Home Nghệ Thuật Yêu Bình đẳng “tích cực”

Bình đẳng “tích cực”

Vợ chồng người hàng xóm của tôi cãi nhau như cơm bữa. Chị vợ ở nhà
đưa đón con đi học, quán xuyến nhà cửa, rảnh thì sang hàng xóm “tám”
chuyện giải khuây.

Anh chồng là “thợ đụng”, lanh lợi, làm hết việc này việc nọ, nhưng có
tính gia trưởng, thỉnh thoảng rượu vào lời ra, vợ con là những người
gần gũi nên thường “chịu trận”. Thấy gia cảnh khó khăn của chị, tôi rủ
chị cùng đi sinh hoạt Hội phụ nữ, để chị em
có dịp gặp gỡ, chia sẻ, được nghe nhiều ý kiến đóng góp, mở mang tầm
nhìn. Làm hội viên, chị còn được ưu tiên vay vốn để mở tiệm tạp hóa nho
nhỏ tại nhà, như mong ước của chị.

Những dịp sinh hoạt Hội, chị không ngại đóng cửa tiệm, còn mạnh dạn
cầm micro ca mấy bài tân cổ trước khi khai mạc chương trình. Tôi mừng
khi thấy chị tìm được một địa chỉ sinh hoạt tin cậy, ý nghĩa.

Bình đẳng "tích cực" - 1

Bình đẳng vợ chồng chỉ nên là một giấc mơ tương đối (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, chồng chị tỏ vẻ không vui. Chuyện sinh hoạt Hội với anh là
vô bổ, thậm chí anh thẳng thừng tổng kết: “Từ ngày vợ tham gia đoàn thể,
lời nói cô ấy… bén ra, hay cãi chồng, xem chồng nhẹ tựa lông hồng”.
Bằng chứng mới nhất là khi hai người cãi nhau, chị bảo: “Bây giờ nam nữ bình đẳng,
ai cũng có vai trò, vị trí ngang nhau, quan trọng là biết tôn trọng
nhau, góp ý để cùng nhau tiến bộ, chứ tôi không thể làm cái bóng để anh
muốn điều khiển thế nào cũng được”. Bị tổn thương khi vợ không còn phục
tùng mình như trước, rượu vào, anh đuổi ba mẹ con ra khỏi nhà. Chị lại
đến gõ cửa nhà chị hội trưởng, lại được hòa giải, làm lành.

Chị vẫn đi sinh hoạt đều đặn, dù biết chồng không thích. Về phần
mình, anh cũng không có cớ gì để ngăn cản việc sinh hoạt lành mạnh của
chị. Hơn nữa, mỗi năm số ngày sinh hoạt Hội cũng chỉ đếm trên đầu ngón
tay. Sự việc cũng không đến nỗi tệ, nếu thời gian gần đây chị không bê
trễ việc nhà. Anh góp ý, chị càng lấn tới, bằng những lý lẽ thiếu thuyết
phục về đấu tranh đòi bình đẳng với chồng. Chuyện gia đình, chị luôn
chia sẻ với tôi. Chị bảo, xưa nay chị bị chồng chèn ép, làm gì cũng phải
thông qua ý kiến chồng, chị không thể suốt đời sống kiếp tầm gửi để
chồng xem thường. Nghĩ thế, chị đi đâu, làm gì, chồng cũng không hay
biết, nên mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. Về vấn đề này, tôi và chị luôn
bất đồng quan điểm.

Đành rằng, xã hội bây giờ nam nữ bình đẳng, vợ chồng phải
tôn trọng nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển, cùng thụ hưởng
hạnh phúc nhưng những lời nói và hành động của chị chưa thuyết phục
chồng, thậm chí như một sự thách đố. Dù bây giờ chị làm ra tiền nhiều
hơn chồng, dù quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn khó thoát khỏi suy nghĩ
của những người chồng vốn có tính gia trưởng, nhưng không vì thế mà vợ
chồng “qua mặt” nhau.

Theo tôi, dù bình đẳng tới đâu, trong nhiều trường hợp, phụ nữ cũng
nên tỏ ra “dưới cơ” chồng, bởi nhường nhịn chồng chẳng có gì là xấu hổ.
Vợ/chồng (thường là người vợ) nếu muốn đòi bình đẳng, phải nhẹ nhàng góp
ý và hành động sao cho đối phương tâm phục khẩu phục để tạo sự bình
đẳng đúng nghĩa, tích cực. Trong đời sống vợ chồng, không phải mọi thứ
đều nhất nhất phải bình đẳng, vì xưa nay đàn ông hay đàn bà, dù không
phân chia “lãnh địa”, nhưng ai cũng ngầm hiểu về vai trò, vị trí của
nhau trong gia đình. Tất nhiên, chẳng có gì là tuyệt đối, quan trọng là bình đẳng trên cơ sở tôn trọng nhau, cùng có trách nhiệm với nhau, mới là sự bình đẳng đúng nghĩa.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x