, những người muốn sinh con trai để sau
này có con cái ở với mình cho đỡ cô quạnh tuổi già.
Ở thời phong kiến, quan niệm tam tòng
gắn chặt với người phụ nữ. Gái theo chồng gần như là quy luật. Do vậy,
trai theo vợ trở nên hiếm hoi. Nếu không vì lý do tài chính (hoàn cảnh
người chồng khó khăn trong khi nhà vợ giàu có) hoặc địa vị (gia đình
chồng có địa vị thấp hơn bên vợ), chuyện ở rể hầu như không xảy ra.
Vì lẽ đó, trai ở rể ngày xưa không được
tôn trọng. Người chồng luôn cảm thấy tự ti và mất mặt với bạn bè, người
thân. Bên cạnh đó, chàng trai ở rể thường bị mang tiếng lợi dụng, nếu
nhà vợ thuộc thành phần khá giả. Dư luận thường châm chọc họ bằng câu
thành ngữ quen thuộc: “chó chui gầm chạn”.
Thành ngữ ngắn gọn này chứa đầy sự mặc
cảm và tủi nhục của một người đàn ông khi phải sống trong hoàn cảnh “ăn
nhờ” nhà vợ. Họ không chỉ đối diện với ức chế tâm lý mà cả sự xem
thường của họ hàng bên vợ, bên mình và những lời gièm pha của xã hội.
Chính vì thế, rất hiếm người đàn ông ở
rể và nỗi lo những nhà sinh con gái luôn thường trực tâm trạng lo lắng,
“mất con”. Con đi lấy chồng, hai vợ chồng già sống lầm lũi, trống vắng.
Bởi vậy, bằng bất cứ giá nào họ phải sinh được con trai cho “vui cửa,
vui nhà”.
Rể thay trai, xã hội cân bằng
Những năm gần đây, với xã hội phát
triển, cách nhìn nhận về việc ở rể có phần thoáng hơn. Người đời không
còn xem đó là chuyện lạ hay đáng chê cười. Đã bắt đầu có một số chàng rể
thời nay tình nguyện ở nhà vợ vì rất nhiều lý do: vợ là con một, nhà vợ
đơn chiếc, tiết kiệm chi phí, thuận tiện đi làm, gần bố mẹ vợ cho gia
đình thêm ấm cúng… Dù là lý do nào, việc ở rể cũng chỉ nhằm mục đích
giúp cuộc sống gia đình dễ chịu hơn.
Anh Hoàng Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) tuy có
nhà nhưng anh vẫn sẵn sàng ở rể cho dù điều kiện sống không bằng ở nhà
anh. Bố mẹ anh có hai con trai còn bố mẹ vợ, sinh hai cô con gái. Cô chị
thì lấy chồng ở tận Trung Quốc, còn cô em nếu về nhà anh ở thì nhà vợ
trống trải. Khi bố mẹ vợ mong muốn vợ chồng anh ở cùng, anh Hà cũng đắn
đo suy nghĩ về cảnh “chui gầm chạn” nhưng rồi vì thương bố mẹ vợ, anh đã
xin phép bố mẹ mình cho đi… ở rể. Anh Hà luôn yêu thương bố mẹ vợ như
bố mẹ của mình, sống một cách chân thành và hạn chế những mâu thuẫn
trong gia đình.
Anh Hà là một trong số các chàng trai
hiện đại bớt ngại mang tiếng ở rể như trai thời trước, vì bản thân họ đi
ở rể là tự nguyện. Khác với trước kia, phần lớn đều do hoàn cảnh bắt
buộc. Hơn nữa, thời nay, vai trò của nam và nữ đang tiến dần đến sự bình
đẳng giới. Cả hai cùng chia sẻ trách nhiệm trụ cột gia đình. Bổn phận
làm rể và làm dâu tuy chưa hẳn cân bằng nhưng không còn thiên lệch như
xưa. Ở rể, vì vậy, không còn đồng nghĩa với sự thua thiệt hay lép vế.
Nguyên nhân vì dù ở rể, người đàn ông vẫn độc lập, đóng góp tài chính và
có tiếng nói trong gia đình.
Theo nhà tâm lý Hoài Giang (Trung tâm Tư
vấn gia đình trẻ) thì tuy một số chàng trai đã tự nguyện ở rể nhưng con
số này chưa nhiều. Nếu được tuyên truyền, cổ vũ sự tự nguyện ở rể, chăm
sóc bố mẹ vợ như bố mẹ mình thì thời gian tới, con số này sẽ được nâng
lên.
Và, điều này cũng đồng nghĩa với việc
các gia đình đỡ “khát” con trai vì thay vào đó đã có con rể hiếu thảo và
cũng đồng nghĩa với việc “cán cân” mất cân bằng giới tính khi sinh đỡ
lệch hơn. Thế nên, ngành dân số cần nghiên cứu, xem đây là một trong
những giải pháp giảm thiểu tình trạng thiếu hàng triệu nam giới vào
những thập kỷ tới.