Cưới anh cưới cả nhà anh?
Trong thực tế, bạn không chỉ phải đối mặt với mối quan hệ cha mẹ chồng- nàng dâu, mà còn có anh em họ, ông bà, cha mẹ kế, hay thậm chỉ cả những đứa con riêng và vợ cũ của chàng. Chúng ta phải chấp nhận điều đó.
Hãy chấp nhận gia đình của anh ấy và thay đổi cách ứng xử của bạn sao cho phù hợp. Điều đó dễ dàng hơn rất nhiều so với việc bạn cố gắng thay đổi cách cư xử của họ.
Mỗi gia đình đều có những tập tục, truyền thống ăn sâu vào gốc rễ, gia đình bạn cũng vậy. Có thể bạn sẽ không nhận ra cho đến khi chàng nói với bạn hay xảy ra xung đột. Nhận thức được rằng luôn luôn có sự khác biệt là bước đi đầu tiên.
Dưới đây là 5 vấn đề điển hình bạn sẽ phải đối mặt :
Ngày lễ – Tết : Những dịp lễ lớn là ngày cả gia đình đoàn tụ. Nếu gia đình bạn không sống cùng trong 1 thành phố với nhà chồng, hãy thương lượng. Và nếu 2 bạn thuộc 2 nền văn hóa khác nhau, đừng quên những ngày lễ đặc biệt của chàng.
Truyền thống gia đình : Gia đình chàng làm gì vào ngày sinh nhật và những buổi lễ kỉ niệm? Điều quan trọng là hãy tìm ra truyền thống của gia đình anh ấy và xem điều ấy có còn phù hợp với cuộc sống hôn nhân hay không.
Sự kỳ vọng : Gia đình anh ấy có mong đợi bạn trả tiền khi đi ra ngoài ăn tối không? Những người đàn ông có giúp đỡ những người phụ nữ dọn dẹp khi họ đang nấu ăn không?
Ứng xử : Đây là vấn đề khó khăn nhất. Có thể bố chồng bạn thường nhậu nhẹt và có những hành động cư xử không đúng chuẩn mực, hay mẹ chồng của bạn là người quá sạch sẽ và luôn cố gắng “giúp” bạn sắp xếp mọi thứ có tổ chức hơn.
Khác biệt tôn giáo : Có nhiều xung đột xảy ra khi 2 bạn khác biệt về tôn giáo, hãy có những cuộc thảo luận sớm.
Tất cả những vấn đề trên có thể gây rạn nứt tình cảm. Nếu bạn né tránh, hậu quả có thể càng nghiêm trọng hơn. Gary Chapman – tác giả cuốn sách “Những điều tôi muốn biết trước khi kết hôn” đã đưa ra 3 gợi ý để giảm thiểu các xung đột :
1. Học cách lắng nghe : Lắng nghe để hiểu nguyên nhân của việc xung đột. Điều gì đó có vẻ không quan trọng với bạn nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc với họ. Nếu bạn trân trọng lắng nghe để hiểu họ, có khả năng họ sẽ tôn trọng quan điểm của bạn.
2. Học cách đàm phán : Xây dựng trên sự lắng nghe và bắt đầu với một đề nghị hoặc yêu cầu với gia đình chàng. Có thể họ sẽ chấp nhận/ từ chối/ sửa đổi đề nghị của bạn, nhưng nếu biết lắng nghe nhau các bạn sẽ tìm ra phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề.
3. Học ngôn ngữ tình yêu của họ : Là một gia đình, bạn luôn hi vọng xây dựng mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn. Bằng cách học ngôn ngữ tình yêu của mỗi người và cách mà họ thể hiện nó, bạn có thể tạo ra một bầu không khí tích cực cho mối quan hệ phát triển. Điều này còn giúp việc lắng nghe và đàm phán trở nên dễ dàng hơn.