Chuyện hài bố vợ, con rể và rượu
Thách đấu bố vợ ngay trong lễ ăn hỏi
Chưa biết Trường là thằng nào, mặt mũi ra sao, ông bố vợ tương lai
của anh đã cấm tiệt con gái: “Mày yêu gì thì yêu kệ mày, nhưng tao không
cho lấy cái thằng đó”. “Thằng nào ạ?”, Thu, con gái ông, sửng sốt hỏi,
rõ ràng cô chưa hề đưa Trường về ra mắt dù hai người yêu nhau đã lâu.
“Còn thằng nào. Cái thằng toàn xui mày trộm rượu của tao cho nó ấy. Chưa
làm rể đã ngang nhiên tranh uống với bố vợ rồi, nó làm rể thì tao có mà
sạt nghiệp”.
Sản nghiệp mà ông Thịnh – bố Thu – nói đến, là cái phòng trưng bày
rượu hoành tráng của ông. Tuy gia sản rất khá nhưng thứ của cải duy nhất
mà ông quý hóa giữ khư khư là những chai, hũ rượu đủ chủng loại, xuất
xứ… chất đầy các kệ, tủ. Đó là rượu bản thân ông mua trong những đợt
công tác trong và ngoài nước, rượu ngâm đủ loại mà bà vợ tận tụy kỳ công
mua các loại cây, con, hoa, quả về chế biến, quà do bạn bè, đồng
nghiệp, cấp dưới, con cái… biết ông mê rượu nên mang về tặng. Trong đó, rất nhiều chai rượu không những đắt tiền mà còn hiếm nữa, được ông Thịnh quý như vàng.
Ấy thế mà, gần đây ông Thịnh phát hiện, thỉnh thoảng lại có một vài
chai biến mất, trong đó có cả mấy chai ông “cưng” nhất. Để ý một chút,
ông đã biết thủ phạm là cô con gái rượu, điều tra thêm chút nữa, ông
biết ngay cái thằng biến con ông thành kẻ trộm là một đứa cũng sành rượu
chẳng kém gì ông. Chỉ khác là dù mê rượu, ông Thịnh là người uống khá
chừng mực, còn bạn trai của con ông tuy còn trẻ mà đã có biểu hiện nát
rượu rồi.
Dù ông Thịnh hùng hổ nói không bao giờ nhận Trường làm rể nhưng
giữa thời buổi con đặt đâu bố mẹ ngồi đấy, chỉ mấy tháng sau, lễ ăn hỏi
đã được tổ chức. Sau màn lễ nghi diễn ra tốt đẹp, đến màn tiệc tùng,
Trường quên mất mình là chú rể đang ở nhà bố vợ chưa cưới. Anh uống
nhiệt tình, chả mấy chốc mà say. Đến khi một ông chú họ của vợ, vốn là
phó chủ tịch huyện, đến nâng cốc, Trường nói như quát: “Làm gì có chuyện
chú mời cháu. Chú về chỗ mau, cháu đến mời”.
Miệng nói, tay anh vớ chai rượu trên bàn, tay kia đẩy ông chú vợ về mâm. Bố vợ
sợ quá, vội chạy lại: “Cái thằng này, mới mấy chén mà đã say”. Chàng rể
xửng cồ: “Mấy chén là thế nào? Chê con không biết uống rượu hả? Bố nhầm
rồi đấy. Con thách bố hạ được con đấy. Nào, bố con mình tỷ thí, thằng
nào thua phải gọi thằng kia là sư phụ”.
Bố vợ chỉ biết lắc đầu, các chú các bác thì miệng há hốc. Mấy anh
bạn của Trường đang ngồi mâm nhà trai thấy nguy quá vội chạy lại, tóm cổ
Trường lôi xềnh xệch, tống vào xe ô tô. Anh chàng ngủ lăn ra ở đó cho
đến khi cả đoàn xong việc, chở về.
Thế mà rồi Trường vẫn được cưới Thu. Sau đó mỗi lần về thăm nhạc
gia, chào hỏi xong là ông rể tót ngay vào phòng rượu ngắm nghía; bố vợ ở
nhà thì xin vài chai, không thì cũng tự ý chọn mấy chai mang về. Để đề
phòng rể quý, chai nào ưng nhất, ông Thịnh phải cất vào ngăn rủ riêng
khóa trái, Trường mấy lần nhờ vợ trộm hộ mà không xong.
Sau đó mỗi lần về thăm nhạc gia, chào hỏi xong là ông rể tót ngay vào phòng rượu ngắm nghía (Ảnh minh họa).
Mất vía với rể hiền
Khác với Trường, Thiết không hề để lòi cái đuôi sâu rượu của mình
cho đến cái Tết đầu tiên sau khi chính thức thành con rể ông Quy. Trước
đó, mỗi lần được mời, Thiết đều nhẹ nhàng từ chối. Nhìn anh vóc dáng thư
sinh, lại còn da trắng môi đỏ, anh em bên vợ chỉ trêu chọc ít câu chứ
không nỡ ép. Chỉ mấy ngày Tết, sau đám cưới 2 tháng, họ mới thực sự được
mở rộng tầm mắt, mới hay chàng rể xinh trai nhỏ nhẹ nhà mình hóa ra là cao thủ.
Anh uống như hũ chìm, hạ gục hết các anh em, chú bác bên vợ. Đã
thế, khi đã “tây tây”, Thiết không cho người nào rút lui, đã uống là
phải uống chết thì thôi, thành thử bên mâm chẳng mấy chốc đã chẳng còn
ai ngồi vững. Kẻ ra vườn “cho chó ăn chè”, người lăn quay cạnh mâm,
người dúi dụi đâm đầu vào một góc. Riêng Thiết mặt đỏ tưng bừng, giọng
nói lè nhè nhưng vẫn ngồi vững như bàn thạch, có vẻ càng lúc càng hăng
máu.
Trong khi đang om sòm kêu chán vì không có hảo hán nào đủ trình đối
ẩm với mình thì Thiết vớ được ông bố vợ vừa đi chúc Tết về. “Bố, đầu
xuân năm mới, bố uống với con một chén”. Lần đầu tiên thấycon rể uống
rượu, không biết được mấy ngụm mà coi bộ đã say, bố vợ khoái chí bèn
ngồi xuống.
Một lát sau, ông say quá, “xin phép” rể đi nằm. Thiết chỉ tay vào
mặt bố vợ quát: “Đi đâu? Ngồi im”. Bố vợ giật thót, cuống lên lắp bắp:
“Vâng vâng”, quên mất kẻ quát mình làcon rể. Hai bố con lại đối ẩm cho
đến lúc cùng gục bên mâm. Kể từ lúc Thiết “hiện nguyên hình”, đám anh em
vợ hễ có nhậu là lôi anh đi theo bằng được để hạ gục những cao thủ nhà
khác.
Còn ông Tưởng, 59 tuổi, có ông con rể là nghệ sĩ cũng hơi nổi
tiếng, làm việc ở Hà Nội. Một lần, chàng rể gọi điện bảo con về quê mình
công tác, đi cùng mấy anh bạn làm truyền hình, nhân tiện vào thăm bố.
Vốn tự hào về con rể, ông Tưởng phấn khởi lắm, nhân dịp có cả “các
chú truyền hình”, cũng muốn khoe rể quý cho thiên hạ lác mắt chơi. Ông
bèn hô hào bày tiệc lớn, toàn các món đặc sản, rồi mời bạn bè, đồng sự,
đều là những người có chức sắc hoặc thành đạt, danh giá ở địa phương,
đến dự. Giờ mời khách là 10h30, đến 11h, khách đến đủ mặt, thế mà gần
12h vẫn chưa thấy rể đâu.
Ông Tưởng gọi điện mãi mới thấy rể nghe máy, bảo bố yên tâm con gần
đến nơi rồi, tại các anh truyền hình cứ phải vừa đi vừa tác nghiệp.
Nghe lý do quan trọng như vậy, khách khứa ai mà chẳng thông cảm. Người
thủ đô họ làm việc 24/24h chứ đâu có theo giờ hành chính như mình, dân
truyền hình càng phải làm lăn lóc ra ấy chứ.
Nhưng sự thực là chàng rể và các bạn đã trải qua một bữa nhậu tưng
bừng ở thị xã. Khi về đến nhà bố vợ thì cả bọn ít nhiều đều đã say. Mặc
kệ khách khứa đang chờ đón tiếp, chúc tụng, họ hò hát, đọc thơ ầm ĩ,
xong mỗi tiết mục lại trợn mắt bắt khách vỗ tay.
Chàng rể ông Tưởng còn chỉ định từng vị khách của bố đứng lên bình
luận về tác phẩm vừa trình diễn, khiến “kẻ ngoại đạo” hết hồn, lúng túng
như gà mắc tóc. Không biết bình thế nào, họ đành chịu phạt uống 3 chén
rượu đầy. Sợ quá, đám khách của bố vợ chưa ăn được mấy miếng đã lấy cớ
đến giờ làm việc chiều, cáo từ ra về.
Những tưởng sau vụ đó, ông Tưởng sẽ phải muối mặt
vì hứng chịu sự chê bai, giễu cợt của bạn bè dành cho chàng rể. Ai ngờ,
họ càng nể anh ta hơn. Có lẽ vì ở quê, họ đã thấy nhiều anh nát rượu,
uống say nhè, nhưng chưa gặp một nghệ sĩ, dù chỉ hơi nổi tiếng, đã say
bò ra mà mà vẫn còn “nhả ngọc phun châu” toàn thơ với nhạc bao giờ. Chỉ
có ông bố vợ là rút kinh nghiệm, từ đó không dám đón rước con rể một
cách hoành tráng nữa.